Tranh cãi về ứng dụng chứng nhận tiêm vaccine của Ấn Độ

Trong tháng 9, Anh thống báo sẽ miễn cách ly bắt buộc với công dân 17 quốc gia nếu họ đã tiêm đầy đủ vaccine COVID-19 khi nhập cảnh Anh. Tuy nhiên, Ấn Độ không nằm trong số này.

Người dân làng xếp hàng đăng ký tiêm vaccine COVID-19 tại làng Nizampur, New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: AP

Người dân làng xếp hàng đăng ký tiêm vaccine COVID-19 tại làng Nizampur, New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: AP

Kênh DW (Đức) cho biết thay đổi đối với quy định đi lại có hiệu lực từ 4/10 đã khiến nhiều người dân Ấn Độ bất bình bởi ứng dụng chứng minh đã tiêm vaccine COVID-19 của họ là CoWIN không được công nhận.

Cả hai phía vẫn bàn luận về tính tương thích của ứng dụng CoWIN với ứng dụng NHS của Anh. CoWIN cung cấp dữ liệu về những người đã tiêm vaccine COVID-19 tại Ấn Độ. Giới chức Anh đã hoài nghi về tính chính xác của dữ liệu CoWIN. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác đang xem xét áp dụng công nghệ này của Ấn Độ.

Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla đề cập đến việc Anh không nới lỏng hạn chế với người dân Ấn Độ tại một hội thảo báo chí: “Vaccine Covishield được cấp phép là sản phẩm của công ty Anh sản xuất tại Ấn Độ. Chúng tôi đã cung cấp 5 triệu liều Covishield cho Anh theo đề nghị của chính phủ nước này. Chúng tôi hiểu rằng loại vaccine này đã được sử dụng trong hệ thống y tế quốc gia của họ. Do vậy, việc không ghi nhận Covishield là một chính sách mang tính phân biệt và gây ảnh hưởng đến những công dân của chúng tôi khi nhập cảnh Anh”. Ấn Độ đã cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca được sản xuất với 2 tên thương mại là Vaxzervria và Covishield. Chúng đều là một loại vaccine nhưng được sản xuất ở địa điểm khác nhau. Covishield do Viện Huyết thanh (Ấn Độ) sản xuất tại Pune và được sử dụng chính trong chương trình tiêm chủng của Ấn Độ.

Trong hơn 850 triệu liều COVID-19 được phân phối tại Ấn Độ, có tới 737 triệu liều (khoảng 88%) là Covishield.

Giới chức Anh đã đồng ý bổ sung vaccine Covishield vào danh sách cập nhật về đi lại quốc tế, sau chỉ trích từ phía Ấn Độ. Tuy nhiên, du khách Ấn Độ đã tiêm 2 liều Covishield vẫn phải trải qua 10 ngày cách ly tại Anh dù đã có sửa đổi.

Trong khi đó, chuyên gia virus Shahid Jameel chia sẻ với DW: “Nó không chỉ xoay quanh vaccine, Anh đang băn khoăn về chứng chỉ vaccine của Ấn Độ. CoWIN là một ứng dụng tốt để sử dụng và do đó hãy xử lý vấn đề bằng khoa học”.

Giáo sư Gautam Menon tại Đại học Ashoka chia sẻ: “Tôi cho rằng không có lý do gì để các quốc gia băn khoăn về chứng nhận CoWIN. Quá trình xác nhận hoàn toàn được đảm bảo”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 27/9 đã ca ngợi CoWIN và tuyên bố rằng “chưa có hệ thống nào quy mô như CoWIN từ việc đăng ký cho đến chứng nhận”. Thủ tướng Modi nhấn mạnh: “Vaccine COVID-19 đã dành cho tất cả mọi người dựa trên chiến dịch tiêm chủng miễn phí. Ấn Độ đã tiêm khoảng gần 900 triệu liều vaccine COVID-19 và CoWIN đóng vai trò lớn trong đó”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tranh-cai-ve-ung-dung-chung-nhan-tiem-vaccine-cua-an-do-20210929160726567.htm