TP.HCM kiến nghị tháo gỡ vướng mắc liên quan đến 20% quỹ đất nhà ở xã hội
UBND TP.HCM vừa có kiến nghị gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố, đề xuất chấp thuận phương án cho phép các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không bắt buộc phải bố trí 20% quỹ đất trong dự án để phát triển nhà ở xã hội. Thay vào đó, chủ đầu tư có thể lựa chọn phương án nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất hoặc bố trí nhà ở xã hội tại địa điểm khác phù hợp.
Đề xuất này được Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra trên cơ sở căn cứ vào Luật Nhà ở 2023 và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP. Theo quy định mới, nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội có thể được thực hiện theo ba hình thức: bố trí quỹ đất trong dự án, bố trí tại khu vực khác, hoặc nộp tiền tương đương. Việc lựa chọn hình thức cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
TP.HCM cho biết, các dự án được áp dụng phương án linh hoạt này thường có đặc điểm quy hoạch như: không có đất ở là chung cư theo quy hoạch phân khu 1/2000; dự án chỉ gồm một hoặc nhiều khối chung cư gắn liền với khối đế theo quy hoạch chi tiết 1/500; hoặc diện tích đất 20% không đủ điều kiện để tách thành một dự án nhà ở xã hội độc lập.

Đồng thời, với đặc điểm là đô thị đặc biệt, TP.HCM chỉ phát triển nhà ở xã hội dưới hình thức chung cư, không có loại hình nhà ở riêng lẻ. Do đó, việc cho phép thay thế nghĩa vụ bằng hình thức đóng tiền hoặc bố trí quỹ đất tại vị trí khác được đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã nhiều lần kiến nghị tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc bố trí quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại cao cấp. HoREA cho rằng, việc triển khai nhà ở xã hội trên những khu đất có giá trị cao không khả thi do chi phí xây dựng và giá bán có thể vượt quá khả năng chi trả của các đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội.
Hiệp hội dẫn chứng một số dự án cụ thể tại TP. Thủ Đức và trung tâm thành phố như đường Đồng Khởi, nơi giá đất theo bảng giá nhà nước có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/m², thậm chí vượt xa giá nhà thương mại. Nếu áp dụng xây dựng nhà ở xã hội tại các vị trí này, giá bán sẽ không còn phù hợp với mục tiêu an sinh xã hội.
HoREA đề xuất nên cho phép chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ bằng cách nộp tiền hoặc bố trí đất tại nơi khác phù hợp hơn. TP.HCM có thể sử dụng nguồn thu này để tạo lập quỹ đất nhà ở xã hội tại các khu vực có điều kiện hạ tầng tốt, chi phí hợp lý hơn, đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của người dân thuộc diện thụ hưởng.
Theo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ giao, TP.HCM phải hoàn thành 100.000 căn hộ vào năm 2030. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thành phố mới hoàn tất 6 dự án với quy mô 2.745 căn.
Để đảm bảo tiến độ, trong năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội với tổng số 2.316 căn, khởi công 8 dự án mới với quy mô khoảng 8.000 căn, và phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án khác, dự kiến cung cấp thêm khoảng 20.000 căn.
Thành phố cũng đang tiếp tục rà soát và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tập trung, đồng thời cập nhật vào các đồ án quy hoạch chung, bên cạnh cơ chế điều tiết quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại.