TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 81.500 lao động trong quý IV/2023

Tại Tp. Hồ Chí Minh, dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2023 cần khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với số lượng nhu cầu của mỗi đơn vị trên 100 lao động. Thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Đại diện các cơ quan, ban ngành thông tin tại họp báo

Đại diện các cơ quan, ban ngành thông tin tại họp báo

TP.HCM tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chiều ngày 09/11, trước thực tế lao động bị mất việc làm, thất nghiệp đang có xu hướng tăng tại TP.HCM, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Huỳnh Lê Như Trang thông tin tới báo chí.

Bà Huỳnh Lê Như Trang cho biết, theo thống kê từ số liệu tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong 10 tháng năm 2023, số trường hợp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 142.704 người, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 10,93%. So với đầu quý 2/2023, tình hình người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp tại tháng 10 có dấu hiệu giảm (tháng 6: 17.729 người, tháng 10: 14.227 người).

Số người nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2022 có nhiều nguyên nhân, trong đó ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dẫn đến người sử dụng lao động không tiếp tục ký lại hợp đồng lao động sau khi hợp đồng hết hạn, hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước hạn. Bên cạnh đó, người lao động nghỉ việc ở các tỉnh lân cận TP.HCM đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng góp phần gia tăng số người nghỉ việc cần được giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Bà Huỳnh Lê Như Trang cũng thông tin một số giải pháp tập trung thực hiện những tháng cuối năm như, thực hiện các hoạt động kết nối việc làm qua công tác tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm để giải quyết nhu cầu việc làm và nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, cuối tháng 11/2023 tổ chức 01 sàn giao dịch quy mô lớn, trực tuyến kết nối với 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh và có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn, không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; giám sát tình hình chi trả tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động dịp Tết Nguyên đán.

Phổ biến các chương trình hỗ trợ tổ chức đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, triển khai các hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa nhằm tạo điều kiện học tập thuận lợi cho người lao động góp phần nâng cao năng suất lao động, kỹ năng nghề nghiệp.

Phối hợp với các tỉnh, thành phố đang có lực lượng lao động làm việc và sinh sống tại TP.HCM trao đổi thông tin và có giải pháp phối hợp nhằm trao đổi, phát huy và chia sẻ lợi thế lẫn nhau, thúc đẩy thị trường lao động phát triển cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp, người lao động giữa các địa phương kết nối cung - cầu lao động một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả.

Dự báo về thị trường lao động trong các tháng cuối năm 2023, bà Huỳnh Lê Như Trang cho rằng, tuy thị trường lao động những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn. Song, để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất - kinh doanh dịp Tết, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao, dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2023 cần khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,13% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,69% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,18%.

Sở LĐTBXH cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong những tháng cuối năm đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến, tài chính bảo hiểm, dịch vụ bảo vệ, bất động sản… số lượng nhu cầu của mỗi đơn vị trên 100 lao động. Sở sẽ có những sự kết nối cung - cầu lao động một cách hợp lý, phù hợp để đảm bảo người lao động gặp được người sử dụng lao động.

Sở Công thương TP.HCM dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11-13% so với Tết Quý Mão 2023

Sở Công thương TP.HCM dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11-13% so với Tết Quý Mão 2023

Tết Giáp Thìn 2024: Kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, mất cân đối cung cầu

Chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết, đại diện Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Phương Duy thông tin, hiện diễn biến giá xăng dầu, tỷ giá, giá cả nguyên vật liệu cơ bản biến động phức tạp, tạo áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước, nhất là đối với hoạt động sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán.

Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường có sự chuẩn bị chu đáo kế hoạch sản xuất, chuẩn bị nguyên liệu, tuân thủ nghiêm quy định của chương trình, cung ứng đủ, vượt sản lượng, bán đúng giá do Sở Tài chính công bố, qua đó góp phần điều tiết thị trường, đến nay không để xảy ra đột biến giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Ông Duy cũng cho biết, để chuẩn bị hàng hóa Tết, ngay từ đầu năm, Thành phố đã xây dựng kế hoạch và giao Sở Công Thương chủ trì tích cực triển khai thực hiện. Do đó, trong các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

Doanh nghiệp cũng sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, sẵn sàng bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống. Riêng mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công Thương đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu gạo cho thấy, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu. Sở đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Về sức mua, Sở dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11-13% so với Tết Quý Mão 2023. Về nhóm các mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn, bên cạnh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sức mua các mặt hàng như bánh kẹo, nước giải khát, hoa, quần áo, giày dép, đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình… sẽ tăng mạnh những tháng giáp Tết.

Thùy Linh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tp-ho-chi-minh-can-khoang-81500-lao-dong-trong-quy-iv-2023-20231109233922382.htm