Trang sử mới, sức sống mới trên miền trầm tích lịch sử, văn hóa xứ Đoài

Sơn Tây là vùng đất lịch sử với bề dày truyền thống văn hóa. Dấu ấn lịch sử 555 năm danh xưng Sơn Tây (1469 - 2024), 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây (1924 - 2024) là cơ hội mới, sức sống mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây phát huy hơn nữa truyền thống quê hương, nắm bắt thời cơ, lợi thế, khai thác tiềm năng, chung sức, chung lòng xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Danh xưng “Sơn Tây” và lịch sử thành lập thị xã

Vùng đất Sơn Tây xa xưa thuộc bộ Giao Chỉ - một trong 15 bộ của nước Văn Lang - Âu Lạc thời Hùng Vương - An Dương Vương. Sau này là một trong tứ trấn xung quanh kinh thành Thăng Long xưa, còn gọi là trấn Đoài (hay xứ Đoài).

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Đại Nam nhất thống chí”: Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1469), triều đình Đại Việt có những điều chỉnh tổ chức hành chính, định lại bản đồ toàn quốc. Cả nước chia thành phủ Phụng Thiên và 12 thừa tuyên, bên dưới có các cấp châu, huyện, xã, trang, sách. Trong đó, thừa tuyên Quốc Oai đổi tên thành thừa tuyên Sơn Tây. Từ đây, địa danh “Sơn Tây” chính thức ra đời với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền trung ương của quốc gia Đại Việt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tham quan Làng cổ Đường Lâm, thị xã xã Sơn Tây.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tham quan Làng cổ Đường Lâm, thị xã xã Sơn Tây.

Ngày mồng 4 tháng 4 năm Canh Tuất (1490), vương triều Lê Sơ xác định bản đồ toàn quốc, Quốc gia Đại Việt được phân chia thành 13 “xứ thừa tuyên” là đơn vị hành chính trực thuộc triều đình trung ương, trong đó có xứ thừa tuyên Sơn Tây. Trong khoảng niên hiệu Hồng Thuận (1509 - 1516), vua Lê Tương Dực đổi thừa tuyên Sơn Tây thành trấn Sơn Tây. Đến năm Tân Mão (1831), vua Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính, lập các tỉnh ở phía Bắc, trong đó trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây. Đến ngày 21 tháng 4 năm 1965, theo Nghị quyết số 103/NQ-TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Hà Đông và tỉnh Sơn Tây sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới là tỉnh Hà Tây.

Như vậy, “Sơn Tây” là tên gọi một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương kéo dài gần nửa thiên niên kỷ, suốt từ tháng 4 năm Kỷ Sửu (1469) đến ngày 21 tháng 4 năm 1965.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Đại Nam nhất thống chí”: Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1469), triều đình Đại Việt có những điều chỉnh tổ chức hành chính, định lại bản đồ toàn quốc. Cả nước chia thành phủ Phụng Thiên và 12 thừa tuyên, bên dưới có các cấp châu, huyện, xã, trang, sách. Trong đó, thừa tuyên Quốc Oai đổi tên thành thừa tuyên Sơn Tây. Từ đây, địa danh “Sơn Tây” chính thức ra đời với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền trung ương của quốc gia Đại Việt.

Ngày 30/12/1924, Thống sứ Bắc kỳ ký văn bản gồm 3 điều, trong đó quyết định thành lập một đơn vị hành chính mới làm thủ phủ của tỉnh Sơn Tây gọi là thị xã Sơn Tây gồm 17 đơn vị hành chính bản địa, có giới hạn gồm: Phía Bắc giáp sông Hồng; Phía Tây và Tây Nam giáp địa phận các xã Phú Nhi và Sông Côn; Phía Nam giáp bến quân sự cũ và địa phận xã Đạm Chai (tức Đạm Trai); Phía Đông Nam và phía Đông giáp đê quân sự cũ và địa phận các xã Thuần Nghệ, Phù Sa. Thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Sơn Tây với tư cách là đô thị kiểu phương Tây được chính thức thành lập. Từ năm 1924 đến nay, thị xã Sơn Tây đã trải qua nhiều lần thay đổi, mở rộng địa giới hành chính.

Địa danh “Sơn Tây” tồn tại với tư cách là một địa danh hành chính đã ghi những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam từ thời trung đại đến hiện đại. Cho đến nay (năm 2024), địa danh hành chính Sơn Tây đã tồn tại 555 năm (1469 - 2024), địa danh hành chính thị xã Sơn Tây đã tồn tại 100 năm (1924 - 2024).

Sức sống mới trên miền trầm tích lịch sử, văn hóa

Từ năm Kỷ Sửu 1469 đến nay, đúng 555 năm với biết bao thăng trầm và biến cố thời đại, cùng với dòng chảy của thời gian, Sơn Tây đã trở thành một địa danh có trầm tích lịch sử - văn hóa đặc trưng với 244 di tích, trong đó có 19 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp Thành phố.

Trong những di sản đó, không thể không nhắc đến làng cổ ở Đường Lâm nơi được biết đến như bảo tàng sống về văn hóa, sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, “một ấp sinh hai vua”: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương Ngô Quyền; thành cổ Sơn Tây - công trình kiến trúc quân sự vô cùng độc đáo được xây dựng nửa đầu thế kỷ XIX dưới triều vua Minh Mạng; Văn Miếu Sơn Tây - nơi lưu giữ những dấu tích vẻ vang của tinh thần hiếu học…

Đến thị xã Sơn Tây, khách du lịch được đắm chìm và khám phá những nét đẹp văn hóa xứ Đoài.

Đến thị xã Sơn Tây, khách du lịch được đắm chìm và khám phá những nét đẹp văn hóa xứ Đoài.

Về mặt quân sự, với địa hình bán sơn địa nối liền với vùng núi của huyện Ba Vì, trong suốt chiều dài lịch sử, nơi đây luôn được coi là vùng đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự. Nhân dân Sơn Tây luôn tự hào là một trong những lũy thép bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, Sơn Tây tự hào vì có những đóng góp cho thắng lợi chung của dân tộc: 14.970 nam, nữ thanh niên gia nhập quân đội và hàng ngàn thanh niên xung phong tham gia dân công hỏa tuyến; 1.535 người con đã anh dũng hy sinh, 815 thương binh, 305 bệnh binh, 145 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 9 đồng chí là lão thành cách mạng, 31 cán bộ tiền khởi nghĩa, trên 12.000 người được hưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ các loại.

Cùng với niềm tự hào về mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, trải qua 555 danh xưng, 100 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, người dân Sơn Tây đồng lòng, đồng sức khắc phục khó khăn, thách thức, viết tiếp trang sử truyền thống cách mạng, đoàn kết, quyết tâm khơi dậy tiềm năng văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thị xã được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bầu chọn là đô thị xanh - sạch - đẹp; năm 2006, được công nhận là đô thị loại III của Thành phố. Hằng năm, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân toàn Thị xã tính đến năm 2023 đạt 70 triệu đồng/người/năm. 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo nên một diện mạo nông thôn với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển.

Thị xã Sơn Tây ngày càng khang trang, hiện đại.

Thị xã Sơn Tây ngày càng khang trang, hiện đại.

Nhiều sản phẩm du lịch của Thị xã được du khách biết đến và đánh giá cao như: Du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc Bộ - Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây được trao giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN; Chương trình Tết làng Việt; Giải Vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng; Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài; khai trương và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Đêm hội trăng rằm “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài”… thu hút đông đảo du khách và Nhân dân tham gia.

Thị xã có hai điểm du lịch đã được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận là: Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn. Năm 2023, Thị xã đón hơn 1.175.000 lượt khách du lịch đến với Sơn Tây, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay khẳng định du lịch Sơn Tây đã được lan tỏa cả trong và ngoài nước; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã.

Những kết quả đạt được trong những năm qua là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây tiếp tục vươn lên, phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới với các giải pháp đồng bộ: Khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển các ngành du lịch, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên du lịch quý giá.

Tại Sơn Tây hiện còn giữ nhiều lễ hội lớn, trong đó có Hội Đền Và - lớn nhất xứ Đoài.

Tại Sơn Tây hiện còn giữ nhiều lễ hội lớn, trong đó có Hội Đền Và - lớn nhất xứ Đoài.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - công nghệ vào thực tiễn; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển nguồn nhân lực, văn hóa - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Đoài gắn với thực hiện xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác với các đơn vị kết nghĩa, các địa phương trong và ngoài nước. Chủ động thực hiện xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, hiệu lực, hiệu quả, tập trung lãnh đạo xây dựng Thị xã đến năm 2030 trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Dấu ấn lịch sử 555 năm danh xưng Sơn Tây (1469 - 2024), 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây (1924 - 2024) là cơ hội mới, sức sống mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Sơn Tây phát huy hơn nữa truyền thống quê hương, nắm bắt thời cơ, lợi thế, khai thác tiềm năng, chung sức, chung lòng xây dựng Thị xã ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Kỳ vọng, chặng đường tiếp theo, Sơn Tây tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khơi dậy khát vọng đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, xây dựng Sơn Tây xứng đáng với vị thế đô thị trung tâm xứ Đoài.

Đ.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trang-su-moi-suc-song-moi-tren-mien-tram-tich-lich-su-van-hoa-xu-doai-175667.html