Tìm 'mỏ vàng' trên cây thuốc có từ 2.000 năm trước, kiếm tiền tỷ/năm
Từ bỏ mức lương hàng tỷ đồng/năm ở thành phố lớn, người đàn ông này gây sốc khi chọn về quê, biến những mảnh đất bị bỏ hoang thành nơi 'trồng vàng'.
Từ mảnh đất bị bỏ hoang đến nơi “hái ra vàng”
Ở vùng rừng ẩm thuộc các tỉnh miền Bắc nước ta có một cây thuốc quý gọi là hoàng tinh. Thân củ hoàng tinh có công dụng bổ phổi, hỗ trợ tiêu hóa và điều trị các bệnh do lao lực... Đã từ lâu, hoàng tinh được coi là một vị dược liệu quen thuộc và có nhiều giá trị trong y học cổ truyền lẫn y học hiện đại.

Không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, hoàng tinh còn phân bố ở Trung Quốc và trở thành “mỏ vàng” cho những người nông dân. Ở quốc gia này, hoàng tinh thậm chí đã được dùng làm thuốc từ hơn 2.000 năm trước.
Một nông dân tên Zheng Xian Gui ở Lạc An, Giang Tây, Trung Quốc từng từ bỏ mức lương 1 triệu NDT (3,5 tỷ đồng)/năm ở Thâm Quyến để về quê nhà Lạc An trồng hoàng tinh.
Ban đầu khi mới về Lạc An, ông hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và bắt đầu xây dựng các nhà máy điện để góp phần xóa đói giảm nghèo ở các thị trấn và làng mạc. Trong thời gian này, ông đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia nông nghiệp và chứng kiến nhiều cánh đồng màu mỡ ở nhiều ngôi làng địa phương bị bỏ hoang vì không ai canh tác.

Vì cảm thấy như vậy quá lãng phí tài nguyên đất đai, anh Gui đã thành lập một đội nhóm nòng cốt và chuyển sang lĩnh vực mới là làm nông nghiệp, xây dựng “Mô hình năng lượng xanh Lạc An”. Theo mô hình này, họ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng nhà xưởng, xây dựng đội ngũ trồng trọt. Với mô hình này, anh Gui đã bắt đầu dẫn dắt các hộ nông dân cùng kiếm tiền, không chỉ cung cấp các dịch vụ xã hội và công nghệ miễn phí mà còn cung cấp cho nông dân vật tư đầu vào (hạt giống, thuốc trừ sâu, phân bón) và đồng thời thu mua lại nông sản đầu ra. Mô hình này đã mang lại kết quả tốt ngoài mong đợi.
Năm 2019, anh Gui tình cờ biết đến ngành công nghiệp hoàng tinh trong một buổi hội thảo đào tạo về dược liệu Trung Quốc. Sau khi tìm hiểu, anh nhận thấy đây là một ngành có triển vọng tốt về mặt sức khỏe. Kết hợp với nguồn đất nông nghiệp chất lượng cao bị bỏ hoang ở quê nhà, anh đã nảy ra ý tưởng tham gia vào ngành công nghiệp giàu tiềm năng này.
Tuy nhiên, trồng hoàng tinh không phải là một kế hoạch dễ dàng và cho hiệu quả ngay. Anh Gui biết rằng hoàng tinh là cây trồng lâu năm, phải chờ khoảng 6 năm mới có thể thu hoạch. Ngoài ra, cây còn sợ hạn hán, ngập úng, chỉ thích hợp trồng ở vùng núi xa xôi. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư thời gian và chi phí ban đầu cho việc trồng hoàng tinh rất cao. Riêng chi phí đào mương, làm đường, cày xới đất đã là một khoản không nhỏ.
Mặc dù vậy, anh Gui vẫn kiên quyết thực hiện dự định của mình vào năm 2020. Trong vòng hai tháng, anh đã cùng đội ngũ của mình khai hoang 1.036 mẫu đất. Sau đó, công ty Nông nghiệp Si Xiang của anh áp dụng mô hình "doanh nghiệp dẫn dắt, lấy vùng lõi làm động lực, thôn (làng) góp cổ phần".
Công ty tận dụng ưu thế về công nghệ trồng trọt, nghiên cứu phát triển và kinh doanh sản phẩm để cung cấp miễn phí kỹ thuật, cây giống và kênh tiêu thụ cho các hộ nông dân. Đồng thời, thu mua hoàng tinh của nông dân với giá không thấp hơn mức sàn, từ đó thúc đẩy nông dân trồng loại cây này.

Không dừng lại ở đó, người đàn ông này còn mong muốn các sản phẩm từ hoàng tinh của mình vươn ra khỏi địa phương và được bán trên khắp Trung Quốc. Vì vậy, anh quyết định bước vào ngành chế biến sâu để tạo ra năng lực cạnh tranh cốt lõi trên thị trường.
Anh Gui đã hợp tác với Đại học Y học Cổ truyền Giang Tây, tham khảo phương pháp sản xuất "Canh nồi đất Nam Xương", kết hợp cách chế biến "9 hấp 9 sấy" và "nướng than", qua đó phát triển 18 sản phẩm từ hoàng tinh với đủ sắc, hương, vị.
Năm 2021, bộ sản phẩm Si Xiang Gan Pin đã được ra mắt thành công. Nhiều sản phẩm như trà hoàng tinh, viên mè hoàng tinh, mứt quả hoàng tinh, rượu hoàng tinh… rất được ưa chuộng trên thị trường. Doanh thu hàng năm của Si Xiang Gan Pin năm 2021 có thể đạt hơn 6 triệu NDT (21,3 tỷ đồng), và những người nông dân được anh Gui dẫn dắt có thể kiếm được 200.000 NDT (710 triệu đồng)/năm.