Tinh hoa nghệ thuật điêu khắc cổ qua các di sản văn hóa ở Nam Định

Tỉnh ta là vùng đất có hệ thống di sản văn hóa vật thể phong phú, đa dạng với hơn 1.500 cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo đạo Phật, thờ Mẫu, thờ nhân thần, thờ tổ tiên. Trong số 1.348 di tích đã được kiểm kê đánh giá có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 85 di tích quốc gia, 297 di tích cấp tỉnh. Mỗi di tích đều mang đặc trưng riêng biệt, phản ánh rõ nét dấu ấn văn hóa từng vùng, miền. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tỉnh ta là vùng đất có hệ thống di sản văn hóa vật thể phong phú, đa dạng với hơn 1.500 cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo đạo Phật, thờ Mẫu, thờ nhân thần, thờ tổ tiên. Trong số 1.348 di tích đã được kiểm kê đánh giá có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 85 di tích quốc gia, 297 di tích cấp tỉnh. Mỗi di tích đều mang đặc trưng riêng biệt, phản ánh rõ nét dấu ấn văn hóa từng vùng, miền. Trải qua hàng thế kỷ tồn tại, nhiều di tích vẫn được bảo tồn nguyên vẹn các chi tiết, công trình thể hiện nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cổ tài hoa, đặc sắc của các nghệ nhân xưa.

Tháp Phổ Minh (14 tầng, cao 19m, nặng 700 tấn) nằm trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa Chùa Tháp (thành phố Nam Định) là một trong số ít công trình kiến trúc lâu đời còn giữ được tương đối toàn vẹn từ thời Trần.

Nghệ thuật điêu khắc cổ được các nghệ nhân xưa thể hiện trên nhiều vật liệu khác nhau từ gỗ, đá, đồng đến gốm, đất nung… trên các hạng mục, cấu kiện kiến trúc: cửa, cột, mái; đồ thờ tự, trang trí như: tượng, chuông, khánh, bát hương, đỉnh hạc, văn bia, hoành phi, câu đối, khám thờ, cỗ kiệu... theo các tích chủ đề góp phần tôn lên vẻ đẹp, sự trang nghiêm hay bản sắc vùng miền của di tích. Gỗ là vật liệu xây dựng phổ biến nhất trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Với đặc thù dễ chế tác, các nghệ nhân xưa đã thể hiện tài năng, trình độ tay nghề và gửi gắm những ý tưởng thẩm mỹ ở nhiều kiến trúc gỗ cổ. Đặc sắc nhất là 2 cánh cửa bằng gỗ lim của Chùa Phổ Minh niên đại thời Trần (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh) với những nét chạm trổ tỉ mỉ, trau chuốt, khoáng đạt, mang đậm dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XIII-XVI. Đây là 2 cánh bên của bộ cửa 4 cánh (2 cánh giữa hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Bộ cửa có kích thước dài 194cm, rộng 75cm, dày 4,5cm. Mỗi cánh cửa đều được bổ ô trang trí bố cục đối xứng. Ô trên trang trí hình 2 con rồng đuôi khép tạo thành hình lá đề đăng đối, tinh tế. Đầu rồng ngẩng cao hướng về quầng lửa trên đài sen. Miệng rồng há rộng, răng nanh lớn vắt qua sóng vòi. Mào lửa dài, bờm chia 2 dải. Thân rồng tròn, thon, không có vảy, cuốn thành từng khúc, nhỏ dần về đuôi. Mỗi con rồng có 4 chân, mỗi chân có 3 ngón. Cả 4 chân đều có dải mây xoắn. Hình tượng rồng được thể hiện trên nền hoa văn mây lửa. Khung riềm phía trên trang trí vân mây, phía dưới tạo hình hoa văn sóng nước, cánh sen cách điệu. Ô dưới chạm hình bông sen nở rộ, 2 bên là những hình học xếp chồng theo kiểu bệ chân quỳ. Có thể thấy, đề tài trang trí chính ở 2 cánh cửa Chùa Phổ Minh là hình tượng rồng (biểu tượng cho quyền lực của vua và triều đình phong kiến Việt Nam) và hoa sen. Hình tượng rồng, hoa sen không đơn thuần là đề tài trang trí làm tôn lên vẻ đẹp, sự uy nghi, tôn quý của bộ cửa mà còn khẳng định quy mô kiến trúc, vị thế Chùa Phổ Minh - trung tâm Phật giáo tiêu biểu của Hành cung Thiên Trường xưa. Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường) là một tổng thể các công trình kiến trúc quy mô lớn, được xây dựng đăng đối, thể hiện đậm nét phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Di tích lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc trên các hạng mục gỗ tại khu Chùa Keo trong, Chùa Keo ngoài, tam quan, gác chuông như: trúc hóa long, rồng ngậm ngọc, đao mác lá hỏa cùng các đề tài tứ linh, tứ quý. Di tích Chùa Keo Hành Thiện với nghệ thuật điêu khắc đặc trưng đã góp phần minh chứng cho lịch sử tồn tại và phát triển của đạo Phật tại quê hương. Cùng với các công trình nổi tiếng, nghệ thuật điêu khắc gỗ tại nhiều di tích trong tỉnh cũng được thể hiện tinh xảo và bảo lưu được giá trị nghệ thuật như: các hàng xà, đố lụa, cánh cửa, các bức thuận ở Đền Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng); các bức chạm kênh bong ở xà, giường, mê cốn của Đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc); các bộ cửa gỗ ở Đền Đá, xã Tân Thịnh (Nam Trực), Đền Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực)... là các sản phẩm điêu khắc gỗ thế kỷ XVIII; các mảng chạm khắc gỗ ở hoành, xà bẩy của Đền Giáp Nhất, xã Quang Trung (Vụ Bản), bộ khám thờ ở Từ đường họ Lã, thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến (Ý Yên)... được chạm trổ vào thế kỷ XIX.

Điêu khắc trên đá tại các di tích thường được thể hiện trên các bộ phận, chi tiết kiến trúc như: cột, bệ kê chân cột, tường, lan can, bia đá, nhạc khí, đồ thờ tự... Tiêu biểu như một số điêu khắc đá tại Chùa Tháp Chương Sơn, xã Yên Lợi (Ý Yên) với cửa bó đá tạc những lớp sóng hình núi, các vũ nữ thiên thần, rồng, tượng Phật, đài sen... mang đậm phong cách nghệ thuật tạo hình thời Lý. Di tích hiện còn lưu giữ Bảo vật quốc gia - Tượng Phật A di đà cao 2,16m, chạm trổ tinh xảo, đại diện cho điêu khắc nhân dạng Phật giáo thời Lý. Đây là 1 trong 5 pho tượng có niên đại sớm nhất cả nước, được lưu giữ ở Bắc Bộ và là pho tượng duy nhất còn nguyên vẹn. Bảo vật quốc gia - Thành bậc lan can thời Lý (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh) có niên đại đầu thế kỷ XII là một trong số hàng trăm di vật được tìm thấy trong đợt khai quật phế tích Bảo Tháp Chương Sơn trên đỉnh núi Ngô Xá năm 1966-1967. Đây là di vật đá độc bản được chế tác hoàn toàn bằng kỹ thuật chạm khắc thủ công và là tiêu bản duy nhất phát hiện từ trước đến nay trong các di tích thời Lý ở Việt Nam trang trí hình tượng người trên thành bậc lan can chất liệu đá. Ở nhiều di tích khác trong toàn tỉnh, điểm nhấn sắc nét, điển hình của nghệ thuật điêu khắc đá thời Trần được thể hiện qua những con rồng đá thân doãng khúc, đầu nảy sừng; thành bậc cửa, đài sen với hình tượng cánh sen kép, mũi cánh nhô hình vân xoắn, lòng cánh sen cách điệu hoa cúc ở Tháp Phổ Minh; những chân tảng chạm hoa sen, con sóc đá ở Chùa Đệ Tứ (thành phố Nam Định) hay những mảng chạm khắc đá mang đậm giá trị nghệ thuật thời Hậu Lê trên các bộ cửa võng ở Đền Đá (Nam Trực), Đình Đá (Ý Yên), bia đá ở Đền Đồng Quỹ (Nam Trực), hình tượng tứ linh trên cột đá ở Đền Nam Lạng (Trực Ninh)... Bên cạnh đó là những đường nét điêu khắc chữ Hán và hoa văn trang trí tinh xảo, tỉ mỉ của hàng trăm tấm bia đá trong các di tích kiến trúc cổ; trong số đó phải kể tới những tấm bia có niên đại sớm như: tấm bia đá thời Lý tại Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường), tấm bia đá niên hiệu Hưng Long thứ nhất (1293) tại Đình Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc)…

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa nằm trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) được xây dựng đầu thế kỷ XX mang đậm giá trị nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của Phật giáo Việt Nam.

Các sản phẩm điêu khắc trên chất liệu đồng tại các di tích ở tỉnh ta có số lượng ít hơn điêu khắc trên gỗ và đá nhưng truyền thống trang trí (đúc, chạm khắc) bằng đồng của người Việt ở Nam Định vẫn bảo lưu nguyên vẹn giá trị, thể hiện qua nhiều hiện vật như: chuông đồng, tượng đồng, đồ thờ tự tại các các đình, đền, chùa, miếu, phủ, từ đường. Làng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực) là nơi có nghề đúc đồng truyền thống. Tại Đền Đồng Quỹ hiện lưu giữ được những sản phẩm điêu khắc bằng đồng cổ như: tượng Vua Triệu Quang Phục sơn son, thếp vàng, ngồi trên sập cao 1,6m; chiếc vạc đồng cao 0,85m, nặng 180kg khắc bầu rượu, túi thơ, quả vả, cuốn thư. Ở Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) có quả chuông Đại Hồng Chung đúc vào năm 1936, là một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam cho đến nay, cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân chạm khắc họa tiết hoa lá, sóng nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Ngoài ra, di tích còn lưu giữ được 2 hiện vật giá trị bằng đồng khác là quả chuông đồng thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799) và trống đồng trơn (tương truyền từ thời Lý). Ở Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) còn lưu giữ được pho tượng Triệu Việt Vương bằng đồng ngồi trên bệ đá, chiều cao 1,6m, đầu đội mũ, mình tạc long bào chạm khắc tinh xảo theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Một mảng điêu khắc, trang trí phổ biến, đặc sắc khác tại các di tích là trên chất liệu gốm với các sản phẩm dụng cụ sinh hoạt trang trí nội thất, đồ thờ tự… Đặc biệt phải kể đến sưu tập các loại đồ gốm gia dụng qua các thời kỳ với những hoa lá khắc chìm được phủ bằng các loại men gốm trắng, rạn nâu, ngọc, ngà. Tiêu biểu là các bộ sưu tập hiện được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh như bộ sưu tập các sản phẩm gốm hoa nâu thời Trần (50 hiện vật) với: thạp, thống, âu, chân đèn...; bộ sưu tập gốm sành thời Trần (139 hiện vật) với các sản phẩm: vại, vò, chum, nắp đậy, bình vôi...; bộ sưu tập gốm hoa lam thời Lê - Mạc (152 hiện vật) với các đồ dùng sinh hoạt trang trí hoa lá, phong cảnh, hoa văn hình học, sóng nước…, đồ thờ trang trí hình rồng, phượng, chữ Hán…; trong đó, bộ chân đèn và lư hương bằng gốm hoa lam niên đại thời Lê - Mạc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia năm 2013.

Tinh hoa nghệ thuật điêu khắc cổ tại các công trình tín ngưỡng, tôn giáo ở tỉnh ta không chỉ có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa mà còn là cơ sở tư liệu cho các nhà nghiên cứu, những người làm công tác văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng bảo tồn di sản. Các mảng đề tài chạm khắc hoa văn trang trí ở các công trình, hạng mục tại các di tích đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về nghệ thuật tạo hình, tư duy thẩm mỹ, về trang phục, trang sức của người dân, nghề thủ công truyền thống, về các nhân vật lịch sử, hình tượng linh vật trong truyền thuyết…; đồng thời phản ánh rõ nét phong tục tập quán, đời sống của cộng đồng dân cư, mối quan hệ, sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa của nước Việt Nam và văn hóa bản địa với các nền văn hóa lớn như: Chăm-pa, Trung Quốc và Ấn Độ trong lịch sử./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5087/202110/tinh-hoa-nghe-thuat-dieu-khac-co-qua-cac-di-san-van-hoa-o-nam-dinh-2546845/