Tiến hành đồng thời, hiệu quả công tác tư tưởng trong Đảng, trong dân

Công tác tư tưởng (CTTT) luôn có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần tạo sự thống nhất cao trong Đảng và nhân dân. Do làm tốt công tác này nên trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã lãnh đạo xác lập, phát triển hệ tư tưởng của đảng cầm quyền và toàn dân tộc; hình thành tính tích cực chính trị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; cổ vũ, động viên tinh thần sáng tạo của quần chúng, thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng; đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới XHCN; quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.

Trong giai đoạn mới, trước những diễn biến mau lẹ, phức tạp của tình hình, việc đổi mới CTTT là vấn đề cấp bách nhằm tăng cường sức chiến đấu và sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đã nhiều lần thẳng thắn cảnh báo sự suy thoái về tư tưởng chính trị và những hạn chế trong CTTT. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ ba vấn đề cấp bách, trong đó vấn đề cấp bách thứ nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhận định tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị diễn biến phức tạp. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra 9 biểu hiện cụ thể suy thoái về tư tưởng chính trị cần phải quyết liệt đấu tranh, đẩy lùi... Cùng với đó, Trung ương cũng nhận thức rõ nhiều hạn chế trong việc giáo dục, định hướng tư tưởng cho quần chúng nhân dân; nhất là việc chậm trễ trong phát hiện, xử lý các biểu hiện tư tưởng, tâm lý xã hội phức tạp, tiêu cực; tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, gây bức xúc trong nhân dân còn diễn ra ở nhiều nơi.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.Ảnh minh họa/nguồn internet.

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, Trung ương xác định quan điểm nhằm nâng cao chất lượng mặt công tác này trong thời gian tới, là: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); trong đó cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp ưu tiên.

Trước hết, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, nhất là bộ phận trí thức chưa là đảng viên, về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với việc thực hiện tốt kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên; cần gắn chặt với nghiên cứu các giải pháp tiến hành CTTT trong đời sống xã hội; gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng đối tượng, từng cấp. Cần thấy rằng, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương thường chú trọng việc chăm lo lợi ích và đời sống tâm lý mà chưa thật chú trọng đúng mức vấn đề tư tưởng trong dân. Công tác giáo dục, bồi dưỡng chủ yếu thông qua tuyên truyền một chiều bằng hình thức gián tiếp, chưa có chiến lược, tầm nhìn và thậm chí là thiếu tính kế hoạch. Đặc biệt, giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân còn thụ động, lúng túng, "mất bò mới lo làm chuồng"...

Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng. Với vai trò lãnh đạo toàn xã hội, Đảng không thể buông lỏng việc giáo dục, quản lý tư tưởng của các bộ phận, thành phần, lực lượng xã hội. Bởi lẽ, quần chúng chỉ phát huy sức mạnh thực sự khi hệ tư tưởng của Đảng trở thành "kim chỉ nam" hành động của toàn xã hội. Quần chúng sẽ giác ngộ, đi theo Đảng khi họ được giáo dục thường xuyên, có hiểu biết nhất định về mục tiêu, lý tưởng của Đảng... Do vậy, việc kịp thời định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động, tạo nên sức mạnh thống nhất của tổ chức, tập thể và phát huy tính tích cực, tự giác của người dân phải được xác định là giải pháp có vai trò quyết định.

Để làm tốt phần việc này cần chú trọng bồi dưỡng, khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên, nhất là quần chúng nhân dân được tham gia nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện hiện nay, việc phát huy các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là hệ thống nhà văn hóa, thư viện ở cơ sở... cần được quân tâm đúng mức hơn; đồng thời, cán bộ, đảng viên phải thấy hết trách nhiệm của mình trong vận động, nêu gương, phát động, khơi dậy các phong trào toàn dân tự học, tự đọc.

Vấn đề thứ hai, cần tích cực hơn trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay trong tiến hành CTTT đối với quần chúng ở cơ sở; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng trong các thành phần xã hội, kể cả những người ngoài Đảng. Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là ở những địa bàn có tình hình phức tạp. Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình, nhất là ở từng địa phương trong quản lý, xử lý tư tưởng; có lý luận sắc bén đấu tranh, phản bác hiệu quả đối với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các nội dung trên cần công khai, tuyên truyền sâu rộng để nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động đề phòng và tích cực tham gia đấu tranh, nhất là việc phát hiện, tố giác đối tượng phản động, thù địch và tạo "sức đề kháng" về tư tưởng ở mỗi cá nhân, tổ chức, địa phương.

Ba là, tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp CTTT gắn với nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng. Cần nhận thức rằng, thực tiễn đòi hỏi CTTT không đơn thuần chỉ là hoạt động tuyên truyền giản đơn, công thức, mà cần phải có trong cả tiến trình sự kiện, hiện tượng, phong trào quần chúng, để có tiếng nói thuyết phục, có tác động thực tế đối với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Nội dung CTTT phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng; giữ gìn phát huy bản sắc truyền thống dân tộc; tập hợp những giá trị đồng thuận cao, phù hợp với vùng miền, dân tộc, đối tượng, độ tuổi...

Trong quá trình đổi mới CTTT, cần chú trọng việc đa dạng hóa các loại hình, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong điều kiện mới, cần coi trọng việc tiến hành CTTT bằng phương pháp trực tiếp. Có nghĩa là, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tăng cường đi cơ sở, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với quần chúng để tiến hành CTTT; kiên quyết không để tình trạng bức xúc trong dân kéo dài; khắc phục ngay các biểu hiện xa dân, không hiểu dân, lười đi cơ sở của cán bộ, đảng viên các cấp. Liên quan đến vấn đề này, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, ban hành các văn bản pháp quy, nhất là quy chế, quy định về việc cán bộ trực tiếp đối thoại, gặp gỡ nhân dân, giải quyết và chịu trách nhiệm về tình hình tư tưởng xã hội ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Cơ quan chức năng các cấp chủ động tiến hành thường xuyên và đột xuất việc khảo sát, điều tra xã hội học về tình hình tư tưởng, tâm lý xã hội; giúp Đảng có cơ sở thực tiễn nâng cao chất lượng công tác quản lý tư tưởng xã hội. Chú trọng hoàn thiện quy chế về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm những cá nhân, nhóm người câu kết với nhau, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để tuyên truyền, xuyên tạc và có hành vi nói, viết, lưu trữ, tán phát tài liệu sai trái. Tổ chức diễn đàn trao đổi, đối thoại về những vấn đề còn có nhận thức, quan điểm khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước..., góp phần tạo sự hiểu biết và đồng thuận cao trong xã hội.

TRẦN VĂN THẮNG - Hê%3ḅ sau Đại học, Học viê%3ḅn Chính trị

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tien-hanh-dong-thoi-hieu-qua-cong-tac-tu-tuong-trong-dang-trong-dan-506704