Tiêu chuẩn cán bộ thời 4.0

Tại hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chủ chốt toàn tỉnh do Ban TVTU tổ chức mới đây, TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng TT-TT đã trao đổi chuyên đề Chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới và những gợi ý đối với Đồng Nai.

TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng TT-TT trao đổi với cán bộ chủ chốt tỉnh Đồng Nai ngày 26-5-2022. Ảnh: Huy Anh

TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng TT-TT trao đổi với cán bộ chủ chốt tỉnh Đồng Nai ngày 26-5-2022. Ảnh: Huy Anh

Trong chuyên đề này, TS Lê Doãn Hợp đã đề cập đến nội dung “tiêu chuẩn cán bộ thời công nghệ 4.0”. Nội dung này đã nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo cán bộ chủ chốt toàn tỉnh.

* Cán bộ phải có đức

TS Lê Doãn Hợp cho rằng, từ xưa đến nay và về sau vẫn thế, tiêu chuẩn cán bộ được cô đọng bằng 2 chữ: đức và tài. Cha ông thường nói, người có đức mà không có tài vẫn là quân tử; người có tài mà không có đức là tiểu nhân. Ở đời phải tập hợp được quân tử và phải tránh tiểu nhân. Đức vua Lê Thánh Tông nêu ra 5 tiêu chuẩn để chọn lý trưởng cũng bao hàm đầy đủ 2 tiêu chí đức và tài, đó là: “Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Vật lực khả kham. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín”. Đại thi hào Nguyễn Du cũng dạy: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khái quát: “Có đức mà không có tài thì dễ trì trệ. Có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. Thực tiễn ở đời hỗn loạn còn khổ hơn trì trệ”. Bác Hồ kính yêu của chúng ta thì nói dứt khoát: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cán bộ không chỉ có đức, tài mà còn phải có bản lĩnh.

Trước tiên nói về đức của người cán bộ, phải hội đủ 3 phẩm chất: gương mẫu, dân chủ và tố chất văn hóa. Khi cán bộ gương mẫu thì được mọi người tin yêu, để người tốt có chỗ dựa, người xấu không dám lộng hành; gương mẫu là nói đi đôi với làm, làm để chứng minh lời nói, hành động trước, hưởng thụ sau, hưởng thụ bằng thành quả lao động chân chính của mình; cán bộ không gương mẫu thì không có đạo đức.

Cán bộ có đạo đức thì rất chú trọng đến dân chủ, dân chủ là cách tốt nhất để tập hợp trí tuệ, là cái duy nhất để giải phóng và thông thoáng tư tưởng. Dân chủ là con đường tốt nhất để không phạm sai lầm và dân chủ là mục tiêu để đoàn kết nội bộ.

Cán bộ có đạo đức là phải có nếp sống văn hóa. Văn hóa cần nhất của một người lãnh đạo là luôn chăm lo cho cấp dưới và không làm phiền cấp dưới. Cán bộ có văn hóa khi xuất hiện ở đâu cũng làm cho người xung quanh thấy dễ chịu, thích nói chuyện và chia tay thì mong ngày gặp lại…

Ai có những phẩm chất nói trên thì phấn đấu làm quan để lo cho nhiều người, nhiều nhà; còn nếu làm quan chỉ lo cho một nhà thì tốt nhất làm dân, vì nếu làm quan chỉ lo cho một nhà, sớm muộn gì cũng sai phạm.

* Cán bộ phải biết nhìn xa trông rộng

Về chữ tài của người cán bộ, TS Lê Doãn Hợp nêu quan điểm: trong thời đại 4.0, cán bộ phải có tầm nhìn xa trông rộng. Muốn thế, cán bộ phải có trình độ ngoại ngữ, không có ngoại ngữ không nói chuyện được với quốc tế, không tự tin để làm những việc mình cần làm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, biết thêm một ngoại ngữ là biết thêm một dân tộc, nay trong thời đại này, biết tiếng Anh là biết thêm hàng chục dân tộc trên thế giới, vì rất nhiều nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính.

Không chỉ có trình độ ngoại ngữ, thời đại này cán bộ phải am hiểu công nghệ thông tin để biết ứng dụng kết nối và lan tỏa, nắm bắt nhanh tình hình thực tiễn, định vị được mình là ai, mình đang ở đâu và phải làm gì để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Cán bộ có tài phải luôn biết cách tiếp cận và giao việc cho người tài; đào tạo, quản lý và sử dụng người tài. Cán bộ không tập hợp được người tài, đồng nghĩa là bất tài. Đã là cán bộ có tài thì phải có sản phẩm cụ thể, có công trình chất lượng phục vụ cuộc sống hạnh phúc của nhân dân trước mắt và đời sau.

Vừa có đức, có tài, cán bộ thời nay phải có bản lĩnh. Đất nước rất cần người tài có bản lĩnh vì hiện thời, có việc, có nơi, có lúc số người tích cực chưa đủ áp đảo được người tiêu cực. Vì thế, rất cần lãnh đạo có bản lĩnh để thiết lập kỷ cương nhanh nhất, có lợi cho người tích cực, ngăn chặn người tiêu cực; giúp người tốt có chỗ dựa và người xấu không dám lộng hành…

Bản lĩnh của người lãnh đạo cũng thể hiện ở ba tiêu chí: dám nghĩ, dám làm, dám nói. Dám nghĩ ra những cách làm mới để đột phá, tăng tốc, phát triển nhanh phù hợp thời đại công nghiệp 4.0. Nghĩ ra rồi phải dám làm, dám đưa ý tưởng mới vào cuộc sống và lấy thành quả trong tương lai để chứng minh tài đức của mình qua thực tiễn.

Người lãnh đạo có bản lĩnh cũng là người dám nói để bảo vệ, ủng hộ người tốt, việc tốt; ngăn chặn người xấu, việc xấu; dám nói để đấu tranh xây dựng nội bộ tốt hơn. Từ thực tế nhiều vụ việc như Vinashin, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Vũ “nhôm”, Út “trọc”, AVG… nếu các cơ quan chuyên môn của Đảng và Nhà nước kịp thời kiểm tra, thanh tra, giám sát để ngăn ngừa vi phạm và xử lý nghiêm khắc từ lúc manh nha thì đất nước ta không “mất” nhiều cán bộ đến thế và không tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Do vậy, biết cái xấu mà không ai lên tiếng đấu tranh, tiếp tay cho cái xấu là có tội với Đảng, với nhân dân.

Khái quát lại tiêu chuẩn cán bộ thời 4.0, TS Lê Doãn Hợp nói: “Cán bộ trong thời đại này phải hội đủ cả ba tiêu chí: có đức, có tài và có bản lĩnh. Để tập hợp tốt nhân tài, vai trò quan trọng nhất là người đứng đầu. Chỉ có những người đứng đầu có tài mới phát hiện, đào tạo, tập hợp và sử dụng tốt nhân tài. Chỉ những người có tâm mới phát hiện và sử dụng tốt những người có đức. Đó là bài học sáng giá từ thực tiễn mà chúng ta phải quan tâm”.

TS Lê Doãn Hợp mong muốn: “Những ý kiến nhỏ của tôi xoay quanh tiêu chuẩn cán bộ thời đại ngày nay, xin trao đổi cùng các đồng chí để chúng ta suy ngẫm tích cực sáng tạo, năng động hơn nữa, đưa Đồng Nai phát triển xứng đáng là cực tăng trưởng của đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tỉnh, theo kịp với thời đại mới”.

Theo TS LÊ DOÃN HỢP, trong mỗi thời đại khác nhau, nội hàm của các tiêu chí đức và tài cũng có thể khác nhau. Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì đức và tài đều cần như nhau. Người vừa có đức, có tài là vĩ nhân. Ở đời sợ nhất người dốt mà không biết mình dốt…

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202205/tieu-chuan-can-bo-thoi-40-3118459/