Tiệm tạp hóa chuyển mình trước 'cơn lốc' mua sắm online - Bài cuối: Chuyển đổi số để cạnh tranh
Đối với các cửa tiệm tạp hóa, chuyển đổi số là lựa chọn tất yếu để thích nghi với nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay.
Bỏ tính nhẩm, thanh toán bằng mã QR
Theo thống kê từ Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm đến 75% thị phần bán lẻ. Ông Phạm Hồng Sơn, chuyên gia về thương mại điện tử và chuyển đổi số hệ thống phân phối, cho biết, tại Việt Nam có 3 kênh phân phối hàng tiêu dùng, gồm: kênh truyền thống là cửa hàng tạp hóa - chợ, siêu thị- cửa hàng tiện ích và kênh online.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng của kênh truyền thống trong 20 năm qua chỉ khoảng 5%. Kênh siêu thị tăng trưởng 10%. Đáng lưu ý là kênh online tại Việt Nam dù chỉ chiếm 5% thị phần nhưng tăng trưởng đến 30% - 45%/năm.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thúy Anh, với độ phủ rộng, len lỏi vào từng ngõ ngách, đặc biệt là ở vùng nông thôn, cửa hàng tạp hóa hoàn toàn có thể đáp ứng tới 75% nhu cầu mua sắm của người dân.
Tuy nhiên, trong xu hướng chuyển đổi số, nhất là mua sắm online đang tăng trưởng nhanh và "nóng", các cửa hàng tạp hóa cũng cần phải đổi mới phương thức hoạt động để giữ được thị phần kinh doanh của mình.
Chuyển đổi số với các cửa tiệm tạp hóa thực chất là sự thích nghi bắt buộc với nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng. Trước hết, hàng hóa cần được bài trí khoa học, tiện lợi, từng mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ cụ thể, niêm yết giá rõ ràng để người mua dễ dàng lựa chọn; hàng hóa được cân chính xác.
Tại quầy tính tiền, các món hàng được khách hàng lựa chọn đều được ghi hóa đơn đầy đủ. Đặc biệt "không tính tiền bằng miệng"… chính là việc mà tiệm tạp hóa cần thực hiện.
Thực tế, trước nguy cơ mất khách hàng vào tay "gã" cửa hàng tiện lợi thì dù "mù tịt" về thanh toán không tiền mặt, chủ tiệm tạp hóa cũng phải mò mẫm tìm kiếm mua máy POS, liên hệ ngân hàng, ví điện tử để làm mã QR… Sau một thời gian, chủ tiệm tạp hóa có thể tham gia thanh toán không tiền mặt.
Tuy nhiên, công cuộc số hóa tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Theo các chuyên gia, với các cửa tiệm tạp hóa, việc chuyển đổi số có những cấp độ khác nhau. Và thanh toán không tiền mặt là cấp độ 1 của việc chuyển đổi số đối với các tiệm tạp hóa.
"Ước tính, ở cấp độ này, hiện có 80% các tiệm tạp hóa đáp ứng được nhu cầu thanh toán không tiền mặt", chuyên gia Nguyễn Thúy Anh chia sẻ.
Đẩy mạnh bán hàng qua Zalo, Facebook
Ở cấp độ 2, chủ tiệm tạp hóa cần trang bị máy tính tiền, máy tính có phần mềm quản lý cửa hàng (hàng xuất, hàng nhập, hàng tồn…). Hiện nay, một loạt ứng dụng quản lý hoạt động tạp hóa lần lượt nối đuôi nhau ra đời.
Trong đó, khâu tìm kiếm nguồn hàng và phân phối được chú trọng. Các nền tảng công nghệ này sẽ giúp người bán tạp hóa có thể kết nối với những đơn vị cung cấp hàng hóa. Người chủ tiệm sẽ không cần tự tìm và trực tiếp đi đến các chợ đầu mối hoặc những nhà bỏ sỉ nữa.
Thay vào đó, họ có thể lên các ứng dụng để tìm kiếm sản phẩm, đặt hàng trực tuyến từ nhiều nhà cung cấp, mua sỉ với giá tốt. Sau khi đã đặt hàng, hệ thống sẽ tự xử lý đơn hàng và giao tận nơi cho người chủ tạp hóa.
Không chỉ trong khâu tìm nguồn hàng và vận chuyển, các tạp hóa còn tận dụng được lợi thế chuyển đổi số từ những thông tin phân tích thị trường mà các ứng dụng này đem lại như "gợi ý những mặt hàng đang hot".
Trong khâu bán hàng, ở cấp độ này, chủ tiệm tạp hóa cần phải thường xuyên kết hợp với Facebook, Zalo để tương tác với khách hàng, thành thạo việc sử dụng các kênh mạng xã hội này để thông tin đến nhóm khách hàng thân thiết các sản phẩm mới, sản phẩm độc đáo của mình.
Tiếp đó, chủ tiệm tạp hóa sẽ bố trí người hoặc chuyển qua đơn vị vận chuyển để hàng hóa đến tận tay khách hàng. Ở cấp độ này, chuyên gia Nguyễn Thúy Anh nhận định, do tốn nhiều thời gian, nguồn lực và nhân lực nên ước tính, hiện nay, chỉ khoảng 50% tiệm tạp hóa tại Việt Nam đáp ứng được việc chuyển đổi này.