Tiện ích học bạ điện tử

Học bạ điện tử (HBÐT) được xem là giải pháp hữu hiệu giúp việc đánh giá, xếp loại học sinh trên môi trường số được thuận tiện, nhanh chóng và minh bạch. Trên địa bàn huyện Cái Nước, HBÐT được đưa vào triển khai từ năm 2018, bước đầu cho thấy nhiều tiện ích, giảm bớt áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường.

Với mục tiêu hạn chế thấp nhất việc sử dụng văn bản giấy, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Cái Nước đã nỗ lực số hóa tất cả các văn bản có liên quan trong việc triển khai quản lý, điều hành nhằm tiết kiệm thời gian và tài chính. Nằm trong lộ trình chuyển đổi số của ngành, đến nay, 100% trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đã triển khai sử dụng HBÐT (có áp dụng chữ ký số).

HBÐT là dạng điện tử của học bạ, sử dụng chữ ký số của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền và có giá trị pháp lý như học bạ giấy. Hiện nay, các trường trên địa bàn huyện sử dụng thông qua 2 phần mềm: Smas Viettel, VnEdu. Các phần mềm này cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên, đảm bảo tính công bằng, tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Phần mềm HBÐT cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên.

Phần mềm HBÐT cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên.

Ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, cho biết: “Thời gian đầu triển khai, các trường ở khu vực xa gặp khó vì hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đồng bộ, kèm theo sự lúng túng của cán bộ, giáo viên khi cập nhật ứng dụng mới. Ðến nay, trên địa bàn huyện, tất cả 45/45 cơ sở giáo dục đã có kết nối Internet, toàn huyện đã liên thông 100% cơ sở dữ liệu HBÐT cho 2 cấp tiểu học và THCS. Vì thế, học sinh có nhu cầu chuyển trường sẽ không cần sử dụng học bạ giấy”.

Cô Lê Bé Sáu, giáo viên Trường Tiểu học Hưng Mỹ 1, xã Hưng Mỹ, cho biết, nếu như trước đây cô mất nhiều thời gian cho việc nhập điểm thủ công trên học bạ giấy, vì chỉ cần một phút sao nhãng sẽ dễ xảy ra sai sót, việc sửa lại rất khó khăn và làm xấu học bạ của học sinh, thì từ năm học 2020-2021, khi áp dụng HBÐT, công việc này đã dễ dàng hơn rất nhiều.

“Với HBÐT, mỗi giáo viên sẽ có 1 tài khoản phân quyền, giáo viên sẽ nhập điểm thường xuyên và định kỳ, đồng thời nhận xét đánh giá xếp loại học sinh trực tiếp trên phần mềm. Kết quả giữa kỳ hoặc cuối kỳ sẽ trả về tin nhắn SMS cho phụ huynh cập nhật. Khi sử dụng HBÐT, giáo viên nhập sai điểm sẽ dễ điều chỉnh, nhưng giáo viên phải báo cáo đến hiệu trưởng nguyên nhân sai sót và hiệu trưởng sẽ xem xét và có quyết định đồng ý cho phép thì giáo viên mới được sửa”, cô Sáu chia sẻ.

Thầy Nguyễn Thanh Ðảm, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Mỹ 1, cho biết, khi áp dụng hình thức này nhận được sự đồng thuận rất cao từ cán bộ, giáo viên trong trường vì giảm được khó khăn cho giáo viên, cũng như công tác quản lý của nhà trường được an toàn và bảo mật hơn.

“Tiện ích là thế, tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, chúng tôi nhận thấy các phần mềm và nhà mạng chưa có sự đồng bộ thống nhất với nhau. Giá thành chữ ký số khá cao, riêng với những phụ huynh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc cập nhật tin nhắn theo dõi kết quả học tập của con em mình vẫn còn chậm”, thầy Ðảm chia sẻ.

Thầy Nguyễn Hoàng Giỏi, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, cho rằng: “HBÐT là cầu nối thông tin giữa nhà trường và gia đình học sinh. Giáo viên có thể làm tại nhà, thay vì phải lên trường nhập điểm như trước kia. Dù đã được đồng bộ trên toàn huyện, nhưng nếu học sinh chuyển trường, chuyển cấp đến những trường chưa được đồng bộ hoặc chưa sử dụng HBÐT thì học bạ giấy vẫn được sử dụng song song”.

Sau giờ lên lớp, giáo viên Trường THCS Hòa Trung có thể nhập điểm vào HBÐT tại nhà thay vì phải lên trường nhập thủ công vào học bạ giấy.

Sau giờ lên lớp, giáo viên Trường THCS Hòa Trung có thể nhập điểm vào HBÐT tại nhà thay vì phải lên trường nhập thủ công vào học bạ giấy.

Ứng dụng HBÐT trong đánh giá, xếp loại học sinh là việc làm cần thiết trong việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, giảm bớt áp lực cho giáo viên. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu thực tế, đòi hỏi giáo viên cần nâng cao hơn nữa kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin. Ðối với các đơn vị phát triển phần mềm, ứng dụng cũng cần xây dựng đơn giản hóa cách sử dụng và được đồng bộ về cơ sở dữ liệu, để khi triển khai rộng rãi phải đảm bảo yếu tố "tiện nhưng phải thông"./.

Hữu Nghĩa

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tien-ich-hoc-ba-dien-tu-a31988.html