TikToker Mr Pips bị khởi tố, xử lý khối tài sản khổng lồ khoảng 5.000 tỷ ra sao?
TikToker Mr Pips Phó Đức Nam bị khởi tố với cáo buộc cùng đồng phạm lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dư luận băn khoăn khối tài sản khổng lồ khoảng 5.000 tỷ của người này sẽ được xử lý ra sao?
Cần làm rõ nguồn gốc khối tài sản khủng
Cơ quan chức năng TP Hà Nội vừa khởi tố Phó Đức Nam (SN 1994, trú Bà Rịa - Vũng Tàu, được biết đến là TikToker Mr Pips) cùng hàng chục bị can khác liên quan đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tình tiết đáng chú ý là khi khám xét chỗ ở và nơi làm việc của các đối tượng, nhà chức trách đã thu giữ, phong tỏa khối tài sản ước tính có tổng trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, gồm: 127 tỷ tiền mặt; nhiều sổ tiết kiệm trị giá tổng cộng khoảng 306 tỷ; 216kg vàng; 128 bất động sản; phong tỏa 9 tỷ đồng trái phiếu...
Vậy, theo các quy định của pháp luật, khối tài sản nêu trên sẽ được giải quyết ra sao? Đối với những người được xác định là bị hại vụ án, họ cần làm gì để được đảm bảo quyền lợi?
Trao đổi với Báo Giao thông, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông ban đầu như trên thì đây là một trong những vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng phong tỏa, thu giữ được khối tài sản khổng lồ, trị giá lên đến hơn 5.000 tỷ đồng.
Dưới góc độ pháp lý thì lừa đảo là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc các đối tượng bị cáo buộc đưa ra những thông tin sai sự thật để nạn nhân tin tưởng nộp tiền, các đối tượng này nhận tiền rồi chiếm đoạt là biểu hiện điển hình của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phó Đức Nam sinh năm 1994, trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị khởi tố trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không tố giác tội phạm và rửa tiền. Trên nền tảng TikTok, Nam sử dụng tài khoản mang tên Mr Pips để đăng các video về đầu tư tài chính. Một số clip cán mốc 1 triệu lượt xem.
Mr Pips thường xuất hiện trên không gian mạng với vẻ bề ngoài thể hiện sự giàu có, kèm với đó là hình ảnh nhiều chiếc xe hạng siêu sang, vàng và tiền. Có lần, anh ta đăng bức hình ngồi trên chiếc Rolls-Royce Ghost trong tình trạng xe ngập nước, được cho là ở Dubai.
"Trước mắt, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguồn gốc tài sản, đường đi của dòng tiền để tiếp tục truy thu, phong tỏa, cưỡng chế đối với các tài sản để tránh việc tẩu tán tài sản và xử lý các đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền theo quy định của pháp luật", luật sư phân tích.
Các thông tin điều tra cho thấy, các đối tượng đã núp dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực tiếp thị, quảng bá, bán hàng qua điện thoại, tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán để dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia.
Họ sử dụng nhiều tài khoản công ty ma, ví điện tử để nhận tiền của khách hàng, dụ dỗ họ tham gia nhóm chat riêng. Từ đó, các đối tượng hướng dẫn bị hại nạp tiền, mời nạn nhân tham gia đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, theo luật sư Cường, những nhà đầu tư đã nạp tiền cho nhóm lừa đảo có thể được xác định là các bị hại của vụ án. Khi đó, điều đầu tiên họ nên làm là trình báo cơ quan công an để có căn cứ xác định là người bị hại trong vụ án hình sự, để cung cấp hồ sơ, tài liệu... liên quan đến việc đầu tư.
Người bị hại làm sao để lấy lại tiền?
Thông qua những tài liệu, hồ sơ mà người bị hại cung cấp, cơ quan điều tra sẽ làm rõ được phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng. Đồng thời xác định được hậu quả số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt của nạn nhân.
"Tuy nhiên, với các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, như vụ án liên quan TikToker Mr Pips mà cơ quan điều tra đang làm rõ và phong tỏa tài sản, thì việc giải quyết khối tài sản này sẽ phải theo trình tự", luật sư nhìn nhận.
Cụ thể, với số tài sản gồm tiền mặt, vàng, bất động sản... có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ như thông tin ban đầu đã nêu sẽ được coi là cơ sở cơ bản để đảm bảo phần nào căn cứ bồi thường cho quyền lợi của các bị hại.
Cũng theo chuyên gia, trong các vụ án hình sự tất cả tài sản là công cụ phương tiện phạm tội, tài sản do phạm tội mà có, tài sản chiếm đoạt được của người bị hại đều bị tịch thu để trả lại cho người bị hại, hoặc sung công quỹ nhà nước theo nguyên tắc xử lý vật chứng, quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.
"Ngoài ra, người phạm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", luật sư viện dẫn.
Theo thông tin ban đầu, tháng 6/2019, Phó Đức Nam cùng Lê Khắc Ngọ (SN 1990, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán.
Cụ thể, các đối tượng núp dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực Tele Maketing (tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua điện thoại), Tele Sale (tư vấn, bán hàng qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán (đầu tư vào các mã của các thương hiệu, tập đoàn đa quốc gia trên sàn quốc tế như: Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas), để dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia.
Các đối tượng lập trang web artexvina... tuyển nhân viên, tạo dựng hình ảnh công ty hoạt động chuyên nghiệp về lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán quốc tế. Từ đó, Nam và Ngọ sử dụng đội ngũ nhân viên để tiếp cận, tư vấn, chào mời khách hàng tham gia đầu tư.
Đồng thời, các bị can lập một số chi nhánh ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và cả Campuchia và sử dụng nhiều tài khoản công ty ma, ví điện tử để nhận tiền của khách hàng, dụ dỗ họ tham gia nhóm chat riêng.
Tiếp đó, các đối tượng hướng dẫn bị hại nạp tiền, rút tiền thành thạo để tạo niềm tin, sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, kích thích nạp thêm tiền, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng cháy tài khoản (thua hết tiền).
Khi bị hại thua hết tiền, các đối tượng tiếp tục mời họ tham gia sàn mới với lời hứa hẹn sẽ thắng lại số tiền đã mất, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại.