Tiền Giang: Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Sáng 13-12, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng, cùng Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đình Thông và Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Kim Tuyến chủ trì hội nghị.
Theo UBND tỉnh, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024, sự tập trung cao trong lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh khẳng định sự phục hồi rõ nét, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Ước cả năm 2024, có 20/21 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (12/21 chỉ tiêu đạt vượt kế hoạch); riêng chỉ tiêu cơ cấu kinh tế không đạt kế hoạch đề ra. Như vậy, với kết quả đạt được cả năm 2024, hầu hết chỉ tiêu, kế hoạch đề ra của năm đều đạt, vượt mục tiêu, kế hoạch.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý sau cao hơn quý trước. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,02% so cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế năm 2024 chiếm 37,1%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27,7%; khu vực dịch vụ chiếm 29,84%, thuế sản phẩm chiếm 5,41%.
GRDP bình quân đầu người ước đạt 76,4 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện đạt 51.100 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch, tăng 10,9% so với năm 2023. Ước cả năm có 900 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 101,12% kế hoạch.
Thu hút đầu tư ước cả năm có 20 dự án đầu tư mới, tăng 3 dự án so cùng kỳ, với số vốn 8.500 tỷ đồng; có 13 dự án đăng ký tăng vốn, tăng 4 dự án so cùng kỳ, vốn tăng thêm là 8.500 tỷ đồng. Tổng vốn thu hút đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 49,3% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện cả năm 11.384,4 tỷ đồng, đạt 129,4% so với dự toán.
Hoạt động sản xuất công nghiệp ổn định. Chỉ số công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 12,5% so cùng kỳ. Năm 2024, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,9% so với cùng kỳ. Lĩnh vực dịch vụ phát triển tốt, gia tăng giá trị.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 89.316 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 6 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ.
Khách du lịch ước đạt 1,65 triệu lượt khách, tăng 17,9% so cùng kỳ (khách quốc tế 550 ngàn lượt khách, tăng 17,9% so cùng kỳ).
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội cho người dân được đảm bảo, cải thiện. Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2024 và kế hoạch năm 2025 như: Công tác giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thu ngân sách nhà nước; tình hình phát triển nông nghiệp; công tác xây dựng và phát triển đô thị; công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm; tình hình phát triển du lịch…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2024, các sở, ngành và địa phương không thỏa mãn với kết quả đạt được; phải rà soát, đánh giá, tập trung cao, quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu thành phần chưa đạt, để tạo đà cho sự phát triển của năm 2025.
Trong thời gian tới, đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu Sở KH&ĐT phối hợp với Bộ KH&ĐT để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tỉnh thực hiện đồng bộ với các cơ sở pháp lý khác.
Các sở, ngành có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh rà soát, đánh giá quy hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương để tạo sự đồng bộ, nếu chưa đồng bộ thì phải thực hiện điều chỉnh ngay theo thẩm quyền.
Đồng chí Trần Văn Dũng yêu cầu các địa phương rà soát lại kịch bản phòng, chống thiên tai, hạn, mặn còn phù hợp với dự báo trong thời gian tới hay không, thậm chí là phải diễn tập trước.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương chủ động phòng, ngừa dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Khi có dịch bệnh xảy ra thì phải thực hiện tốt việc ngăn chặn. Các địa phương phải tập trung cho công tác xây dựng nông thôn mới.
Về phát triển công nghiệp, các địa phương phải chủ động triển khai Khu công nghiệp Bình Đông và Khu công nghiệp Tân Phước 1. Đối với Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương sớm trình cụ thể để Chính phủ phê duyệt chuyển về cho tỉnh. Ngay từ bây giờ, các sở, ngành liên quan phải chủ động trong công tác thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Về phát triển đô thị, các sở, ngành liên quan và địa phương phải có giải pháp thực hiện, đừng để chỉ tiêu nằm trên giấy. Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện các cơ chế xã hội hóa giáo dục, y tế.
Từ tỉnh đến huyện, xã, từng đơn vị thụ hưởng tài sản công phải nghiêm túc thực hiện công tác kiểm kê đúng, đủ sát với thực tế. Trên cơ sở này, theo thẩm quyền, các đơn vị xây dựng phương án sử dụng, quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị chỉ đạo triển khai các giải pháp trong thu, chi ngân sách năm 2025.
Về công tác đầu tư công, từ nay đến cuối năm, đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các xã phải rà soát, đánh giá lại; đôn đốc nhà thầu thực hiện nhanh các thủ tục thanh quyết toán, ít nhất đạt trên 90%.
Trong năm 2025, Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh tranh thủ huy động nguồn vốn Trung ương để bố trí cho các công trình trọng điểm của tỉnh và các địa phương…