Tiềm năng từ quả điều

Nâng cao giá trị gia tăng cây điều, tăng hiệu quả cho ngành điều và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường bằng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), xây dựng mô hình sản xuất thực nghiệm các sản phẩm có giá trị gia tăng và đa dạng hóa sản phẩm từ thịt quả điều, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đây chính là mục tiêu mà ngành KH&CN tỉnh Bình Phước hướng đến.

Để quả điều không còn là phế phẩm

Ở nước ta, cây điều được trồng nhiều ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Riêng Bình Phước, điều chiếm hơn 50% diện tích của cả nước và được xem là thủ phủ của cây điều Việt Nam. Điều được trồng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, trong đó có 4 vùng chuyên canh tập trung ở các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập và Đồng Phú.

Theo những người trồng điều, nếu 1 ha điều cho thu hoạch trung bình khoảng 2 tấn hạt sẽ có khoảng 6-7 tấn quả. Quả điều thuộc nhóm có sự tăng mạnh cường độ hô hấp sau khi thu hoạch, việc này dẫn đến tình trạng hư hỏng nhanh nếu không kịp thời xử lý, thông thường quả điều dễ bị thối trong vòng 24 giờ ở điều kiện thường. Do vậy, quả điều từ trước tới nay vẫn là phế phẩm, người dân không biết sử dụng vào việc gì. Vì trong quả chín chứa nhiều hàm lượng tanin gây vị chát gắt khi sử dụng nên sau thu hoạch hạt điều, quả bị vứt bỏ, một số ít dùng làm phân bón.

Thạc sĩ Đặng Văn Hà, phụ trách Phòng Nghiên cứu ứng dụng, Trung tâm KH&CN tỉnh Bình Phước (bìa trái) cùng các sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành làm mứt điều sấy dẻo

Thời gian qua, đã có một số đề tài nghiên cứu về quả điều được thực hiện nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm này trong công nghiệp như: rượu vang, giấm điều, mứt điều… Tuy nhiên, những nghiên cứu này vẫn còn hạn chế, nguyên nhân chính là do không thể loại trừ triệt để hàm lượng tanin tồn dư trong dịch quả. Để giúp nông dân trồng điều tăng thêm thu nhập từ quả điều chín, góp phần nâng cao giá trị cây điều, tăng hiệu quả cho ngành điều, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, thúc đẩy các ngành công nghiệp thực phẩm phát triển và hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, Trung tâm KH&CN tỉnh đã phối hợp Trường đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất thực nghiệm các sản phẩm có giá trị gia tăng từ thịt quả điều tại tỉnh Bình Phước” (dự án).

Hiện trên thị trường các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu là thịt quả điều chưa được khai thác, trong khi sản phẩm này hứa hẹn thu hút khách hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng các loại sản phẩm thực phẩm mà nhiều người tiêu dùng mong muốn. Khi nhu cầu cuộc sống và mức thu nhập thay đổi, cộng với việc hạn chế thời gian thì sản phẩm mang tính tiện lợi, chất lượng, sức khỏe và an toàn sẽ là hướng đi đúng đắn, nâng cao giá trị sử dụng của nguyên liệu địa phương, tăng thu nhập cho người dân.

Bà ĐẶNG THỊ MƠ, Chủ nhiệm dự án, Trung tâm KH&CN tỉnh Bình Phước

Mục tiêu của dự án là nghiên cứu công nghệ sơ chế, bảo quản quả điều tươi và dịch ép từ thịt quả điều, sấy và bảo quản quả khô phù hợp với nhu cầu phục vụ chế biến; nghiên cứu công nghệ loại bỏ các chất không phù hợp; xây dựng mô hình công nghệ, thiết bị sản xuất sản phẩm mứt điều, bột dinh dưỡng và nước giải khát quả điều; khảo sát và đánh giá chất lượng sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng và theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Nhiều tiềm năng

Thạc sĩ Đặng Văn Hà, phụ trách Phòng Nghiên cứu ứng dụng, Trung tâm KH&CN tỉnh cho biết: Hiện nay, trong công nghệ chế biến thực phẩm có thể làm giảm hàm lượng tanin tồn dư trong dịch quả đến mức thấp nhất mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng sau xử lý và bảo toàn được những tính chất của nước ép, đảm bảo chất lượng sản phẩm bằng một số phương pháp kỹ thuật hiện đại trong chế biến. Hoặc kết hợp các dịch chiết tự nhiên có nhiều hoạt chất sinh học nhằm nâng cao tính đa dạng chế biến các sản phẩm. Hiện các sản phẩm nghiên cứu đã hoàn tất trong phòng thí nghiệm. Những chỉ tiêu như mùi, vị đặc trưng của quả điều đều đảm bảo tiêu chí đề ra.

Trái điều sau khi thái được đem đi sấy

Trái điều sau khi thái được đem đi sấy

Thạc sĩ Nguyễn Phú Thương Nhân, Khoa công nghệ hóa học thực phẩm, Trường đại học Nông lâm, Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ về những lợi ích từ thịt trái điều

Thạc sĩ Nguyễn Phú Thương Nhân, Khoa công nghệ hóa học thực phẩm, Trường đại học Nông lâm, Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ về những lợi ích từ thịt trái điều

Thạc sĩ Nguyễn Phú Thương Nhân, Khoa Công nghệ hóa học thực phẩm, Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Quả điều có thể dùng để sản xuất nước hoa quả, mứt, giấm ăn và khi công nghệ phát triển thì các sản phẩm được chế biến từ quả điều ngày càng đa dạng. Nhiều quy trình đã được công nghiệp hóa để chuyển đổi quả điều thành một số sản phẩm, như nước trái cây, mứt, sirô... Trong công trình nghiên cứu này, ngoài làm mứt điều sấy dẻo, nước ép, còn làm bột điều hòa tan. Ưu điểm của bột điều hòa tan là dễ sử dụng, việc bảo quản cũng tăng lên từ 6-8 tháng so với dạng nước.

Phân tích dưới góc độ khoa học, sản phẩm quả điều chín chứa 85% dịch quả, có hàm lượng đường chiếm 8-10%, chủ yếu là đường khử. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa tận dụng được thực phẩm này do hàm lượng chất gây chát. Ngoài chất gây chát, polyphenol có trong dịch quả điều gây ra vị đắng gắt. Nắm rõ yếu tố đó, Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã phối hợp Trung tâm KH&CN tỉnh Bình Phước nghiên cứu để loại bỏ chất gây chát trong quả để chế biến mứt điều sấy dẻo, bột điều hòa tan và nước ép, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của vùng trồng điều Bình Phước cũng như làm sản phẩm đặc sản của địa phương.

Thạc sĩ ĐÀO TẤN PHÁT, Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển bền vững, Trường đại học Nguyễn Tất Thành

Điều là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Phước nên việc nghiên cứu quy trình sơ chế và bảo quản cũng như phát triển đa dạng hóa các sản phẩm từ quả điều sẽ hứa hẹn thị trường rộng lớn trong nước và thế giới. Dự án vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, nếu thành công, được chuyển giao công nghệ sản xuất trọn gói, sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy hiệu quả kinh tế cho người nông dân trồng điều trong cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng, khi đó quả điều sẽ không còn là phế phẩm.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/142584/tiem-nang-tu-qua-dieu