Tổng thống Zelensky trước áp lực về lòng tin của người dân Ukraine
Sau hơn 1.000 ngày nỗ lực trong xung đột với Nga, mới đây, Tổng thống Zelensky lần đầu thừa nhận khả năng từ bỏ việc tái chiếm các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát để đổi lấy viễn cảnh gia nhập NATO.
Trong vòng 5 năm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một sự nghiệp chính trị như một vì sao băng: từ một diễn viên hài truyền hình, ông trở thành người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lớn nhất lịch sử Ukraine, sau đó là nhà lãnh đạo trong cuộc đối đầu với Nga.
Sau hơn 1.000 ngày nỗ lực trong xung đột với Nga, ngày 1/12, Tổng thống Zelensky lần đầu thừa nhận khả năng từ bỏ việc tái chiếm các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát để đổi lấy viễn cảnh gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhanh chóng.
Tuy nhiên, với tư cách thành viên NATO hiện không còn nằm trong tầm tay, động thái này bị hiểu ngầm rằng mất mát lãnh thổ là không thể tránh khỏi. Điều này có thể sẽ là một phần của thỏa thuận do Tổng thống đắc cử Donald Trump làm trung gian với Moskva.
Dù có đúng hay sai, cử tri Ukraine dường như đang đổ lỗi cho ông Zelensky về những thất bại trong cuộc xung đột.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự tín nhiệm của ông đang sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ 22% cử tri sẵn sàng bầu lại ông Zelensky cho nhiệm kỳ thứ hai và 60% muốn ông không tái tranh cử. Nổi lên trong các cuộc thăm dò là Tướng Valerii Zaluzhny, người có sự ủng hộ vượt xa ông Zelensky, đạt 42%.
Trong khi nhiệm kỳ tổng thống chính thức đã kết thúc vào tháng 5 năm nay, Ukraine vẫn chưa tổ chức bầu cử do tình trạng chiến tranh. Chính quyền Tổng thống Zelensky hiện đang nắm quyền thông qua các quyền hạn thời chiến, đình chỉ hoạt động của các phương tiện truyền thông phi nhà nước. Dẫu vậy, các vụ bê bối tham nhũng không ngừng bị phanh phui khiến dân chúng ngày càng phẫn nộ.
Từ việc các quan chức y tế kiếm tiền từ giấy chứng nhận y tế giả cho người trốn nghĩa vụ quân sự, đến các hợp đồng béo bở dành cho thân tín của các Bộ trưởng, tất cả đều làm xói mòn lòng tin của công chúng.
Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov bị sa thải sau bê bối chi tiêu quân sự quá mức, và gần đây, một quan chức cấp cao từ chức vì cáo buộc các thành viên chính phủ ông Zelensky yêu cầu hối lộ.
Một điểm nóng khác là chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Các video cho thấy cảnh bạo lực trong việc bắt lính thường xuyên lan truyền trên mạng xã hội, làm dấy lên sự phẫn nộ công khai
Hơn 80% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bị phá hủy hoặc hư hại, GDP giảm 30%, và nền kinh tế suy sụp nặng nề. Hàng triệu người dân di tản đang phải đối mặt với điều kiện sống khó khăn. Một số người thậm chí chọn quay lại các khu vực do Nga kiểm soát, bất chấp những rủi ro.
Số thương vong trong cuộc chiến, cả dân thường lẫn quân nhân, là một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các nhóm xã hội dân sự đã ghi nhận ít nhất 60.000 người Ukraine thiệt mạng. Áp lực đối với ông Zelensky ngày càng lớn khi cả trong và ngoài nước kêu gọi hạ độ tuổi nhập ngũ từ 25 xuống 18, điều mà nhiều người lo ngại sẽ chỉ làm gia tăng sự mất lòng tin đối với ông.
Khi ngày bầu cử được công bố, Tổng thống Zelensky sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích từ mọi phía.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc đổ lỗi cho ông vì đã thỏa hiệp với Nga, trong khi những người khác trách ông không thỏa hiệp ngay từ đầu.
Dù sao đi nữa, có vẻ như thỏa thuận hòa bình cuối cùng sẽ không khác xa những gì từng được thảo luận vào năm 2022.
Tuy nhiên, di sản của ông Zelensky không hoàn toàn bị lu mờ. Ông đã giúp bảo vệ phần lớn lãnh thổ Ukraine. Dù vậy, tương lai sẽ thuộc về người kế nhiệm. Nếu Ukraine may mắn, họ sẽ tìm được một nhà lãnh đạo có sức mạnh và tầm vóc như ông, để tiếp tục hành trình tái thiết đất nước.