Tìm hướng đi cho 'vàng xanh' Thanh Hóa

Được ví như 'vàng xanh' của Thanh Hóa, cây tre, luồng vẫn còn rất nhiều tiềm năng mà địa phương chưa khai thác, sử dụng đúng mức.

Thanh Hóa có hơn 150.000 ha tre, luồng, tập trung tại các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Đây được xem là nguồn “vàng xanh” còn ngủ trong rừng và chưa được khai thác, sử dụng đúng mức ở tỉnh Thanh Hóa. Gần đây, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu tre luồng và tìm hướng xuất khẩu ra nước ngoài.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung thành lập từ năm 2014. Khi mới thành lập, công ty sản xuất, chế biến đũa tre, tuy nhiên, do đây là sản phẩm sơ chế công nghệ thấp, giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao nên sau một thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm, công ty đã mạnh dạn đầu tư hơn 15 tỷ đồng vào hệ thống máy móc chế biến nội thất, đồ gia dụng từ tre, luồng. Dây chuyền này có đầy đủ hệ thống máy như, cắt luồng, chẻ luồng, máy lăn keo, máy ép, hệ thống sấy, hấp, xử lý chống mối mọt… Thành phẩm cuối của dây chuyền sản xuất là thớt tre, bàn ghế, mặt bàn, khay, hộp, sàn tre... có giá trị khá cao.

Thanh Hóa có hơn 150.000 ha tre, luồng

Thanh Hóa có hơn 150.000 ha tre, luồng

Theo Bà Hoàng Thị Luật, Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina thì hiện các sản phẩm từ tre luồng của công ty đã xuất bán được sang cả các nước Trung Đông và châu Âu.

"Tất cả sản phẩm mang tính chất tre của nhà máy chúng tôi sản xuất thì được khách hàng trong và ngoài nước ưu chuộng. Tính đặc thù là mẫu mã đẹp, dễ sản xuất và tính thân thiện môi trường cao" - bà Luật chia sẻ.

Vốn quê ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, hơn 10 năm trước, anh Đinh Văn Thắng đã đến Thanh Hóa- nơi mệnh danh là thủ phủ của tre luồng cả nước để lập nghiệp. Hiện nay công ty TNHH Trang Lan do anh Thắng làm chủ đã xuất bán ra thị trường hàng ngàn sản phẩm nghệ thuật từ bàn ghế, tủ, giường đến các đồ gia dụng như bát, đũa, muỗng… có nguồn gốc từ tre, luồng.

Sản phẩm từ tre luồng đang ngày càng chiếm thị phần trong đời sống hàng ngày

Sản phẩm từ tre luồng đang ngày càng chiếm thị phần trong đời sống hàng ngày

Trung bình mỗi năm doanh nghiệp xuất bán ra thị trường khoảng 400 đến 500 nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ và được xuất đi cả châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Anh Đinh Văn Thắng cho rằng, các sản phẩm từ tre luồng rất thiên nhiên với môi trường.

Anh Thắng cho biết: "Tôi muốn hướng đến người dân Việt Nam, thời gian tới sẽ sử dụng đồi tre này hoàn toàn vì tre rất thân thiện môi trường. Tương lai sẽ mở làng nghề để bà con nông dân có thể sản xuất những sản phẩm này, để có thương hiệu riêng của Thanh Hóa, mang giá trị của cây tre cao lớn hơn".

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre, luồng lớn nhất cả nước với trên 128.000 ha. Trung bình hàng năm khai thác trên 60 triệu cây luồng và 80.000 tấn nguyên liệu giấy ngoài gỗ, phục vụ xuất khẩu và chế biến... Trên địa bàn tỉnh có 57 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến có liên quan đến nguồn nguyên liệu là tre, nứa, luồng.

Những năm gần đây, sản phẩm công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển không chỉ tiêu thụ nội địa, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn có vị thế tại các thị trường châu Âu và một số nước như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…

Là vựa tre, luồng lớn của cả nước, nhưng các doanh nghiệp chế biến về tre, luồng của Thanh Hóa hiện vẫn còn rất ít, nhỏ lẻ, lạc hậu

Là vựa tre, luồng lớn của cả nước, nhưng các doanh nghiệp chế biến về tre, luồng của Thanh Hóa hiện vẫn còn rất ít, nhỏ lẻ, lạc hậu

Ông Đinh Quốc Dũng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần BamBo King Vina huyện Lang Chánh cho biết, qua các sản phẩm mẫu, có nhiều đối tác trong và ngoài nước ký hợp đồng thiện chiến.

Theo ông Dũng: "Chúng tôi đang phát triển các mẫu để chào khách hàng tốt, thứ nhất là độ bền của tre luồng, chống mối mọt, độ cứng được tăng lên. Đối với khách hàng thì đặt cọc và xuất khẩu sang Mỹ và EU, còn châu Á thì Hàn Quốc, Nhật Bản".

Có thể nói, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung, các sản phẩm từ tre luồng nói riêng đã và đang được thị trường nước ngoài ưu chuộng. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển bền vững vùng nguyên liệu tre, luồng. Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh ta sẽ phát triển 10 nhà máy sản xuất tre, luồng với khoảng 200 doanh nghiệp vệ tinh cung cấp nguyên liệu, doanh thu đạt 9.000-10.000 tỷ đồng/năm.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tim-huong-di-cho-vang-xanh-thanh-hoa-post1064929.vov