TP.HCM chưa quyết phương án xây cầu Thủ Thiêm 4

TP.HCM đang gặp khó trong việc chốt phương án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 do chưa xác định được tĩnh không phù hợp, dù đã có 5 phương án được đưa ra với tổng mức đầu tư dao động từ hơn 4.300 đến gần 9.000 tỉ đồng.

Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Tài chính TP.HCM để báo cáo tiến độ thực hiện các công trình, dự án, đề án trọng điểm TP.HCM. Nổi bật là dự án cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn, kết nối khu đô thị Thủ Thiêm vẫn chưa thể chốt được phương án xây dựng do chưa xác định được tĩnh không.

5 phương án xây cầu Thủ Thiêm 4

Cầu Thủ Thiêm 4 được quy hoạch theo Quyết định ngày 8-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, với quy mô 4 làn xe. Tuy nhiên, qua đánh giá mới nhất của đơn vị tư vấn, việc nâng quy mô lên 6 làn xe (gồm 4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp) là phù hợp với lưu lượng giao thông hiện nay, đồng thời bảo đảm hiệu quả đầu tư về lâu dài.

Hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4 có 5 phương án thiết kế tĩnh không cầu được đưa ra, với tổng mức đầu tư sơ bộ dao động từ 4.365 đến 8.953 tỉ đồng.

Phương án 1 có tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn 10m, quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án khoảng 4.365 tỉ đồng (chi phí xây dựng khoảng 2.978 tỉ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật 1.388 tỉ đồng).

Phương án 2 có tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn 15m, quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án khoảng 4.840 tỉ đồng (chi phí xây dựng khoảng 3.453 tỉ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời HTKT 1.388 tỉ đồng).

 Vị trí dự kiến làm cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Vị trí dự kiến làm cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Phương án 3 có tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn 45m (bằng tĩnh không cầu Phú Mỹ); quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án khoảng 8.031 tỉ đồng (chi phí xây dựng 6.419 tỉ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời HTKT 1.613 tỉ đồng).

Phương án 4 có tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn khi mở/nâng 45m, khi đóng 15m; quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án khoảng 5.709 tỉ đồng (chi phí xây dựng 4.322 tỉ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời HTKT 1.388 tỉ đồng).

Phương án 5 làm hầm vượt sông Sài Gòn, quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án khoảng 8.953 tỉ đồng (chi phí xây dựng khoảng 7.471 tỉ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật 1.483 tỉ đồng).

Vẫn chưa chốt được phương án thiết kế

Trước đây, Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng) từng đề xuất phương án cầu có nhịp nâng hạ từ 15 - 45m để phù hợp cho tàu lớn lưu thông. Tuy nhiên, tháng 8-2024, trong văn bản gửi Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng), UBND TP.HCM cho biết sẽ chọn phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không cố định 15m, vì cho rằng phương án này phù hợp với hoạt động của các tàu nhà hàng trên sông Sài Gòn.

Ngày 12-8-2024, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi thống nhất nghiên cứu quy hoạch vị trí cảng Nhà Rồng - Khánh Hội Quận 4 là “Cảng hành khách quốc tế” và giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (nay là Sở Xây dựng) nghiên cứu cập nhật và nội dung Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc cần đảm bảo tĩnh không đủ cao để các tàu du lịch, tàu biển cỡ lớn ra vào.

Việc này khiến phương án cầu có tĩnh không cố định 15m không còn phù hợp. Do đó, việc lựa chọn phương án cầu sẽ cần xem xét lại toàn diện để đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch phát triển đô thị và logistics đường thủy của TP.HCM.

 Phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng hạ khi có tàu thuyền.

Phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng hạ khi có tàu thuyền.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định cảng Nhà Rồng - Khánh Hội là 1 trong 3 cảng hành khách quốc tế của TP.HCM.

Sở Xây dựng cho biết, tại thời điểm hiện nay, các đồ án Quy hoạch liên quan tới cầu Thủ Thiêm 4 được cấp thẩm quyền phê duyệt chưa có thể hiện tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4. Dự kiến dự án sẽ trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý III-2025.

Vấn đề lớn nhất hiện nay khiến TP.HCM chưa thể lựa chọn phương án cuối cùng là việc các đồ án quy hoạch liên quan chưa xác định rõ tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4. Mặc dù có 5 phương án được nghiên cứu, gồm tĩnh không cố định 10m, 15m, 45m; xây hầm chui; hoặc nhịp chính nâng hạ linh hoạt từ 15m-45m để cho phép tàu lớn qua lại.

Đánh giá về phương án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, đặc biệt là phương án nhịp chính nâng hạ linh hoạt, TS Chu Công Minh, chuyên gia ngành cầu đường, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, giải pháp sử dụng cầu nâng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một thiết kế độc đáo, cho phép tàu thuyền lớn lưu thông linh hoạt mà không cần đến phần đường dẫn chiếm nhiều diện tích như các cây cầu có độ tĩnh không cao cố định.

Tuy nhiên, thiết kế cầu nâng cũng tồn tại một số hạn chế. Đáng chú ý nhất là nguy cơ gây ùn tắc giao thông do các phương tiện phải dừng chờ mỗi lần nhịp cầu được nâng lên để tàu lớn đi qua.

Trong bối cảnh cầu Thủ Thiêm 4 sẽ là trục giao thông huyết mạch kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm với khu Nam Sài Gòn, lượng xe cộ lưu thông dự kiến sẽ rất lớn. Vì vậy, cần nghiên cứu tổng thể ngay từ đầu các phương án thiết kế, điều phối giao thông thủy và tổ chức luồng xe trên toàn tuyến.

Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chiều dài 2,16km, trong đó phần cầu chính dài hơn 1,6km với 6 làn xe. Cầu nhằm thúc đẩy Khu đô thị Thủ Thiêm phát triển, giảm áp lực trên các trục đường hiện hữu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Tân Thuận...

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-chua-quyet-phuong-an-xay-cau-thu-thiem-4-post861339.html