Tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Tại phiên bế mạc Kỳ họp diễn ra chiều 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết.

Chấm dứt việc miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định.

Quốc hội yêu cầu chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Theo Quyết định này, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Đồng thời, khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.

Trong quá trình thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như đề xuất của Chính phủ.

Một số ý kiến khác cho rằng, cần đánh giá kỹ để chính sách ban hành hỗ trợ được cho các doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực sự khó khăn, cần thiết phải giảm thuế; cần tập trung để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời, cần bảo đảm tính công bằng trong áp dụng chính sách.

Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ có giải pháp để bảo đảm cân đối nguồn thu cho các địa phương do dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội thông qua chưa tính đến khoản giảm thu do thực hiện chính sách…

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong báo cáo giải trình cho hay, phạm vi, đối tượng áp dụng chính sách giảm thuế GTGT theo các Nghị quyết của Quốc hội được quy định căn cứ theo lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không căn cứ vào quy mô của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Chính phủ, cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác, việc áp dụng chính sách giảm thuế GTGT với phạm vi, đối tượng áp dụng như đã quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.

Do đó, để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT với phạm vi, đối tượng áp dụng như đã quy định tại các Nghị quyết trước đây của Quốc hội.

Để khắc phục và bù đắp tác động giảm thu ngân sách nhà nước do thực hiện chính sách, UBTVQH đề nghị Chính phủ tập trung ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chủ động các phương án trong điều hành, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc giảm thuế GTGT làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng cũng có tác động kích thích, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Về thời gian áp dụng chính sách, có ý kiến đề nghị cân nhắc áp dụng đến hết năm 2025. Theo UBTVQH, Luật Thuế GTGT đã được Quốc hội thông qua quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Do đó, để hướng tới sự ổn định trong việc thực hiện các quy định của chính sách thuế GTGT đồng thời, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành được quy định trong Luật Thuế GTGT, UBTVQH xin cho giữ thời hạn áp dụng chính sách như đề xuất của Chính phủ.

Bổ sung 55 nghìn tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp với tỷ lệ tán thành cao

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp với tỷ lệ tán thành cao

Cũng tại Nghị quyết này, liên quan đến lĩnh vực ngân sách, Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, bổ sung 55.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương vào dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024, đồng thời bổ sung tương ứng vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó, bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như Tờ trình số 54/TTr-CP của Chính phủ.

Số còn lại trong phạm vi nguồn 55.000 tỷ đồng sau khi đã bổ sung cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 2.980 tỷ đồng trong cân đối ngân sách nhà nước năm đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 105/2023/QH15, giao Chính phủ quyết định bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương như Tờ trình số 54/TTr-CP của Chính phủ. Chính phủ khẩn trương thực hiện phân bổ nhiệm vụ chi này cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm tính kịp thời./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tiep-tuc-giam-2-thue-gia-tri-gia-tang-trong-6-thang-dau-nam-2025-165267.html