'Tiếp lửa' cải cách môi trường kinh doanh

Như thông lệ, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành trong ngày đầu tiên của năm 2021. Nhưng Nghị quyết năm nay được cô đọng trong ba trang giấy, thay vì độ dài hơn 10 trang hoặc 20 trang như những năm trước.

Như thông lệ, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành trong ngày đầu tiên của năm 2021. Nhưng Nghị quyết năm nay được cô đọng trong ba trang giấy, thay vì độ dài hơn 10 trang hoặc 20 trang như những năm trước.

Sở dĩ có sự thay đổi này là vì Nghị quyết số 02 năm 2019 đã xây dựng lộ trình hằng năm cho cả giai đoạn 2019 - 2021. Vì vậy, Nghị quyết số 02 năm 2021 chỉ bổ sung thêm bốn nhóm giải pháp trọng tâm mới, "tiếp lửa" cho cải cách MTKD. Đó là: Tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước và giải quyết các vướng mắc, bất cập, rào cản pháp lý đối với đầu tư kinh doanh. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số; tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Với sự đồng hành của Chương trình Ô-xtrây-li-a hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), tiến trình cải cách MTKD của nước ta đã đi được chặng đường khá dài với kết quả đáng khích lệ, thông qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 và sau này là Nghị quyết số 02 được Chính phủ ban hành mỗi năm. Các nghị quyết đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ T.Ư đến địa phương cũng như sự hưởng ứng của cộng đồng DN và toàn xã hội. Qua đó góp phần cải thiện thêm một bước thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tháo gỡ được nhiều rào cản, khó khăn vướng mắc cho DN và người dân. Tuy nhiên, so với đòi hỏi phát triển thực tiễn, kết quả đạt được vẫn chưa đủ làm bừng lên sức sáng tạo và các nguồn lực trong xã hội. Bởi ở một số thời điểm, điều kiện kinh doanh vẫn "tái sinh" hoặc "biến hình" dưới hình thức chứng chỉ, tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước. Trong bối cảnh đất nước cần chắt chiu mọi nguồn lực cho tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước đại dịch Covid-19, cải cách MTKD là dư địa có thể khai thác.

Để tạo dựng một MTKD thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân và DN. Đổi mới quy trình xây dựng luật theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp. Bảo hộ quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ, thúc đẩy công nghiệp sáng tạo. Thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng có hiệu quả... Có như vậy, Việt Nam mới vào được tốp 4 ASEAN về MTKD như mục tiêu đề ra.

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/-tiep-lua-cai-cach-moi-truong-kinh-doanh-634852/