TikTok, Facebook… đối mặt với các hạn chế nghiêm ngặt ở châu Á

HNN - Các chính phủ trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại trực tuyến, đặt ra thách thức chưa từng có đối với những công ty như ByteDance, Meta Platforms và Snap (các công ty mẹ của TikTok, Facebook, Snapchat…) tại các thị trường có số lượng người dùng lớn nhất và trẻ nhất của mình.

 Australia ban hành luật cấm bất kỳ ai dưới 16 tuổi sử dụng các nền tảng bao gồm TikTok, Instagram, Snapchat và Facebook. Ảnh minh họa: Index

Australia ban hành luật cấm bất kỳ ai dưới 16 tuổi sử dụng các nền tảng bao gồm TikTok, Instagram, Snapchat và Facebook. Ảnh minh họa: Index

Cuối năm ngoái, Australia đã thông qua luật yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội không được cung cấp dịch vụ cho trẻ em dưới 16 tuổi. Tuần trước, đảng cầm quyền của New Zealand cũng đưa ra một dự luật tương tự.

Indonesia đang xây dựng các hạn chế đối với những người dưới 18 tuổi truy cập vào phương tiện truyền thông xã hội. Với Malaysia, các công ty truyền thông xã hội được yêu cầu phải xin giấy phép hoạt động tại quốc gia này, và các nhà hoạch định chính sách của Singapore đã phát đi tín hiệu sẵn sàng áp dụng luật về độ tuổi tối thiểu.

Trong khi đó, Việt Nam yêu cầu các nền tảng xã hội nước ngoài xác minh tài khoản của người dùng và cung cấp danh tính theo yêu cầu cho chính quyền, và Pakistan muốn các công ty này đăng ký với một cơ quan mới.

“Tôi đã gặp những bậc cha mẹ đã mất con. Thật đau lòng… Là một chính phủ, chúng tôi lắng nghe những thông điệp đó từ các bậc phụ huynh và có trách nhiệm phải hành động”, Thủ tướng Australia Anthony Albanese chia sẻ.

Đông Nam Á là nơi sinh sống của hơn 650 triệu người, trong khi dân số Nam Á vào khoảng 2 tỷ người. Người dùng Internet trẻ tuổi trên khắp khu vực dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự mở rộng của các công ty kỹ thuật số trong những năm tới.

Trong nỗ lực tận dụng sự tăng trưởng trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, Amazon.com, Google của Alphabet, Microsoft và các gã khổng lồ công nghệ khác đang đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực này khi người dùng trẻ ngày càng giao tiếp với bạn bè, mua sắm, phát video… trên các nền tảng trực tuyến.

Đối với Meta, các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á chiếm thị phần đáng kể trên toàn cầu về tài khoản người dùng Instagram và Facebook, và những người tiêu dùng này có xu hướng trẻ hơn, dữ liệu từ công ty tư vấn kỹ thuật số Kepios cho biết.

Cũng theo Kepios, thị trường lớn nhất của TikTok tính theo người dùng là Mỹ, nhưng 5 trong số 10 thị trường lớn nhất toàn cầu của ứng dụng này nằm ở Đông Nam Á hoặc Nam Á. Dữ liệu cũng cho thấy Snapchat có số lượng người dùng ở Nam Á nhiều gấp đôi so với ở Mỹ.

Trong bối cảnh đó, một phát ngôn viên của Meta cho biết, công ty cam kết đảm bảo an toàn cho người dùng trẻ tuổi và các công cụ an toàn mà công ty triển khai cho những đối tượng này đã phổ biến trên toàn thế giới. Tương tự, TikTok trước đây cũng đã nêu bật các biện pháp tự nguyện mà họ đã thực hiện để hỗ trợ an toàn cho thanh, thiếu niên.

Theo công ty tư vấn quản trị Flint Global, trước đây, các nhà hoạch định chính sách châu Á - Thái Bình Dương không hành động nhanh chóng như các chính phủ ở những nơi khác trong việc quản lý các công ty công nghệ… nhưng điều đó đang thay đổi. “Khu vực này đang ngày càng trở nên quan trọng trong các cuộc thảo luận về cách quản lý không gian kỹ thuật số”, đại diện công ty này cho biết thêm.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/tiktok-facebook-doi-mat-voi-cac-han-che-nghiem-ngat-o-chau-a-153563.html