Tọa đàm về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh
Chiều ngày 13/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh tổ chức chương trình Tọa đàm khoa học 'Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận', với chủ đề 'Bảo tồn - Gắn kết - Lan tỏa'. Đây là một trong những nội dung nằm trong chương trình Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận lần thứ I năm 2024.
Ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh và ông Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, huyện, thị, thành phố cùng các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh, nhà quản lý văn hóa ở các địa phương.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Bùi Thế Nhân khẳng định: Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được hình thành, vun đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước với nhiều giá trị đặc sắc. Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định văn hóa nói chung, văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng là một bộ phận quan trọng, là động lực của sự phát triển. Riêng tỉnh Bình Thuận, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh rất phong phú và đa dạng, đã đóng góp những giá trị về vật chất và tinh thần quan trọng, phản ánh nhiều lĩnh vực văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng và nghệ thuật liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, trang phục là loại hình di sản văn hóa phi vật thể ra đời tương đối sớm, mang đậm chất riêng của dân tộc và luôn được tích lũy, bồi đắp theo diễn trình phát triển của lịch sử. Bởi nó là nhu cầu cần thiết phục vụ đắc lực cho nhu cầu ăn mặc, làm đẹp trong đời sống cá nhân và cộng đồng các dân tộc.
Giám đốc Sở VHTTDL cho rằng: Chương trình tọa đàm rất cần thiết và cấp bách, giúp ngành văn hóa và chính quyền địa phương nhìn thấy được thực trạng của trang phục truyền thống và nhu cầu hiện nay của đồng bào, hiểu biết hơn về lịch sử, giá trị văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong tỉnh để có chủ trương và chính sách thích hợp trong việc quản lý và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phục vụ ngay bản thân đồng bào và phục vụ phát triển văn hóa, du lịch ở địa phương.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra những đánh giá khách quan về thực trạng trang phục truyền thống các dân tộc Chăm, Raglai, K`ho, Chơ Ro và trang phục của Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm; so sánh sự tương đồng và khác biệt của quá trình giao thoa về trang phục truyền thống giữa các tộc người trong lịch sử và hiện nay giữa các tỉnh lân cận… Từ đó đưa ra các giải pháp tuyên truyền để thực hiện công tác bảo tồn, khôi phục, khai thác và phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Qua các ý kiến tham luận và phát biểu thảo luận trực tiếp liên quan đến chủ đề tọa đàm đặt ra, ông Bùi Thế Nhân cho biết: Với xu hướng phát triển của cơ chế kinh tế thị trường và giao lưu, tiếp biến văn hóa đang diễn ra đa chiều giữa các vùng miền như hiện nay, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một, biến đổi và mất dần những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc. Trang phục truyền thống không được sử dụng phổ biến trong đời sống, sinh hoạt thường ngày, mà chỉ được sử dụng như lễ phục vào các ngày tết hoặc các dịp lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm của cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng như gắn với hoạt động phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, đáp ứng nhu cầu đặt ra nhằm lưu giữ được trang phục truyền thống tồn tại bền vững theo thời gian và du khách được trải nghiệm, hiểu thêm về giá trị của trang phục các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.