Tình nguyện qua Lào dạy, giáo viên vẫn không được tuyển đặc cách

3 cô giáo ở Quảng Trị được tỉnh cử qua Lào dạy học, thế nhưng sau khi trở về lại không được tuyển đặc cách vì tỉnh ban hành quyết định mới.

Cô giáo Phan Thị Thùy Dung - một trong 3 giáo viên tình nguyện sang Lào dạy học, nhưng khi trở về vẫn không được tuyển dụng đặc cách. (ảnh: NV)

Cô giáo Phan Thị Thùy Dung - một trong 3 giáo viên tình nguyện sang Lào dạy học, nhưng khi trở về vẫn không được tuyển dụng đặc cách. (ảnh: NV)

Cống hiến tuổi xuân nhưng vẫn nhận cái kết đắng

Năm 2018, 3 giáo viên ở tỉnh Quảng Trị gồm: Phan Thị Thùy Dung (SN 1990, trú huyện Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Ý Nhi (SN 1990, trú huyện Hải Lăng), Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1996, trú huyện Vĩnh Linh) được UBND tỉnh Quảng Trị cử sang tỉnh Savannakhet (Lào) giảng dạy.

Các cô giáo sang Lào dựa trên quyết định số 10/2014/QĐ của UBND tỉnh Quảng Trị ký ngày 27/2/2014. Quyết định số 10 quy định, đối tượng được xét tuyển đặc cách là người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước.

Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet là đơn vị tiếp nhận, phân công 3 giáo viên này đến dạy ở các trường học. Trong đó, cô Dung và cô Nhi dạy ở Trường Trung học Hữu nghị Việt - Lào, còn cô Thủy dạy ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi – Seno đều thuộc tỉnh Savannakhet (Lào).

Vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên 3 cô giáo chỉ giảng dạy được 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020. Vào ngày 18/3/2020, Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet đã đưa 3 giáo viên trở về lại Quảng Trị.

Theo Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, 3 giáo viên trên tham gia giảng dạy từ năm 2018 đến năm 2021 sẽ hoàn thành nghĩa vụ hợp tác. Nhưng vì dịch bệnh, không thể tiếp tục giảng dạy nên Hội đã họp, đánh giá trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020 rằng 3 giáo viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Trị xét tuyển đặc cách cho các cô. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cả 3 giáo viên trên vẫn chưa được tuyển dụng đặc cách.

Cô Dung chia sẻ, năm 2018, khi hay tin UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 10, dù có 2 con nhỏ (một con 3 tuổi và một con mới 1,5 tuổi) nhưng cô Dung vẫn quyết tâm thuyết phục chồng ở nhà cố gắng nuôi con để mình đăng ký sang Lào dạy học, vừa giúp bà con Việt kiều vừa hi vọng khi trở về cả công việc, cả gia đình được ổn định hơn. Mặc dù thời điểm đó, nhiều người nói ra nói vào với những lời lẽ không hay khi thấy cô để chồng cùng 2 con thơ dại ở nhà để qua nước Lào công tác. May mắn là cô Dung vẫn được chồng tin tưởng, ủng hộ.

Sau khi đăng ký, cô Dung được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt, cử sang Lào dạy học. Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet phân công cô dạy ở Trường Trung học Hữu nghị Việt - Lào.

“Khi qua Lào dạy học, điều kiện sinh hoạt, giảng dạy ở đây rất khó khăn. Nhưng không khó khăn bằng việc nén lại nỗi nhớ gia đình, người thân để hoàn thành nhiệm vụ. Nghĩ cảnh 2 con thơ dại thiếu hơi mẹ, chồng ở nhà vất vả chăm con khiến mình luôn xót xa, nên chẳng đêm nào yên giấc. Nhưng rồi, nghĩ đến việc được giảng dạy cho học sinh, thực hiện nghĩa vụ hợp tác, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước Việt - Lào nên mình và các giáo viên động viên nhau nỗ lực, cố gắng vượt khó giảng dạy, Trải qua biết bao khó khăn, vất vả, thế nhưng khi trở về lại nhận cái kết đắng cay như vậy.

Những ngày này, nhìn cảnh bạn bè liên tục chia sẻ khoảnh khắc đón chào năm học mới, rồi nhìn các em học sinh nhộn nhịp đến trường mà mình thấy chạnh lòng. Mình luôn yêu thích nghiệp “phấn trắng bảng đen” và vẫn hy vọng sẽ có cái kết đẹp đến với bọn mình sau bao tháng năm mòn mỏi đợi chờ”, cô Dung tâm sự.

Cần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho các giáo viên

Liên quan đến vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, các cô giáo đi làm nhiệm vụ giảng dạy ở Lào trước đó thuộc diện giáo viên hợp đồng. Việc cử đi làm nhiệm vụ dạy học, công tác tại Lào thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ở thời điểm đó, đối chiếu Nghị định 29/2012 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ký ngày 27/2/2014, theo đó, các giáo viên tình nguyện sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy 3 năm học tại Lào sẽ được ưu tiên tuyển dụng đặc cách khi có chỉ tiêu biên chế tại các địa phương.

Nhưng sau đó, thực hiện Nghị định 161/2018 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định 31/2019/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 (thay thế Quyết định số 10) nên các giáo viên này không thuộc đối tượng tuyển dụng đặc cách. Hơn nữa, sau này còn có Nghị định 115/2020 của Chính phủ thì các giáo viên này cũng không đủ điều kiện để tuyển dụng đặc cách, mà phải tuyển bình thường. Đồng thời, phía Sở cũng có tờ trình gửi Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết.

Văn bản trả lời của Bộ Nội vụ gửi UBND tỉnh Quảng Trị.

Văn bản trả lời của Bộ Nội vụ gửi UBND tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên, tại văn bản phúc đáp số 4015/BNV–CCVC do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long ký ngày 19/8/2022 có nội dung: Theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016) thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định chính sách thu hút, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại địa phương phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương và quy định của cơ quan nhà nước cấp trên.

Quy định của Chính phủ về tiếp nhận viên chức (tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển) tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, sau được thay thế tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đều cho phép đối tượng có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ thì được xem xét, tiếp nhận.

Như vậy, việc UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 31 bãi bỏ Quyết định số 10 để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, không phải do có sự thay đổi quy định của Chính phủ về tiếp nhận viên chức như báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị tại Tờ trình số 335/TTr-SNV.

Đối với các trường hợp giáo viên đã được UBND tỉnh Quảng Trị cử tham gia giảng dạy nghĩa vụ tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhưng chưa được tuyển dụng viên chức do có thay đổi về chính sách của tỉnh Quảng Trị, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh khẩn trương có phương án giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Sau khi nhận được trả lời trên của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp Sở GD&ĐT và UBND các địa phương khẩn trương tham mưu phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân và đúng theo các quy định của pháp luật. Hiện nay, các cơ quan trên đang tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đó, Sở cũng đã có các văn bản số 197 ngày 1/2/2021 và văn bản số 1752 ngày 26/8/2021 đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển dụng cho các huyện, thị xã, thành phố để tuyển đặc cách cho 3 giáo viên này.

“Sở cũng đã cố gắng hết sức để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên và hi vọng các cấp, ngành tạo điều kiện cho các cô giáo. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục làm việc với Sở Nội vụ để tìm phương án tốt nhất cho các cô đỡ thiệt thòi, bởi các cô cũng đã rất vất vả”, bà Hương thông tin.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Phạm Quyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-nguyen-qua-lao-day-giao-vien-van-khong-duoc-tuyen-dac-cach-post607351.html