Tiết lộ nguyên nhân tàu Hải quân New Zealand đắm gần bờ biển Samoa

Chuỗi sai lầm của thủy thủ đoàn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc tàu hải quân HMNZS Manawanui va vào rạn san hô ngoài khơi bờ biển Samoa, bốc cháy và chìm.

Các thợ lặn đang khảo sát khu vực xung quanh HMNZS Manawanui trên bờ biển phía nam của Upulo, Samoa, sau khi tàu Manawanui mắc cạn và chìm vào ngày 6/10. Ảnh: AP

Các thợ lặn đang khảo sát khu vực xung quanh HMNZS Manawanui trên bờ biển phía nam của Upulo, Samoa, sau khi tàu Manawanui mắc cạn và chìm vào ngày 6/10. Ảnh: AP

Một cuộc điều tra sơ bộ do Tòa án quân sự New Zealand công bố hôm 29/11 đã kết luận rằng, chuỗi sai lầm của thủy thủ đoàn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc tàu hải quân HMNZS Manawanui va vào rạn san hô ngoài khơi bờ biển Samoa, bốc cháy và chìm.

Theo báo cáo, thủy thủ đoàn không nhận ra chế độ lái tự động đang được kích hoạt, nhầm lẫn rằng con tàu gặp sự cố hệ thống điều khiển và không kiểm tra xem tàu đã được chuyển sang chế độ điều khiển tay hay chưa. Kết quả, tàu vẫn duy trì hướng đi về phía đất liền và mắc cạn cách bờ biển Upolu, Samoa khoảng 1,6 km vào tháng 10 vừa qua.

Chuỗi sai lầm dẫn đến thảm kịch

Tất cả 75 người trên tàu đã được sơ tán an toàn trước khi tàu chìm. Đây là lần đầu tiên New Zealand mất một tàu hải quân trên biển kể từ Thế chiến thứ 2. Đô đốc Hải quân Garin Golding, người đứng đầu Hải quân New Zealand, thừa nhận:

“Nguyên nhân trực tiếp là loạt sai lầm của con người, dẫn đến việc chế độ lái tự động không được ngắt khi cần thiết. Người điều khiển đã không kiểm tra màn hình để xác nhận chế độ vận hành”.

Ngoài ra, thủy thủ đoàn đã nhầm tưởng rằng việc tàu không phản hồi với lệnh thay đổi hướng đi là do lỗi hệ thống điều khiển động cơ. Báo cáo cũng chỉ ra các yếu tố khác góp phần gây ra tai nạn, bao gồm công tác huấn luyện, lập kế hoạch, giám sát và đánh giá rủi ro.

Hậu quả và xử lý trách nhiệm

Ba thành viên thủy thủ đoàn, bao gồm sĩ quan điều khiển, sĩ quan giám sát, và chỉ huy tàu, có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp kỷ luật sau khi cuộc điều tra kết thúc vào đầu năm 2025. Ông Golding cam kết: “Tôi xin đảm bảo rằng Hải quân New Zealand sẽ học hỏi từ sai lầm này. Là người đứng đầu lực lượng, trách nhiệm lấy lại niềm tin từ công chúng thuộc về tôi”.

Ảnh hưởng môi trường và xử lý sự cố

Sau vụ chìm tàu, người dân địa phương lo ngại về nguy cơ tràn dầu từ tàu gây hại cho môi trường biển. Tuy nhiên, New Zealand cho biết phần lớn nhiên liệu đã bị cháy trong đám cháy trên tàu. Một lượng nhỏ dầu vẫn rò rỉ chậm, nhưng tình hình đang được giám sát chặt chẽ.

Các thiết bị chuyên dụng để xử lý dầu và chất gây ô nhiễm từ tàu đang được vận chuyển từ New Zealand đến Samoa trong tuần này. Tuy nhiên, kế hoạch trục vớt tàu khỏi rạn san hô hiện vẫn chưa được công bố.

Tàu HMNZS Manawanui là một trong chín tàu thuộc Hải quân New Zealand, được đưa vào hoạt động từ năm 2019 và đang làm nhiệm vụ khảo sát rạn san hô khi gặp nạn. Tai nạn này không chỉ gây tổn thất lớn về vật chất mà còn làm tổn hại uy tín của lực lượng Hải quân nước này. Đô đốc Golding kết luận: “Sự cố này ảnh hưởng đến danh tiếng của chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm, khắc phục và học hỏi từ nó.”

Trước đó, tàu hải quân của Hoàng gia New Zealand HMNZS Manawanui đã mắc cạn và chìm ngoài khơi Samoa vào tối 5/10 (giờ địa phương). Rất may mắn cả 75 thủy thủ và hành khách trên tàu đều an toàn.

Phúc Hưng/Báo Tin tức (Theo AP, Bowenislandundercurrent)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tiet-lo-nguyen-nhan-tau-hai-quan-new-zealand-dam-gan-bo-bien-samoa-20241129151342070.htm