Tin nóng công nghệ 20/7: Li Ning dùng robot để test giày, Mỹ phát triển pin cát chống cháy nổ
Li Ning hợp tác với Trung tâm Đổi mới Robot hình người Bắc Kinh để dùng robot kiểm tra giày, Meta ra mắt kính VR mới, pin cát và vật liệu lưu trữ mới đầy hứa hẹn... là tin KHCN nổi bật ngày 20/7.
1. Meta trình làng kính VR trường nhìn 180 độ, nhẹ và nhỏ gọn hơn Quest 3

Kinh thực tế ảo mới của Meta. Ảnh: Phone Arena
Meta vừa giới thiệu nguyên mẫu kính thực tế ảo (VR) thế hệ mới, có thiết kế nhỏ gọn hơn nhưng vẫn cung cấp trường nhìn (FOV) cực rộng lên tới 180 độ, gần gấp đôi mức 104 độ của Meta Quest 3 hiện tại. Sản phẩm do Reality Labs phát triển, với thiết kế giống kính bảo hộ hơn là thiết bị VR cồng kềnh truyền thống, giúp giảm mỏi khi đeo lâu.
Đây được coi là bước tiến lớn, khi những thiết bị VR có FOV rộng trên thị trường như Pimax vẫn rất nặng nề. Thiết kế mới của Meta là sự cân bằng giữa kính AR và headset VR, được kỳ vọng sẽ xuất hiện trên Meta Quest 4 trong tương lai.
Song song với VR, Meta cũng đang phát triển kính thực tế tăng cường (AR) Orion nhằm thay thế smartphone, cạnh tranh trực tiếp với Apple. Tuy nhiên, kính AR hiệu năng cao vẫn còn đắt đỏ và khó thương mại hóa đại trà.
2. Google thử nghiệm thanh tìm kiếm mới trên điện thoại Android tích hợp AI Mode

Giao diện thanh tìm kiếm mới trên điện thoại Android. Ảnh: Android Authority
Google đang thử nghiệm hai thiết kế mới cho thanh tìm kiếm trên điện thoại Android, nhằm tích hợp nhanh chế độ AI Mode – tính năng hỗ trợ người dùng tìm câu trả lời nhanh hơn mà không cần truy cập nhiều kết quả. AI Mode được Google công bố tại I/O 2025 để đối phó với các ứng dụng tìm kiếm bằng AI ngày càng phổ biến.
Ở một thiết kế thử nghiệm, biểu tượng Lens và tìm kiếm bằng giọng nói được chuyển xuống dưới thanh tìm kiếm, nhường chỗ cho phím tắt AI Mode ngay trên thanh chính. Logo “G” và câu lệnh tìm kiếm cũng được làm mới. Một thiết kế khác bổ sung thêm biểu tượng chế độ ẩn danh cạnh các phím tắt dưới thanh tìm kiếm. Các thử nghiệm này đang diễn ra trên phiên bản Chrome beta 139 cho Android.
3. Li Ning dùng robot chạy bộ kiểm tra độ bền giày thể thao

Robot sẽ thử nghiệm đồ thể thao và giày dép tại cơ sở nghiên cứu được Li Ning và Trung tâm Đổi mới Robot hình người Bắc Kinh. Ảnh: Nikkei Asia
Hãng đồ thể thao Trung Quốc Li Ning vừa hợp tác với Trung tâm Đổi mới Robot hình người Bắc Kinh để ứng dụng robot trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Hai bên đã ký thỏa thuận và khai trương trung tâm khoa học thể thao tại Bắc Kinh, nơi robot sẽ mô phỏng chuyển động con người khi vận động để đo lường độ mài mòn của giày dép, quần áo thể thao và các dữ liệu kỹ thuật khác.
Tại lễ khai trương, robot Tiangong, từng hoàn thành giải bán marathon 21 km trong 2 giờ 40 phút hồi tháng 4, đã trình diễn chạy thử bằng giày chạy bộ của Li Ning. Dữ liệu thu được từ các bài kiểm tra giúp hãng cải tiến thiết kế và chất lượng sản phẩm.
4. Nhóm Quad bàn giải pháp bảo vệ cáp biển trước nguy cơ tấn công mạng

Cáp ngầm dưới biển. Ảnh: Wired
Các nước Quad gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ vừa tổ chức thảo luận về việc bảo vệ và mở rộng mạng cáp ngầm dưới biển trong bối cảnh nguy cơ phá hoại và tấn công mạng gia tăng. Theo Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ, cáp quang biển đóng vai trò then chốt trong kết nối Internet toàn cầu, với Ấn Độ chiếm gần 1/5 lưu lượng truyền tải thế giới.
Tại sự kiện ở New Delhi, đại diện bốn nước cùng lãnh đạo ngành đã trao đổi về các giải pháp bảo vệ hạ tầng cáp, cải cách quy định, cũng như nâng cao năng lực bảo trì và sửa chữa. Trước đó, cuộc họp bộ trưởng ngoại giao Quad hồi đầu tháng 7 xác định an ninh cáp biển là lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
5. Pin cát chịu nhiệt 1.000°C – giải pháp lưu trữ năng lượng sạch, giá rẻ mới

Ảnh minh họa: Getty Images
Các hệ thống lưu trữ năng lượng bằng cát, gọi là “pin cát", đang được coi là giải pháp tiềm năng cho lưu trữ nhiệt quy mô lớn. Với khả năng chịu nhiệt cao, lên tới 1.000°C, giữ nhiệt lâu, không độc hại và không cháy nổ, cát trở thành vật liệu lưu trữ nhiệt phù hợp cho các ngành công nghiệp và hệ thống sưởi.
Pin cát hoạt động bằng cách dùng điện dư thừa từ năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) để làm nóng không khí, sau đó truyền qua lớp cát chứa trong silo cách nhiệt. Cát giữ nhiệt hàng tuần hoặc hàng tháng, rồi giải phóng nhiệt khi cần thiết để sưởi ấm tòa nhà, nhà máy. Hiệu suất lưu trữ nhiệt đạt tới 99% nếu dùng trực tiếp để cấp nhiệt.
Mô hình pin cát thương mại đầu tiên được xây dựng tại Phần Lan năm 2022. Tại Mỹ, phòng thí nghiệm NREL đang phát triển hệ thống pin cát có thể lưu trữ nhiệt trong 100 giờ liên tục. Quy mô thị trường pin cát toàn cầu dự kiến đạt 4,86 tỷ USD vào năm 2034.