TP.HCM: Đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế

Nhằm đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 ngành, góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao từ đó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) và đại học chia sẻ.

Hội nghị là sự kiện quan trọng của Thành phố, công bố rằng Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đã được xây dựng thành công và triển khai vào thực tế nhằm đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 08 ngành, về tổ chức thí điểm đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin - truyền thông; Trí tuệ nhân tạo; Tài chính - Ngân hàng; Quản lý đô thị.

Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và Đại học chia sẻ được TP.HCM triển khai thực hiện, nhằm đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 08 ngành (gọi tắt là các ngành trọng điểm).

Đề án tổng thể cũng nhằm góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao từ đó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập trong chuỗi gia trị toàn cầu; đáp ứng đổi mới toàn diện giáo dục và xu thế toàn cầu hóa lực lương lao động.

Ngoài ra, Đề án tổng thể nhằm hướng đến xây dựng mô hình Đại học chia sẻ có khả năng kết nối và chia sẻ mạnh mẽ các nguồn lực quan trọng trong giáo dục đại học như: con người, cơ sở vật chất, học liệu dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Chú trọng phát triển học liệu mở trong giáo dục đại học bằng cách đầu tư có hệ thống vào sản xuất và sử dụng học liệu mở để cải thiện chất lượng các chương trình giảng dạy, làm giảm chi phí cho tài liệu học tập và giảng dạy.

Đề án thiết kế, xây dựng và thực hiện 9 Đề án thành phần bao gồm: Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM. Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Cơ khí - Tự động hóa: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Trí tuệ nhân tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM. Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Quản trị doanh nghiệp và Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính - Ngân hàng: Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Y tế: Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Du lịch: Trường Đại học Sài Gòn. Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Quản lý đô thị: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM. Đại học chia sẻ: Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Hội nghị công bố kết quả Đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (08 ngành) và Đại học chia sẻ (ảnh: HCM CityWeb)

Hội nghị công bố kết quả Đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (08 ngành) và Đại học chia sẻ (ảnh: HCM CityWeb)

Thành phố cũng cho biết, các Đề án thành phần được Thành phố đặt hàng các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu xây dựng theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đến nay, có 06/9 Đề án thành phần được nghiệm thu; 02/9 Đề án đang nghiên cứu sẽ nghiệm thu trong năm 2025 và 01/9 Đề án đang thẩm định giao nhiệm vụ.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án thành phần đã nghiệm thu, ngày 07/10/2024, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 6041/KH-UBND về tổ chức thí điểm đào tạo đối với các Đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (08 ngành) và Đại học chia sẻ.

Theo Kế hoạch này, UBND Thành phố tổ chức Hội nghị công bố kết quả Đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (08 ngành) và Đại học chia sẻ; ký biên bản bàn giao kết quả nghiên cứu các Đề án thành phần giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Giáo dục và Đào tạo, ký biên bản bàn giao giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở đào tạo và ký kết tài trợ, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

Việc triển khai thực hiện thí điểm đào tạo đối với các đề án thành phần được nghiệm thu nhằm đánh giá kết quả thực hiện và tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành cơ chế để việc đào tạo trở thành là công việc thường xuyên của Thành phố, thông qua giai đoạn thí điểm đào tạo, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với 04 ngành từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp, nội dung cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện Đề án tổng thể giai đoạn 2025-2035.

Bên cạnh đó, việc triển khai đào tạo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế; phát huy vai trò của các trường thành viên Hội đồng Hiệu trưởng Thành phố trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố, vùng Đông Nam Bộ và cả nước; góp phần xây dựng TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới.

Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện Đề án thành phần; tập trung nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc đào tạo nhân lực theo mục tiêu của Đề án tổng thể; cơ sở giáo dục đại học được giao thực hiện giai đoạn thí điểm đào tạo thực hiện rà soát, đối sánh kết quả thí điểm với kết quả nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ, từ đó hoàn chỉnh sản phẩm Đề án thành phần./.

K.Vân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tphcm-dao-tao-nhan-luc-bac-dai-hoc-va-sau-dai-hoc-co-trinh-do-quoc-te-20241213162424354.htm