Tiến sĩ Mai Văn Khiêm: Bão số 3 mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng

Sáng 19/7, bão WIPHA đã vượt qua kinh tuyến 120, đi vào Biển Đông và trở thành bão thứ 6 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và là bão số 3 trên Biển Đông.

Hướng di chuyển chuyển của bão lúc 1h 00 ngày 19/7. Ảnh: TTXVN phát

Hướng di chuyển chuyển của bão lúc 1h 00 ngày 19/7. Ảnh: TTXVN phát

Theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 3 được dự báo là bão mạnh. Để tìn hiểu thêm về diễn biến bão số 3, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm về vấn đề này. Sau đây là nội dung phỏng vấn.

Phóng viên:Ông có cho biết diễn biến hiện tại của bão số 3?
Tiến sĩ Mai Văn Khiêm: Hiện bão số 3 đang mạnh cấp 9, tăng 1 cấp so với dự báo trong 24 giờ qua. Bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 1000km về phía Đông.
Được dự báo là bão mạnh, di chuyển nhanh (trung bình khoảng 20km/h), có vùng mưa lớn và gió mạnh, hoàn lưu lệch về phía Tây và phía Nam. Các trung tâm dự báo bão quốc tế có nhận định thống nhất về quỹ đạo nhưng về cường độ có khác nhau. Theo đó, bão số 3 có cường độ mạnh nhất có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 14-15 khi ở khu vực phía Đông của bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Bão di chuyển trên đất liền Trung Quốc và suy yếu nhanh; vào vịnh Bắc Bộ cường độ bão còn khoảng cấp 8-10.
Phóng viên:Được dự báo là bão mạnh, vậy đối với bão số 3 cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?

Tiến sĩ Mai Văn Khiêm: Nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất trong 24 giờ tới là gió mạnh, sóng lớn trên khu vực phía Bắc và giữa Biển Đông (vùng biển đặc khu Hoàng Sa); vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 10-12, gió giật cấp 15, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-6m.
Từ khoảng ngày 20-21/7, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải… có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và mưa lớn do bão số 3.
Khoảng gần sáng và ngày 22/7, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh - Thanh Hóa sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh cấp 7-9, mưa lớn và nước dâng, sóng biển cao 3-5m. Sóng lớn kết hợp với thủy triều ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng (từ trưa và chiều các ngày 21-23/7).
Trên đất liền, phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rộng, hầu khắp khu vực phía Đông Bắc Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ: Chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 sẽ gồm các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất.
Dự báo bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh; trong đó ở trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, thời gian mưa từ ngày 21-24/7, có nơi sẽ có mưa lớn cục bộ với lượng mưa trên 150mm trong 3 giờ;
Từ ngày 21-24/7, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên từ 3–6m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, đô thị, khu vực tập trung dân cư. Lũ quét, sạt lở đất trên các sườn dốc tại vùng núi Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.
Phóng viên:Công tác dự báo bão đã được thực hiện như thế nào và ông có khuyến cáo gì đối với việc ứng phó bão, thưa ông?
Tiến sĩ Mai Văn Khiêm: Chiều 16/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông; sáng sớm 18/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã phát tin bão gần Biển Đông. Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức cuộc họp ứng phó với bão WIPHA (do thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì) có sự tham gia dự họp của Cục Khí tượng Thủy văn và Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Sáng 19/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Cục Khí tượng Thủy văn đã phát tin bão trên Biển Đông và tổ chức họp trực tuyến nội bộ về dự báo diễn biến và tác động của bão số 3 đối với các khu vực biển, đất liền, nhận định sớm tình hình mưa lũ do bão số 3; rà soát công tác chuẩn bị dự báo, ứng phó với bão...
Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu mức thấp nhất rủi ro thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra, cơ quan khí tượng thủy văn lưu ý người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.
Đồng thời, cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương bị ảnh hưởng lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh.
Chính quyển và người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi bão cần tuân thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Mai Văn Khiêm!

Thắng Trung/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tien-si-mai-van-khiem-bao-so-3-manh-di-chuyen-nhanh-hoan-luu-rong/380918.html