TP.HCM đưa hai nhà vệ sinh công cộng chuẩn ASEAN vào phục vụ miễn phí

Ngày 28.5, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (VTA) tổ chức lễ bàn giao các nhà vệ sinh công cộng cho UBND quận 1, TP.HCM để đưa vào sử dụng tại hai địa điểm số 8 Nguyễn Trung Trực và 135 Nguyễn Huệ. Đây là hai nhà vệ sinh thông minh đạt chuẩn quốc tế ASEAN và phục vụ miễn phí.

Theo ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch VTA, các tính năng nổi bật của nhà vệ sinh thông minh công cộng bao gồm cửa tự động đóng mở khi người sử dụng nhấn nút bên ngoài hoặc bên trong; camera quan sát bên ngoài cho người đang sử dụng; hệ thống thông gió, hút mùi, quạt tự động; hệ thống khử khuẩn tự động bằng tia UV và hong sấy; hệ thống rửa sàn nhà vệ sinh tự động; nút báo SOS khẩn cấp đặt ở vị trí thấp dùng trong trường hợp người bị tai nạn té ngã; bồn vệ sinh trang bị cảm biến tự động dội nước…

Nhà vệ sinh công cộng chuẩn ASEAN tại số 135 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi chính thức đưa vào sử dụng ngày 28.5. Ảnh: Quốc Ngọc

Nhà vệ sinh công cộng chuẩn ASEAN tại số 135 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi chính thức đưa vào sử dụng ngày 28.5. Ảnh: Quốc Ngọc

Ngoài ra, các nhà vệ sinh còn có hệ thống quản lý, báo cáo sự cố từ xa thông qua mạng internet. Cụ thể, sử dụng chatbot thông qua ứng dụng di động có thể gửi thông báo sự cố kèm ID nhà vệ sinh đang bị lỗi, tra cứu hiện trạng sử dụng, mã lỗi để xử lý kịp thời, chính xác. Nhà vệ sinh có bảng đánh giá mức độ hài lòng để đánh giá mức độ quản lý, vận hành, giúp cải thiện chất lượng nhà vệ sinh. Bảng báo cáo sự cố khắc phục các sự cố kịp thời giúp cho nhà vệ sinh luôn luôn sạch sẽ, hoạt động tốt.

Cabin vệ sinh thiết kế độc lập, lắp đặt dễ dàng nhanh chóng, không ảnh hưởng đến cảnh quan hiện trạng. Bồn tự hoại nổi, lắp đặt nhanh chóng, mà không cần đào hầm âm xuống, dễ dàng di dời và cơ động, có bơm hút chất thải chủ động, chất thải được tiền xử lý bằng máy băm nhỏ theo công nghệ của Tập đoàn Saniflo (Pháp). Sau khi chất thải nhà vệ sinh đi qua thiết bị sẽ được xử lý, đồng thời trực tiếp đấu nối vào cống thoát nước chung khu vực. Chi phí đầu tư khoảng 635 triệu đồng/cabin.

Các nhà vệ sinh công cộng thông minh được trang bị nhiều thiết bị tự động. Ảnh: Quốc Ngọc

Các nhà vệ sinh công cộng thông minh được trang bị nhiều thiết bị tự động. Ảnh: Quốc Ngọc

Trước đó, ngày 20.4, VTA đã triệu tập cuộc họp ban chấp hành với kết quả 100% thành viên thông qua việc tiếp tục tài trợ đầu tư và lắp đặp các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, giai đoạn 1 từ nay đến cuối năm 2023, VTA cam kết tài trợ cho thành phố thêm 200 nhà vệ sinh công cộng, sử dụng 100% nguồn vốn xã hội hóa. Giai đoạn 2 (từ 2023-2025), tài trợ 500 nhà vệ sinh công cộng.

Ông Hiệp cho biết, hiện VTA đang phối hợp với một số địa phương và sở, ngành TP.HCM để tiếp tục triển khai đầu tư thí điểm một số nhà vệ sinh công cộng được sử dụng từ nguồn vốn xã hội hóa.

“Tuy nhiên, việc đầu tư này chỉ mang tính cấp bách, tình thế và cục bộ ở một số địa phương và một số sở ngành. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế do việc xây dựng chủ yếu dựa vào nguồn vốn tài trợ của một số mạnh thường quân và một số doanh nghiệp”, ông Hiệp nói.

Kiểm tra hệ thống SOS sử dụng trong tình huống khẩn cấp tại nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: Quốc Ngọc

Kiểm tra hệ thống SOS sử dụng trong tình huống khẩn cấp tại nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: Quốc Ngọc

Để phát triển bền vững, theo ông Hiệp, cần liên kết và đồng bộ một mạng lưới nhà vệ sinh hoàn chỉnh thông suốt trên toàn địa bàn thành phố, đảm bảo việc sử dụng các công trình này trong thời gian lâu dài. VTA mong muốn hợp tác với chính quyền TP.HCM xây dựng “Chiến lược xây dựng, kiện toàn hệ thống nhà vệ sinh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm là xây dựng các giải pháp về công nghệ - kỹ thuật, phương thức đầu tư, biện pháp quản lý vận hành hiệu quả, thông qua việc đúc kết từ các bài học kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương triển khai; kế thừa các sáng kiến, nghiên cứu và các thành tựu khoa học trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế, quy hoạch nhà vệ sinh công cộng của Tổ chức nhà vệ sinh thế giới và VTA, áp dụng vào việc lập kế hoạch và triển khai thực hiện việc quy hoạch, đầu tư các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố.

VTA đề xuất hai nhóm đối tượng thực hiện chiến lược trên gồm nhóm cải tạo và xây mới.

Quốc Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-dua-hai-nha-ve-sinh-cong-cong-chuan-asean-vao-phuc-vu-mien-phi-39651.html