Tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ ứng phó dịch Covid-19
Sáng 27-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh vừa qua xuất hiện một số ca dương tính tại TP Đà Nẵng.
Sáng 27-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh vừa qua xuất hiện một số ca dương tính tại TP Đà Nẵng.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP Đà Nẵng diễn biến phức tạp, chưa tìm được ca F0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chủ động, không được để dịch bệnh lây lan từ Đà Nẵng ra cả nước cũng như trong toàn thành phố. Tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác cũng như không được hoang mang. Nhắc lại yêu cầu đặt ra là bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và sang các địa phương khác, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung cao độ, phản ứng nhanh, hiệu quả, bằng sức mạnh tổng hợp, tổng lực; phải nhanh chóng truy vết, xét nghiệm diện rộng cho những đối tượng cần thiết để ngăn ngừa có hiệu quả việc lây nhiễm. Trong đó, phối hợp tốt, nhuần nhuyễn giữa lực lượng của các địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng với cơ quan Trung ương mà trực tiếp là Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan có liên quan.
Thủ tướng đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn TP Đà Nẵng theo Chỉ thị 19 của Chính phủ ngày 24-4-2020 về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với mức độ cao, thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 28-7. Theo đó, cơ cấu lại các lực lượng trực chiến, lực lượng phản ứng nhanh, điều phối liên ngành hỗ trợ Đà Nẵng giống như bộ tư lệnh tiền phương. Phản ứng kịp thời hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trước tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh tại Đà Nẵng. Hoàn thiện các kịch bản ứng phó với Covid-19. Yêu cầu giãn cách xã hội với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19 đã nêu trên, bao gồm cả việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phương tiện giao thông công cộng. Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động và các hoạt động khác, cơ bản dừng các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng trừ trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên liệu sản xuất, hàng hóa; hạn chế hoạt động của phương tiện cá nhân… Những người từ TP Đà Nẵng đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác đều được xem xét xét nghiệm, trường hợp cần thiết thì cách ly y tế. Những trường hợp cảm, sốt, ho đều phải đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.
Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông trong phòng, chống dịch; đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không được hoang mang, dao động; hỗ trợ Đà Nẵng trong việc truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh. Bộ Quốc phòng và các địa phương biên giới phải tăng cường kiểm soát và làm rõ trường hợp vi phạm; đồng thời cũng phải xử lý nghiêm khắc các cán bộ, chiến sĩ, cá nhân, đơn vị, địa phương vi phạm Luật Biên giới.
Bộ Công an thực hiện chủ trương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” những địa bàn trọng điểm như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và hai thành phố lớn; có trách nhiệm điều tra, truy tố, xét xử những cá nhân, đơn vị vi phạm pháp luật trong vấn đề đưa người xâm nhập trái phép. Ngành y tế cũng cần chú trọng hơn nữa bảo đảm an toàn cho lực lượng chức năng, phóng viên trên tuyến đầu chống dịch. Tiếp tục thực hiện các phương án xây dựng các khu cách ly tập trung, đặc biệt là TP Đà Nẵng, các bệnh viện dã chiến phòng trường hợp diễn biến xấu của dịch có thể xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu TP Đà Nẵng cũng như các thành phố lớn cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm, nhất là nâng cao năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam. Các địa phương cả nước phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, kinh tế Việt Nam đầu quý III vẫn có nền tảng vĩ mô tốt, xu hướng tích cực, kể cả đầu tư thương mại, cả kinh tế trong nước và xuất, nhập khẩu. Chính phủ sẽ kiên quyết triển khai các giải pháp kiểm soát tốt dịch bệnh trong phạm vi quốc gia đồng thời chỉ đạo tốt phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và nhân dân sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư và nhân dân tin tưởng sự quản lý, điều hành của Chính phủ để bảo đảm nhịp độ phát triển của đất nước, nhất là chúng ta đang thúc đẩy thực hiện kế hoạch.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cùng với các địa phương chỉ đạo phòng, chống các bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết. Ngành giáo dục và đào tạo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương, kể cả TP Đà Nẵng, có phương án bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Các cấp ủy, chính quyền, nhất là khu vực miền trung, đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ đạo tập trung hơn, chủ động ngăn ngừa lây nhiễm trên tinh thần đề cao cảnh giác nhưng không hoang mang dao động. Ngành y tế xem xét, rà soát, xét nghiệm tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thời gian gần đây. Ngành y tế, ngoại giao cũng như quân đội, công an và các trung tâm cách ly tập trung tiếp tục thực hiện kế hoạch đưa người Việt Nam có nhu cầu bức thiết về nước theo chủ trương kế hoạch mà Thường trực Chính phủ đã kết luận một cách chủ động hơn.
* Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là bốn ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. Chủng vi-rút ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua bốn chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa. Dịch có khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Hiện Bộ Y tế đã cử bốn đội cán bộ tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để hỗ trợ phòng, chống dịch…
* Sáng 27-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau khi liên tục ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, kết quả phân tích nguồn gien của vi-rút SARS-CoV-2 từ những người bệnh mới phát hiện ở Đà Nẵng cho thấy đây là chủng vi-rút mới xuất hiện ở Việt Nam (tại Việt Nam đã phát hiện năm chủng vi-rút SARS-CoV-2). Chủng mới này có đặc tính lây lan nhanh hơn, nhưng chưa có căn cứ xác định độc lực của vi-rút này có tăng lên so với các chủng trước hay không.
Về công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường những chuyên gia giỏi nhất để triển khai các biện pháp dập dịch; tìm nguồn lây; điều trị cho những người mắc Covid-19. Về việc phong tỏa cụm ba bệnh viện tại Đà Nẵng, Bộ Y tế cho biết sẽ áp dụng giống như đối với Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp để triển khai các biện pháp xét nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả tầm soát; tổ chức phân tuyến cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân; tổ chức công tác hậu cần phục vụ khu vực phong tỏa…
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ Y tế cử các đội chuyên gia giỏi nhất vào hỗ trợ Đà Nẵng khoanh vùng, dập dịch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để dập dịch nhanh, giữ ổn định xã hội. Không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác rà soát những người có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh… Bộ Y tế khẩn trương triển khai xét nghiệm bằng các loại kit thử mà Việt Nam sản xuất; bảo đảm đầy đủ kit thử, trang thiết bị y tế và những điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh.
* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp tham vấn với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng thời gian qua và việc chuẩn bị đón hàng trăm người Việt Nam đang nhiễm Covid-19 về nước.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện WHO và các tổ chức quốc tế đánh giá việc xuất hiện lại các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam là điều bình thường. Hệ thống giám sát y tế của Việt Nam hoạt động hiệu quả, đã phát hiện sớm, kịp thời các ca mắc mới. Sau khi phát hiện ca bệnh, hệ thống phòng, chống dịch bệnh cũng phản ứng rất nhanh chóng, tổ chức cách ly, giám sát, điều tra dịch tễ. Việt Nam cũng cung cấp thông tin công khai, minh bạch, kịp thời giúp người dân củng cố niềm tin đối với công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn và mong muốn WHO và các tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19.