Tràng Định: Ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng phá rừng tự nhiên tái diễnTin khácQuan tâm, gỡ khó cho doanh nghiệp xây dựng trong bối cảnh giá vật liệu tăng caoCảnh sát Nhân dân Công an Lạng Sơn tự hào 60 năm truyền thống vẻ vang

Năm 2020 và 2021, huyện Tràng Định là một trong những điểm 'nóng' về phá rừng tự nhiên. Bước sang năm 2022, lực lượng chức năng huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng trên tái diễn.

Ông Hoàng Ngọc Khôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định cho biết: Thông thường, sau khi phá rừng tự nhiên, người dân thường trồng cây quế, cây thạch đen hoặc trồng xen canh cây thạch đen ngay dưới tán quế. Tình trạng trên diễn ra từ năm 2020. Đặc biệt là trong năm 2021, lực lượng kiểm lâm huyện đã phát hiện, xử lý 15 vụ vi phạm về nội dung này.

Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện, có một số nguyên nhân dẫn đến việc người dân phá rừng tự nhiên. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là việc người dân thiếu đất canh tác.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện Tràng Định thực hiện tuần rừng tại xã Kim Đồng

Cán bộ Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện Tràng Định thực hiện tuần rừng tại xã Kim Đồng

Đối với cây quế, đây là một trong các loại cây chủ lực của huyện Tràng Định và đem lại hiệu quả kinh tế cao (giá vỏ quế dao động từ 20.000 – 21.000 đồng/kg), do vậy, người dân ngày càng có xu hướng mở rộng diện tích. Còn đối với cây thạch đen, từ năm 2020 đến nay, thạch nương có giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg (thạch khô), tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm trước đó. Do giá trị kinh tế của thạch nương đem lại, nhiều người dân đã phá rừng để trồng thạch nương. Bên cạnh đó, người dân trồng thạch nương hiện nay chủ yếu theo phương thức truyền thống. Theo đó, với một diện tích đất rừng chuyển sang trồng thạch, người dân sẽ chỉ trồng trong khoảng 3 – 4 năm. Khi đất hết màu mỡ, một số người dân sẽ di chuyển sang diện tích khác để trồng thạch.

Việc phá rừng tự nhiên để trồng các loại cây khác là trái với quy định của Luật Lâm nghiệp. Điều này có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học cũng như gây nguy cơ xói mòn, sạt lở đất… Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện và chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện Tràng Định đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên.

Từ đầu năm 2022, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức 30 cuộc tuyên truyền và 6 lớp tập huấn (mỗi cuộc có trên 60 lượt người tham gia) cho người dân về các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng.

Về phía chính quyền cơ sở cũng đã triển khai linh hoạt các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Đơn cử như tại xã Trung Thành, xã đã tổ chức cho 145/288 hộ ký cam kết về thực hiện các quy định quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, yêu cầu các hộ nghiêm túc chấp hành quy định trong lĩnh vực lâm nghiệp, tuyệt đối không tự ý phá rừng để trồng các loại cây khác. Theo mục tiêu đề ra, trong 6 tháng cuối năm, xã tiếp tục phấn đấu 100% số hộ có rừng đều thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng.

Ông Nông Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Trung Thành, huyện Tràng Định cho biết: Để đảm bảo lợi ích của người dân, chúng tôi thực hiện tuyên truyền trực tiếp đến các hộ có nhu cầu chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng thạch nương hoặc cây trồng khác trên đất lâm nghiệp cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành. Theo đó, người dân cần thực hiện hồ sơ kê khai các thông tin về đất đai, thông tin về rừng và nhu cầu sử dụng để chính quyền phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành thẩm định. Khi có đủ điều kiện, người dân mới được thực hiện chuyển đổi hoặc mở rộng diện tích trồng.

Ngoài xã Trung Thành, tại các xã từng “nóng” về phá rừng tự nhiên để trồng các loại cây trồng khác như: Đào Viên; Đội Cấn… tỷ lệ các hộ có rừng thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng trong năm 2022 hiện đã đạt trên 50%.

Ngoài các biện pháp trên, đối với một số trường hợp vi phạm, Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định đã tăng cường phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân và lực lượng công an huyện thực hiện điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm để tạo sức răn đe. Đơn cử đầu năm 2022, đơn vị đã tiến hành khởi tố 1 trường hợp phá rừng tự nhiên nhằm mục đích trồng cây khác tại xã Kim Đồng, huyện Tràng Định (vụ việc từ năm 2021 chuyển sang) .

Ông Hoàng Ngọc Khôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết thêm: Tùy vào mức độ vi phạm, mức độ nhận thức pháp luật của từng đối tượng, đơn vị sẽ đưa ra các hình thức xử lý theo quy định. Đối với các trường hợp vi phạm mức độ nghiêm trọng, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm để tạo sự răn đe.

Nhờ đồng bộ các giải pháp, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Tràng Định không xảy ra trường hợp vi phạm nào về phá rừng tự nhiên để trồng các loại cây trồng khác.

GIA KHÁNH

CÔNG QUÂN - GIA KHÁNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phap-luat/514087-trang-dinh-ngan-chan-phong-ngua-tinh-trang-pha-rung-tu-nhien-tai-dien.html