Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sỹ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó Người đặc biệt dành tình cảm cho thương binh, gia đình liệt sỹ, những người chịu nhiều hy sinh mất mát trong chiến tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1946, khi nước nhà mới giành được độc lập, giữa bộn bề công việc và khó khăn chồng chất, nhưng Người vẫn không quên các thương binh, thân nhân, gia đình liệt sỹ: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con của tôi”.

Khi biết tin một chiến sỹ Vệ quốc đoàn, con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng hy sinh đầu năm 1947, Người tự tay đánh máy một bức thư chia buồn gửi bác sỹ: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”.

Tháng 6/1947, Người đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm là Ngày Thương binh, Liệt sỹ để đồng bào cả nước tỏ lòng biết ơn và tri ân họ. Trong thư gửi Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sỹ còn được thể hiện ở những nghĩa cử cao đẹp, bình dị và rất đỗi tự nhiên trong đời sống thường ngày. Người thường trích một tháng lương, dùng những bộ quần áo, khăn tay được đồng bào biếu để làm quà tặng cho thương binh. Người thường viết thư thăm hỏi, một mặt khẳng định công lao, một mặt động viên các thương binh: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng làm chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”, để mỗi “thương binh tàn nhưng không phế”.

Người đã ký và ban hành các sắc lệnh về chế độ: “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sỹ”, thành lập Sở, Ty Thương binh, Cựu binh ở khu và tỉnh, đặt ra Bảng vàng danh dự, Bằng gia đình vẻ vang và truy tặng, phong tặng các danh hiệu anh hùng, huân, huy chương cho các liệt sỹ, thương binh. Người cũng nhấn mạnh, toàn Đảng, toàn dân phải vinh danh, ghi nhận công lao to lớn của thương binh, liệt sỹ và làm tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Hoàng Bách

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/tinh-cam-cua-chu-tich-ho-chi-minh-voi-thuong-binh-liet-sy-134899.html