Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo tối ưu hóa quy trình chế biến lương thực - thực phẩm

Ngày 23.11, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP.HCM tổ chức vòng thi bán kết và chung kết cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch - năm 2024, tại Trường Đại học Công Thương TP.HCM.

Cuộc thi được tổ chức với 2 bảng thi. Ở bảng A, các đội tham gia sẽ tranh tài với các các đề tài, giải pháp công nghệ trong chế biến. Ở bảng B: Các đề tài, giải pháp công nghệ trong bảo quản.

Bảng A gồm các công trình nghiên cứu, sản phẩm về quy trình sản xuất, công nghệ chế biến lương thực - thực phẩm mới, công nghệ kiểm tra nông sản sau thu hoạch nhằm mục đích bảo đảm và nâng cao giá trị dinh dưỡng cho các loại thực phẩm; các công nghệ, kỹ thuật, phương pháp làm tăng thời gian lưu trữ trong quá trình vận chuyển, đồng thời gia tăng giá trị kinh tế của nông sản sau thu hoạch, lương thực - thực phẩm sau chế biến; các nghiên cứu về xây dựng quy trình kiểm định chất lượng thực phẩm sau thu hoạch và sau chế biến.

Bảng B gồm các công trình nghiên cứu ứng dụng của vật liệu mới (plastic, kim loại, giấy, thủy tinh…) trong bảo quản nông sản nhằm đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và kéo dài thời gian lưu trữ thực phẩm; các đề xuất, giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu mức độ tổn thất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới từ nông sản, chế biến ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng; các thiết kế bao bì sáng tạo ở lĩnh vực công nghệ chế biến sau thu hoạch, quy cách đóng gói sản phẩm nông nghiệp thể hiện được tính hiệu quả, sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tế, tạo được sự tương tác và truyền tải thông điệp tích cực tới người tiêu dùng; khuyến khích các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng nhiều lần.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi mong muốn tìm kiếm các công trình nghiên cứu, sản phẩm về quy trình sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản lương thực - thực phẩm mới, công nghệ kiểm tra nông sản sau thu hoạch, bao bì, mẫu mã mới,… Đồng thời, tạo sân chơi giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, sản phẩm mang tính đột phá có khả năng áp dụng vào đời sống để giải quyết những vấn đề hiện hữu trong ngành nông nghiệp, lương thực - thực phẩm.

Ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc

Ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc

Qua 2 tháng triển khai và tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, Ban tổ chức đã tiếp nhận 60 đề tài, 205 thí sinh đến từ 30 đơn vị, trường học, trong đó có 18 đơn vị, trường học tại TP.HCM và 12 đơn vị, trường học đến từ các tỉnh thành khác trên cả nước.

Tại vòng bán kết, 60 đề tài tốt nhất triển lãm sản phẩm và thuyết minh giới thiệu sản phẩm thông qua poster. Hội đồng giám khảo chấm điểm và chọn ra từ 3 đến 5 đề tài xuất sắc nhất mỗi bảng để tham dự vòng chung kết.

Vòng chung kết, các đề tài xuất sắc của mỗi bảng tham gia vòng phản biện trực tiếp trước Hội đồng giám khảo để tranh thứ hạng cao nhất trong cuộc thi.

Qua 2 vòng tranh tài, Ban tổ chức đã trao giải cho các đội xuất sắc nhất cuộc thi ở 2 bảng A và B.

Trên toàn cầu, tổn thất và lãng phí lương thực là một vấn đề cấp bách, chiếm tới gần 30% tổng sản lượng lương thực hàng năm, tương đương khoảng 1,3 tỉ tấn lương thực bị lãng phí. Việt Nam đứng thứ hai châu Á - Thái Bình Dương về lãng phí thực phẩm, với hơn 8 triệu tấn bị lãng phí mỗi năm, tương đương 3,9 tỉ USD hay gần 2% GDP hiện nay, gấp đôi so với nhiều nền kinh tế tiên tiến.

Do vậy, giảm tổn thất và lãng phí thực phẩm là một trong những ưu tiên cần giải quyết. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất giải pháp đóng gói và xử lý sau thu hoạch tiên tiến là yếu tố then chốt quyết định góp phần giảm tổn thất, lãng phí thực phẩm cũng như đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thủy Nguyên

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tim-kiem-y-tuong-sang-tao-toi-uu-hoa-quy-trinh-che-bien-luong-thuc-thuc-pham-226360.html