Tìm giải pháp phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn và do người dưới 18 tuổi gây ra

Ngày 29/11, Ban chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo 'Tội phạm và vi phạm pháp luật phát sinh từ mâu thuẫn trong nhân dân và người dưới 18 tuổi gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương - Thực trạng và giải pháp'.

Dự và chủ trì hội thảo có TS Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; TS Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương; Thiếu tướng, PGS, TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân và Đại tá, Ths Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh.

Hội thảo có sự tham dự của trên 700 đại biểu là lãnh đạo, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các Cục, đơn vị chức năng của Bộ Công an; các sở, ban, ngành, Chủ tịch các huyện, thị xã, TP; lãnh đạo Công an các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức các cấp tại 13 điểm cầu trong toàn tỉnh Hải Dương; Công an các đơn vị thuộc Cụm thi đua số 5 gồm Công an tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình.

Các đại biểu dự hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: UBND, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hải Dương xác định công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật phát sinh từ mâu thuẫn trong nhân dân và người dưới 18 tuổi gây ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội..., là tiền đề để phát triển kinh tế xã hội. Kết quả các chỉ số an ninh, an toàn của tỉnh Hải Dương luôn được bảo đảm, nổi bật là tỉnh không còn điểm mâu thuẫn, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, tình hình tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn đã được kéo giảm qua từng năm; riêng năm 2024 đã kéo giảm được trên 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như tội phạm và vi phạm pháp luật phát sinh do mâu thuẫn trong nhân dân còn chiếm tỷ lệ khá cao; tội phạm và vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi gây ra cũng đang có xu hướng diễn biến phức tạp hơn, nhất là từ sau đại dịch COVID – 19; việc tương tác trên không gian mạng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn song lại thiếu các biện pháp giám sát…

Thiếu tướng Trịnh Ngọc Quyên và Đại tá Bùi Quang Bình chủ trì phần tham luận.

Thiếu tướng Trịnh Ngọc Quyên và Đại tá Bùi Quang Bình chủ trì phần tham luận.

Từ thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đề nghị các lãnh đạo, nhà khoa học, đội ngũ cán bộ và các chuyên gia, các đơn vị, địa phương tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến, đi sâu phân tích làm rõ những vấn đề lý luận về công tác nắm tình hình nhằm phòng ngừa, hạn chế, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và công tác phòng, chống người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cấp, các ngành và của từng cán bộ, đảng viên, gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác này.

Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương phát biểu kết luận hội thảo.

Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương phát biểu kết luận hội thảo.

Đồng thời, từ thực tiễn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và công tác phòng, chống người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức thực hiện để vận dụng, đề xuất các giải pháp phòng ngừa trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Giám đốc Học viện An ninh nhân dân Trịnh Ngọc Quyên phát biểu tại hội thảo.

Giám đốc Học viện An ninh nhân dân Trịnh Ngọc Quyên phát biểu tại hội thảo.

Tham luận của Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Bộ Công an đã chỉ ra thực trạng; những kết quả đạt được cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH.

Tham luận của Ths Nguyễn Minh Tân, Phó Chánh tòa án dân sự Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương lại đưa đến một góc độ đa chiều trong công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án... Từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án…

Một số ý kiến tham luận, phát biểu tại hội thảo.

Một số ý kiến tham luận, phát biểu tại hội thảo.

Đề cập đến các giải pháp phòng ngừa tội phạm, Thiếu tướng, GS, TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân nhấn mạnh đến vai trò của nhà trường trong công tác giáo dục thanh thiếu niên; việc tham mưu kịp thời, xử lý vấn đề phức tạp tại cơ sở; sự vào cuộc của hệ thống chính trị…. Trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức các mô hình hòa giải nhằm phát hiện sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để xử lý kịp thời ngăn chặn các vấn đề phức tạp về tình hình ANTT tại cơ sở…

Phát biểu kết luận và bế mạc hội thảo, Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Các tham luận đều thống nhất nhận thức, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật phát sinh từ mâu thuẫn trong nhân dân và do người dưới 18 tuổi gây ra nói riêng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Trong đó, lực lượng Công an làm nòng cốt, các ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm phối hợp; mỗi gia đình, mỗi người dân cũng phải có trách nhiệm tham gia. Ban Chỉ đạo 138 các cấp giữ vị trí trung tâm, có vai trò rất quan trọng trong chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các ngành, thành viên đối với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phát động phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc,.

Hội thảo cũng đưa ra 6 giải pháp để phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật phát sinh từ mâu thuẫn trong nhân dân và do người dưới 18 tuổi gây ra. Một trong những giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, chiến lược, đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần hạn chế, tiến tới xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện phát sinh mâu thuẫn, phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần kéo giảm bền vững tội phạm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân; xây dựng môi trường ứng xử văn hóa từ trong mỗi gia đình đến cộng đồng dân cư. Trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các xung đột, mâu thuẫn bột phát, kỹ năng hòa giải; chú trọng giáo dục văn hóa, nhân cách, tạo sân chơi lành mạnh, hoàn thiện nhận thức cho người dưới 18 tuổi “biết đúng, biết sai” tránh xa được “nguy cơ” vi phạm pháp luật. Đồng thời ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu, độc, tiêu cực được lan truyền trong xã hội, nhất là trên không gian mạng…

Về phía lực lượng Công an, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đề nghị 3 hệ lực lượng Cảnh sát hình sự; Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy và Cảnh sát quản lý hành chính phải phối hợp chặt chẽ trong công tác nắm, trao đổi thông tin, phối hợp xử lý, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân và quản lý người dưới 18 tuổi có nguy cơ, biểu hiện vi phạm pháp luật, đảm bảo xuyên suốt đến cơ sở.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/tim-giai-phap-phong-ngua-toi-pham-phat-sinh-tu-mau-thuan-va-do-nguoi-duoi-18-tuoi-gay-ra-i751817/