Tranh cãi không hồi kết về 'khu vực cấm trẻ em'

Cafe Kyeri, một trong những quán cà phê nổi tiếng ở khu Itaewon, treo biển cấm khách từ 12 tuổi trở xuống. 'Quán vốn không phải khu vực cấm trẻ em ngay từ đầu', người chủ nói.

Muốn mang đến không gian yên tĩnh và thư giãn cho khách hàng là lý do chủ quán quyết định áp dụng việc hạn chế trẻ nhỏ vào địa điểm của mình từ 6 năm trước, theo Korea Herald.

"Chúng tôi rất muốn đón tiếp cả trẻ nhỏ, nhưng từng xảy ra nhiều sự cố liên quan đến các bậc cha mẹ vô trách nhiệm không dạy được con mình về việc tôn trọng bầu không khí ở quán", chủ quán giải thích.

Cafe Kyeri nằm trong số 451 nhà hàng và quán cà phê trên khắp Hàn Quốc được xác định là "khu vực cấm trẻ em", theo dịch vụ Google Map do một người dùng ẩn danh lập ra. Danh sách các địa điểm không bao gồm hộp đêm và quán bar, nơi trẻ con thường bị cấm vào.

 Dù Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, hàng trăm nhà hàng, bảo tàng, quán cà phê và nhiều cơ sở công cộng ở đây vẫn cấm trẻ em, gây khó khăn cho các ông bố bà mẹ. Ảnh: Korea JoongAng Daily.

Dù Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, hàng trăm nhà hàng, bảo tàng, quán cà phê và nhiều cơ sở công cộng ở đây vẫn cấm trẻ em, gây khó khăn cho các ông bố bà mẹ. Ảnh: Korea JoongAng Daily.

Chia đôi dư luận

Thực tế, số lượng các cơ sở kinh doanh áp dụng đã tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây ở một đất nước luôn phàn nàn về tỷ lệ sinh liên tục giảm.

Số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong độ tuổi sinh sản ở Hàn Quốc ở mức thấp nhất trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Một số người cho rằng đó là sự phân biệt đối xử trắng trợn đối với một nhóm người nhất định và sẽ không giúp ích gì cho nỗ lực khuyến khích sinh đẻ đang được đẩy mạnh hết cỡ. Những người khác thể hiện quan điểm chủ sở hữu doanh nghiệp có quyền quyết định việc kinh doanh của họ.

Các chủ doanh nghiệp chọn không cho phép trẻ nhỏ vào cơ sở của họ thường viện dẫn những lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến hành vi không thể đoán trước của một số trẻ em.

Họ nói rằng nếu tai nạn liên quan đến những đứa trẻ như vậy xảy ra, các tòa án có xu hướng đứng về phía nạn nhân.

Năm 2008, một tòa án quận Daegu đã yêu cầu chủ một nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc bồi thường 11 triệu won (8.300 USD) cho gia đình của một đứa trẻ 24 tháng tuổi. Đứa trẻ bị bỏng sau khi va chạm với một nhân viên đang di chuyển lò nướng.

Tòa án cho rằng cả hai bên đều có lỗi, lưu ý rằng đứa trẻ đang di chuyển bên trong nhà hàng và nhân viên lẽ ra phải nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh.

 Khách hàng xếp hàng trước Menten ở Myeong-dong, một nhà hàng không tiếp khách trẻ em. Ảnh: Korea Herald.

Khách hàng xếp hàng trước Menten ở Myeong-dong, một nhà hàng không tiếp khách trẻ em. Ảnh: Korea Herald.

Năm 2013, tòa án quận Busan cũng yêu cầu người chủ và nhân viên của một nhà hàng phải bồi thường 41 triệu won cho cha mẹ và đứa con 10 tuổi của họ trong một vụ việc tương tự xảy ra năm 2011.

Nhân viên đã vô tình làm đổ nước nóng lên đứa trẻ sau khi đụng vào đứa trẻ đang chạy về khu vui chơi được lắp đặt trong địa điểm. Tòa án cho biết người sử dụng lao động và người lao động có lỗi 70% trong việc gây bỏng cho trẻ nhỏ.

Các vấn đề pháp lý là một trong những lý do để các nhà hàng và quán cà phê thiết lập "no-kids zone". Còn một số lại làm vậy để phục vụ sở thích cá nhân của họ hoặc của khách hàng.

"Nhà hàng của tôi không phục vụ khách nhỏ tuổi, không phải vì tôi không muốn, mà vì không có đủ chỗ ngồi và thấy món ramen mình bán quá cay để cho lũ trẻ ăn", chủ một nhà hàng mì ramen kiểu Nhật ở khu Myeong-dong cho biết.

Có phân biệt đối xử với trẻ con?

Một bộ phận người dân ủng hộ quyết định thực hiện chính sách cấm trẻ em của các bên cung cấp dịch vụ bắt nguồn từ chuyện nhiều phụ huynh không giám sát được những đứa con nghịch ngợm ở nơi công cộng.

Theo cuộc khảo sát do nhóm nghiên cứu địa phương Embrain công bố vào tháng trước, 61,9% người Hàn Quốc tin rằng việc có các khu vực như vậy ở nước này là chấp nhận được. Trong số các cặp vợ chồng có con, 53,6% nói đồng tình. Nghiên cứu khảo sát 1.000 công dân Hàn Quốc từ 18 tuổi trở lên.

 Đại diện đảng Basic Income Yong Hye In phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 5/5. Ảnh: Facebook/Yong Hye In.

Đại diện đảng Basic Income Yong Hye In phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 5/5. Ảnh: Facebook/Yong Hye In.

Giải thích lý do đằng sau, hơn 62% chỉ ra "cha mẹ không kiểm soát được con cái của họ". Một câu trả lời phổ biến khác là "quyền không bị quấy rầy bởi trẻ nhỏ" của khách hàng.

Các nhà nghiên cứu của Embrain tin rằng cuộc khảo sát cho thấy có một mức độ đáng kể sự bất mãn của công chúng đối với các bậc cha mẹ để con làm ồn, nghịch ngợm ở nơi công cộng.

Do đó, khu vực cấm trẻ con có thể là một cách để giải quyết các vấn đề trước khi chúng phát sinh.

Chiều hướng khác, năm 2017, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc gọi đây là hành vi phân biệt đối xử, với lý do "quyền của trẻ em không phải đối mặt với sự phân biệt đối xử cần được ưu tiên hơn quyền của chủ doanh nghiệp”.

Mặc dù quan điểm của cơ quan này có ảnh hưởng trong thảo luận công khai, nhưng nó không ràng buộc về mặt pháp lý. Do đó, một số chính trị gia đã khởi xướng các chiến dịch đòi bãi bỏ "no-kids zone".

“Ngày nay, các quán cafe và nhà hàng nổi tiếng trên mạng xã hội Instagram, thậm chí cả thư viện công cộng, trở thành ‘khu vực cấm trẻ em’ mà không dựa trên cơ sở hợp lý”, nghị sĩ Yong Hye In của đảng Basic Income phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc hôm 5/5, trên tay là cậu con trai 23 tháng tuổi.

Koo Jeong-woo, giáo sư Xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan, cho biết sự tồn tại của những khu vực như vậy không chỉ cô lập trẻ nhỏ mà cả các bà mẹ.

“Nhìn bề ngoài, khu vực cấm cấu thành sự phân biệt đối xử với trẻ em, nhưng thực chất họ phân biệt đối xử với các bà mẹ ở cốt lõi. Việc quản lý hành vi của con nhỏ ở nơi công cộng nên là vấn đề cá nhân và không phải là điều cần được quy định bởi những nơi như vậy".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-cai-khong-hoi-ket-ve-khu-vuc-cam-tre-em-post1438828.html