Tiến độ giải ngân chậm - dai dẳng chuyện mặt bằng

Có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công không đạt theo kế hoạch. Trong số hàng loạt các nguyên nhân đã được chỉ ra, như khan hiếm vật liệu xây dựng, năng lực chủ đầu tư nhà thầu, thủ tục đầu tư... thì không thể không kể đến yếu tố của chính đội ngũ những người đang thực thi nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực này.

Chưa huy động hết sức mạnh các đoàn thể

Vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình dự án, tức ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, là một trong những câu chuyện luôn nóng mỗi khi đề cập đến tiến độ giải ngân.

Khan hiếm vật liệu xây dựng là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt theo kế hoạch.

Khan hiếm vật liệu xây dựng là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt theo kế hoạch.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhận định, nơi nào thực hiện tốt Chỉ thị 07 của UBND tỉnh, tức cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và lực lượng vũ trang gương mẫu đi đầu thì gần như không có vướng mắc, tiến độ giải phóng mặt bằng rất nhanh và không có trường hợp nào phải tiến áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Huyện Thới Bình là một điển hình, trong đó công tác giải phóng mặt bằng tuyến chính cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa phận huyện là một cụ thể.

99,9% mặt bằng sạch đã được bàn giao cho các đơn vị thi công thực hiện Dự án cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa bàn huyện Thới Bình.

99,9% mặt bằng sạch đã được bàn giao cho các đơn vị thi công thực hiện Dự án cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa bàn huyện Thới Bình.

Ðể công tác giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ công tác với sự tham gia của nhiều ngành và các tổ chức chính trị xã hội. Nhờ đó, đến nay trên toàn tuyến này chỉ còn 2 hộ chưa nhận tiền bồi hoàn do vướng chính sách giá, nhưng đã bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý công trình.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi công tác giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian. Cụ thể như Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội, khu vực thị trấn còn 9 hộ chưa nhận tiền, trong đó có 7 hộ đã bàn giao mặt bằng, còn lại 2 hộ không nhận tiền mà cũng không giao mặt bằng. Vụ việc kéo dài, đến nay vẫn chưa giải quyết được.

“Các huyện cần đặc biệt quan tâm xử lý đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên không gương mẫu theo Chỉ thị 07 của UBND tỉnh”, ông Lên kiến nghị.

Hạn chế từ vận hành nội bộ

Phân tích những khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá, giải phóng mặt bằng chậm liên quan đến người dân có nhưng chỉ một phần, cái chậm lớn nhất xuất phát từ khâu vận hành nội bộ, đo đạc, kiểm điểm cho đến công tác quản lý hồ sơ rất kém, mất nhiều thời gian. Công tác kiểm kê đất đai, kiểm kê tài sản trên đất cũng chưa tốt, làm giá đất thì không chuẩn... khi ra tới dân, bà con phản ứng phải tiến hành làm lại nên mất rất nhiều thời gian. Chất lượng đội ngũ liên quan đến công tác quản lý đất đai, tư vấn về bồi thường giải phóng mặt bằng cần phải tính toán lại.

Tính đến nay, tiến độ giải ngân của tỉnh cao hơn bình quân chung cả nước, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, thế nhưng nếu so với Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì còn thấp hơn gần 20%.

Ông Lâm Văn Bi phân tích: “Với lượng vốn còn lại, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng chúng ta phải có tiến độ giải ngân gần như gấp đôi bình quân mấy tháng qua. Ðây là áp lực rất lớn đối với các chủ đầu tư, các sở, ngành. Nếu không có giải pháp nào khác thì rất khó đạt theo mục tiêu đề ra, là giải ngân hết vốn hay ít nhất là đạt 95% kế hoạch vốn, theo chỉ đạo của Chính phủ”.

Theo thống kê, các dự án phát triển đô thị là nhóm có tiến độ giải ngân chậm hơn so với kế hoạch. Liên quan đến lĩnh vực này, ông Mã Minh Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, một số dự án nhà đầu tư rất nhiệt huyết, nhưng do công tác giải phóng mặt bằng quá chậm đã khiến nhà đầu tư phải băn khoăn. Cụ thể, Dự án Nhà ở xã hội Khóm 5, Phường 9, phải mất 380 ngày để giải phóng 13,12 ha mặt bằng. Trong đó, để có quyết định về mức giá bồi thường giải phóng mặt bằng cho phần đất này đã mất 224 ngày.

Phải mất 380 ngày để giải phóng 13,12 ha mặt bằng của Dự án Nhà ở xã hội Khóm 5, Phường 9, TP Cà Mau.

Phải mất 380 ngày để giải phóng 13,12 ha mặt bằng của Dự án Nhà ở xã hội Khóm 5, Phường 9, TP Cà Mau.

“Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo các địa phương tiến hành xem xét lại, có hay không thực trạng trên tỉnh thì nóng nhưng xuống tới địa phương thì nguội”, ông Tâm kiến nghị.

Liên quan đến công tác quy hoạch sử dụng đất, ông Tâm thừa nhận, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời gian qua còn chậm là trách nhiệm của Sở Xây dựng. Hiện nay, đồ án quy hoạch sử dụng đất đã được báo cáo nhiều lần nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, hiện sở đã điều chỉnh để sớm được phê duyệt.

“Khi triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới, phải chuẩn bị trước phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Song song đó là phải tạo quỹ đất sạch để tiến hành tái định cư khi thu hồi đất của dân, nhất là các dự án nằm trong danh mục đầu tư năm 2024-2025”, ông Lâm Văn Bi chỉ đạo./.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tien-do-giai-ngan-cham-dai-dang-chuyen-mat-bang-a29851.html