'Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới'

Diễn ra trong các ngày từ 13 đến 15/12, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 19 có chủ đề 'Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới' do Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức. Đây không chỉ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, mà còn là cơ hội cập nhật các tiến bộ kỹ thuật và giải pháp mới nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng sống của người dân.

 GS.TS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam

GS.TS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam

Nhân dịp này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc phỏng vấn GS.TS. Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, về những điểm nổi bật tại đại hội lần này và tình hình bệnh tim mạch trên thế giới cũng như tại nước ta hiện nay.

Thưa GS.TS. Huỳnh Văn Minh, ông có thể cho biết bệnh tim mạch đang diễn biến ngày càng phức tạp như thế nào trên thế giới và tại Việt Nam?

Các bệnh lý tim mạch đang là một trong những thách thức lớn đối với ngành y tế toàn cầu, đòi hỏi sự đổi mới không ngừng trong nghiên cứu, ứng dụng và hợp tác khoa học. Trên toàn cầu, bệnh tim mạch gây ra 31% tổng số ca tử vong, tương đương khoảng 17,9 triệu người mỗi năm. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu gánh nặng lớn, chiếm 58% tổng số ca tử vong do bệnh tim mạch toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, năm 2019 ghi nhận 874.613 ca tử vong do bệnh tim mạch, vượt qua tổng số ca tử vong do tất cả các loại ung thư và bệnh đường hô hấp dưới mạn tính cộng lại.

 Can thiệp tim mạch - một trong những hoạt động chuyên môn chính của các thành viên Hội Tim mạch Việt Nam

Can thiệp tim mạch - một trong những hoạt động chuyên môn chính của các thành viên Hội Tim mạch Việt Nam

Tại Việt Nam, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca tử vong do bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Điển hình là tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành đạt khoảng 25%, tức cứ 4 người thì có 1 người mắc. Đáng chú ý, bệnh tim mạch đang có xu hướng trẻ hóa, với nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra ở độ tuổi 50, thay vì trên 60 như trước đây.

Thời gian qua, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế đã thực hiện được rất nhiều ca ghép tim xuyên Việt, xác lập kỷ lục mới về ghép tim xuyên Việt với thời gian đưa tim vào lồng ngực người nhận đến lúc tim đập trở lại ngắn nhất. Đây có phải là một trong những lý do Thừa Thiên Huế được chọn làm nơi đăng cai Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 19 này?

Huế - vùng đất của di sản văn hóa với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận - không chỉ bởi vẻ đẹp lịch sử, nghệ thuật mà còn là một trong các trung tâm khoa học, giáo dục và y tế lớn của cả nước. Năm 2000 tại Huế, ngay sau cơn lụt thế kỷ 1999 với nhiều hậu quả nặng nề, chúng ta đã mạnh dạn đăng cai tổ chức lần đầu tiên Hội nghị Tim mạch toàn quốc lần thứ 12. Năm 2024 này, lần thứ 2 đại hội được tổ chức tại Huế - thành phố di sản văn hóa vừa được công nhận thành phố trực thuộc Trung ương.

 Ban Chấp hành Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam, nhiệm kỳ 2022-2024, tại Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 và kỷ niệm 30 năm thành lập

Ban Chấp hành Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam, nhiệm kỳ 2022-2024, tại Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 và kỷ niệm 30 năm thành lập

Thành tựu y học của Huế rất đáng tự hào với nhiều bước tiến quan trọng, giúp Huế trở thành một trong các trung tâm y tế chuyên sâu của Việt Nam. Bệnh viện Trung ương Huế, với bề dày lịch sử hơn 130 năm, đã trở thành một địa chỉ uy tín trong công tác khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch học. Tính đến năm 2024, BVTW Huế đã thực hiện thành công 14 ca ghép tim; trong đó, ngoài 1 ca ghép tim “made in Việt nam” đầu tiên tại Việt Nam 2012 do đội ngũ Huế tự thực hiện, nay đã có 13 ca ghép tim xuyên Việt. Đặc biệt, ca ghép tim thứ 14 được thực hiện với thời gian vận chuyển tim từ Hà Nội về Huế chỉ trong 4 giờ 5 phút, lập kỷ lục về thời gian ghép tim xuyên Việt.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm Tim mạch BVTW Huế thực hiện khoảng 1.000 ca phẫu thuật tim hở, bao gồm cả những ca tim bẩm sinh phức tạp cho trẻ sơ sinh có cân nặng từ 1,5 - 2,5 kg. Hàng năm, trung tâm tiến hành khoảng 5.000 ca can thiệp tim mạch với các kỹ thuật đặc biệt, trong đó có can thiệp tim bẩm sinh. Bên cạnh đó, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế là một trong những trung tâm đào tạo y khoa lớn nhất cả nước, cung cấp nguồn nhân lực y tế cho miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Đây là những lý do Huế vinh dự được chọn làm nơi đăng cai tổ chức đại hội lần này.

Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 19 này có quy mô như thế nào và tập trung vào những điểm nổi bật gì, thưa Giáo sư?

Đại hội Tim mạch toàn quốc lần này sẽ là một diễn đàn hữu ích để những người tham gia, các thầy thuốc thực hành ở các tuyến y tế khác nhau cùng các chuyên gia quốc tế hàng đầu, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nhằm đem lại sự chăm sóc tốt nhất cho người bệnh tim mạch, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Chương trình truyền hình Tâm điểm - một trong những hoạt động truyền thông thường xuyên của Hội Tim mạch quốc gia Việt Nam

Chương trình truyền hình Tâm điểm - một trong những hoạt động truyền thông thường xuyên của Hội Tim mạch quốc gia Việt Nam

Đại hội có sự tham gia của đông đảo chuyên gia quốc tế, gần 2.000 đại biểu và hội viên trong toàn quốc, những nhà khoa học kinh nghiệm đã tâm huyết đồng hành với ngành tim mạch Việt Nam trong 32 năm qua. Đại hội còn có sự tham gia các Hội Tim mạch quốc tế hàng đầu trên thế giới, như: Hội Tim Mạch Đức Việt, Hội Tim mạch châu Âu (ESC), Hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA), Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ (SCAI), Hội Tim mạch châu Á TBD (APSC), Hội Tim mạch Đông Nam Á (AFC)...

Hoạt động khoa học tim mạch quốc tế của Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế với Đoàn Tim mạch Đức Việt tại Huế

Hoạt động khoa học tim mạch quốc tế của Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế với Đoàn Tim mạch Đức Việt tại Huế

Sẽ có trên 300 bài báo cáo với dưới các thể loại khác nhau của gần 250 chuyên gia hàng đầu; trong đó có 40 báo cáo viên nước ngoài được trình bày. Với hơn 90 phiên diễn ra tại 7 hội trường, cùng khu triển lãm phong phú và các báo cáo diễn đàn mở, Đại hội sẽ tập trung vào nhiều chủ đề nổi bật trong lĩnh vực của tim mạch, như: Can thiệp mạch vành, tim bẩm sinh, siêu âm - chẩn đoán hình ảnh, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, suy tim, điều dưỡng tim mạch cũng như của các chuyên ngành liên quan Tim mạch, như: Ngoại Tim mạch, Nội tiết - đái tháo đường, Hô hấp, Thận - tiết niệu, Thần kinh - đột quỵ… Những bài học kinh nghiệm về kỹ thuật tim mạch từ các chuyên gia trong và ngoài nước chắc chắn sẽ là cơ hội quý báu để chúng ta cùng chia sẻ những thông tin mới, cập nhật các kỹ thuật, phương pháp điều trị tiên tiến nhất.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Chính thức ra đời năm 1992, với sự phát triển và hội nhập quốc tế không ngừng, Hội Tim mạch Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á (AFCC) vào năm 2004, Hội Tim mạch châu Á - Thái Bình Dương (APSC) năm 2012, Liên đoàn Tim mạch Thế giới năm 2012 và gần nhất là Hội nghị Liên đoàn Tim mạch Đông Nam Á AFCC năm 2023 tại Hà Nội.

Là một trong những Hội nghề nghiệp có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng với trên 2.000 hội viên thường xuyên, đến nay Hội Tim mạch Việt Nam đã tổ chức thành công 18 kỳ Đại hội Tim mạch toàn quốc và 2 kỳ Đại hội Tim mạch khu vực ASEAN vào năm 2008 và 2023.

NGỌC HÀ (Thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/tim-mach-hoc-trong-ky-nguyen-moi-con-duong-buoc-ra-the-gioi-148993.html