Tìm kiếm công nghệ phù hợp chống hàng giả, hàng nhái
Hiệp hội VATAP thường xuyên bám sát doanh nghiệp hội viên, nắm bắt thông tin để đưa ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả, bị xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Ngày 29/11, tại Hà Nội, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tổ chức kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái kết hợp 20 năm thành lập (2004-2024).
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 41/2015/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, những năm qua, Hiệp hội VATAP đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, hiệp hội, ngành hàng tích cực tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua đó đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường.
Hiệp hội thường xuyên bám sát doanh nghiệp hội viên, nắm bắt thông tin để đưa ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả, bị xâm phạm sở hữu trí tuệ. Từ đó, đề xuất, kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, xử lý những vi phạm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Ngoài ra, Hiệp hội chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức tọa đàm, hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp công nghệ ứng dụng chuyển đổi số trong chống làm giả. Thường xuyên chỉ đạo đơn vị trực thuộc, chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo để trao đổi, đóng góp ý kiến, thảo luận về thực trạng và giải pháp đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ và nhận diện hàng thật, hàng giả...
Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu trong thời đại công nghệ số, Hiệp hội VATAP xác định phải ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, Hiệp hội đã tiếp cận, xem xét, đánh giá nhiều nền tảng công nghệ để tìm kiếm công nghệ phù hợp ứng dụng trong chống hàng giả, hàng nhái, đáp ứng theo đúng quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Nhờ vậy, Hiệp hội VATAP đã ra mắt phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và chống giả VatapCheckVN. Phần mềm thể hiện quy trình xác thực chống hàng giả - một giải pháp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chống giả điện tử, do Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) - đơn vị thành viên trực thuộc VATAP xây dựng. Phần mềm chạy trên nền tảng Web, PC và quét mã QR, trên thiết bị điện thoại Smartphone đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền.
Đồng thời, Hiệp hội VATAP tổ chức định kỳ những sự kiện trang trọng và ý nghĩa, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ như: Lễ Kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11); trao tặng danh hiệu “Thương hiệu Vàng - logo, slogan ấn tượng”; Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4)…được cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và đánh giá cao.
Tại buổi lễ, ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những vấn nạn của xã hội. Hậu quả ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người dân, lợi ích người tiêu dùng. Cùng đó là uy tín thương hiệu của tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh chính đáng gây thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh môi trường kinh doanh và an ninh trật tự.
Tính từ năm 2020 các lực lượng chức năng trong toàn quốc phát hiện và xử lý 3.641 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trong tổng số191.467 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chiếm tỷ lệ 1,9%. Năm 2021, lực lượng phát hiện xử lý 2.299 vụ/138.077 vụ buôn lậu, gian lận thương mại chiếm tỷ lệ 1,6%; năm 2022 (3692 vμ/139.758 vụ) chiếm 2,6%; năm 2023 (5.464 vụ/146.678 vụ) chiếm 3,7%; 9 tháng năm 2024 (4.301 vụ/103.680 vụ) chiếm tỷ lệ 4,1%.
Từ kết quả trên cho thấy, số vụ việc phát hiện và xử lý (hành chính hình sự) về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ được phát hiện và xử lý tăng dần qua các năm, thể hiện sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, lực lượng chức năng, cơ quan, tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành nghề; trong đó, có vai trò của Hiệp hội VATAP.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Trần Đức Đông đề xuất tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, rà soát những khó khăn, vướng mắc (về quy định của pháp luật, cơ chế phối hợp và điều kiện khác), kiến nghị sửa đổi, bổ sung thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ số, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp thực hiện tuyên truyền theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức đảm bảo nội dung, chất lượng tuyên truyền.
Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cán bộ thực thi, bổ sung kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện chuyên dùng phục vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chính sách an sinh xã hội giải quyết công ăn việc làm cho cư dân biên giới, vùng sâu, vùng xa, hạn chế tối đa việc bị lợi dụng, lôi kéo vào buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả...
Đối với Hiệp hội VATAP, ông Trần Đức Đông lưu ý cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Đại diện hội viên phối hợp với tổ chức kinh tế và cơ quan chức năng liên quan để chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu; tích cực tham gia phản biện, xây dựng cơ chế chính sách, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cũng tại buổi lễ, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định, qua 20 năm thành lập và phát triển, Hiệp hội VATAP đã làm tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết hội viên trong việc phát triển thương hiệu và đề xuất, kiến nghị với Nhà nước về chủ trương, chính sách, biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, hội viên.
Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên website thương mại điện tử, nhất là trên không gian mạng xã hội rất phổ biến. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Bởi vậy, các cơ quan thực thi phải tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao phẩm chất cán bộ công chức, nâng cao năng lực thực thi đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, người tiêu dùng để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, Hiệp hội cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, chủ động tích cực phối hợp với cơ quan thực thi nhất là việc giám sát thị trường quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập cung cấp thông tin và hỗ trợ cơ quan thực thi phát hiện và xử lý vi phạm.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tim-kiem-cong-nghe-phu-hop-chong-hang-gia-hang-nhai/355006.html