TP Cần Thơ: Vì sao dải phân cách giao thông đường Trần Hoàng Na lại đẹp mà cầu Cái Răng thì không?
Từ chuyện dải phân cách giao thông mềm trên cầu Cái Răng, TP Cần Thơ thường xuyên hư hỏng, cử tri kiến nghị 8 tháng chưa sửa đã mở rộng thành chuyện về các dải phân cách giao thông trong nội ô.
Vừa qua Thường trực HĐND TP Cần Thơ tổ chức giám sát về việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 16 HĐND TP Cần Thơ.
Cử tri hỏi 8 tháng vẫn chưa sửa được
Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Dũng (Trưởng ban Đô thị HĐND TP) đã nêu lại vấn đề cử tri quận Cái Răng phản ánh dải phân cách mềm trên cầu Cái Răng thường xuyên bị gãy, hư hỏng, kiến nghị ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, đồng thời chọn loại chất liệu thay thế cho phù hợp.
Theo đại biểu Dũng, cử tri có ý kiến rất đúng vì cầu Cái Răng là một trong những cửa ngõ vào TP, là bộ mặt đô thị mà để dải phân cách gãy như thế. Người dân quan tâm vì cứ thấy vài tháng là hư gãy nên muốn hỏi chất liệu cái này như thế nào cho bền, đẹp, chứ không phải vấn đề an toàn.
“Việc này 8 tháng nay rồi chưa sửa được, các đồng chí lý giải dự án trên 100 triệu thì phải đấu thầu gì đó, nhưng người dân người ta đâu cần biết... Đó là cách làm của cơ quan chức năng. Hoặc lúc trước, Phó Chủ tịch HĐND TP cũng quan tâm đến các dải phân cách của các tuyến đường khác như đường Cách Mạng Tháng Tám, rồi rà các tuyến khác xem thế nào, trước mắt là làm đẹp bộ mặt đô thị của TP, nhưng chúng ta làm quá chậm. Đề nghị các đồng chí có quan tâm việc này” – đại biểu Dũng nói.
Ông Nguyễn Xuân Hải – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Cần Thơ đồng ý với quan điểm của Sở GTVT về việc tính mạng con người là trên hết khi bố trí dải phân cách là vật liệu nhẹ để nếu có va chạm thì ít gây tai nạn chết người.
Tuy nhiên, ông chỉ ra, một số tuyến đường hiện nay vẫn bố trí dải phân cách bằng vật liệu sắt nên giải thích của Sở GTVT không hợp lý.
“Đề nghị Sở GTVT nghiên cứu chứ vật liệu nhựa thì đúng là khi va chạm bớt xảy ra tai nạn nhưng loại đó làm chừng ba tháng nắng, mưa là nó bung rồi. Đề nghị Sở GTVT nghiên cứu, chứ trả lời như vậy chưa phù hợp” – ông Hải nói.
Trả lời tại buổi giám sát, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, trước đây toàn bộ dải phân cách của TP làm bằng sắt với ưu điểm là bền và ít duy tu, sửa chữa. Nhưng nhược điểm lớn nhất của loại hình này là khi va chạm vào rất nguy hiểm, thường gãy tay, gãy chân vì nó bằng sắt, nhọn, khả năng lớn gây sát thương khi đâm vào bụng con người. Cạnh đó, độ phản quang rất kém.
“Khắc phục tình trạng này dải phân cách bằng nhựa mềm polyme, nó rất dẻo và có tính đàn hồi, độ phản quang rất tốt, nên chúng ta đã áp dụng cho đường Trần Hoàng Na và hiện nay đưa vào khai thác sử dụng rất là tốt” – ông Lê Tiến Dũng cho hay.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT, hiện nay, Sở và Ban An toàn giao thông đang nhân rộng mô hình này ra và cho biết, sở dĩ chúng ta chưa làm đại trà do là dải phân cách này nó không phải là rẻ. Ví dụ sắt thì 1,3 triệu/m nhưng nhựa 1,7 triệu/m, kinh phí duy tu sửa chữa các quận ở mức hạn chế nên chưa áp dụng đại trà .
Theo ông Lê Tiến Dũng, sở dĩ thời gian vừa qua có vấn đề như đại biểu Nguyễn Văn Dũng nói là Sở GTVT khắc phục mấy cái hư hỏng không kịp thời nên gây ra bức xúc cho người dân, người ta phản ánh hoài.
“Cái này Sở GTVT cũng xin nhận trách nhiệm, chúng tôi cũng hứa khi nó có hư hỏng thì chúng tôi cố gắng kịp thời khắc phục để đảm bảo đúng công năng của nó” – Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ nói.
Ông này cũng nói thêm về việc qua khảo sát những vụ va chạm vào dải phân cách mềm này thấy không ai bị gãy tay, gãy chân… chứng tỏ đã khắc phục triệt để vấn đề sát thương do dải phân cách bằng sắt gây ra.
Đồng thời, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cũng nói sẽ “tiếp thu” và sẽ xem lại chất liệu của dải phân cách hiện nay chúng ta đang xài làm sao có độ dẻo, bền thời gian và khi hư hỏng sẽ khắc phục ngay, kịp thời liền; tính toán xem có loại nào khác nữa không…
"Cán bộ không thông thì sao người dân đồng ý"
Nghe đến đây, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Cần Thơ Nguyễn Xuân Hải phản biện lại rằng ông đồng ý dải phân cách nhựa khi có va chạm thì tỉ lệ bị thương không như loại bằng sắt.
“Nhưng bây giờ trên các tuyến đường của quận Ninh Kiều vẫn sử dụng dải phân cách bằng sắt. Đoạn đường Nguyễn Văn Cừ giao với Nguyễn Văn Linh, lúc trước làm bằng nhựa, mới sửa bằng sắt, nếu bằng nhựa như thế thì sửa bằng sắt làm chi? Giờ tôi đi thấy đoạn Đại học Y dược lên, lúc trước làm bằng nhựa đen, giống như chỗ cầu Cái Răng, nhưng giờ sửa lại bằng sắt rồi. Phải mà lúc trước làm bằng sắt rồi làm nhựa nó khác! Thôi, Sở nghiên cứu lại chứ lấy lý do đó, giải thích vậy, ở đây cán bộ còn không thông thì dân người ta làm sao đồng ý” – ông Hải nói.
Cạnh đó, ông Hải cũng nói đến dải phân cách trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám “không ai đụng vô nhưng mà nắng mưa, triều cường vào mùa là bắt đầu nó bung rồi, người dân thấy bung thì thảy lên, lấy băng keo quấn thấy nhếch nhác lắm”.
“Chỉ không biết sao đường Trần Hoàng Na nó lại tốt hơn những nơi khác, mà không biết có phải mình mua cái loại mắc hơn hay không, mà chỗ đường Trần Hoàng Na không thấy nó bị bung, còn chỗ cầu Cái Răng, bảo đảm đường Cách Mạng Tháng Tám nếu đồng chí Dũng đi về đường này, nó tùm lum hết trơn. Thôi đi kiểm tra lại cho nó chặt chẽ đi! Còn cái mình giải thích thì sao cho nó hợp lý, chứ tôi thấy nó chưa toàn diện” – ông Hải nói thêm.
Theo ông Lê Tiến Dũng, chỗ đường Nguyễn Văn Cừ là do quận Ninh Kiều lắp lại bằng sắt chứ Sở không có ý kiến.
“Dải phân cách của đường Trần Hoàng Na là bằng trụ đôi và đúc đặc, cho nên 1m của nó là gần 4-5 triệu, còn cái của mình là trụ đơn, giữa thanh ngang với thanh dọc liên kết bằng bu-lông cho nên khi va chạm vô nó thường hay bị gãy, tức là độ bền của nó không bằng dự án của Trần Hoàng Na” – ông Dũng giải thích và cho biết, hướng tới sẽ xài theo mẫu của đường Trần Hoàng Na. Loại này nhập từ bên Hàn Quốc về chứ không phải sản xuất trong nước.