Tranh luận

Ở đâu có tranh luận, ở đó chân lý có cơ may xuất hiện. Vì thế, dân ta hăng hái tranh cãi từ bàn trà cơ quan đến hội bỉm sữa. Họ nói nên bỏ trường chuyên lớp chọn vì chỉ mang lại áp lực học tập nặng nề. Mai sau con cái có nguy cơ trở thành gà công nghiệp.

Có phụ huynh ra sức đẩy con mình vào học trường chuyên để có cái mà tự hào. Có người viện dẫn những học sinh xuất sắc sau này vẫn làm thuê cho học sinh yếu nhưng bươn chải vào nghề, phát triển bản thân sớm.

Thực ra cái nên bỏ nhất là những tranh luận vô bổ. Sự khăng khăng theo ý cá nhân để áp đặt lên người khác là điều luôn luôn sai. Mỗi người có góc nhìn, xuất phát điểm khác nhau. Sự lựa chọn chỉ dành cho người phù hợp.

Nói rộng ra, tất cả các trường đại học đều là trường chuyên để tạo ra những chuyên gia cho những ngành khác nhau. Mô hình này có thể sẽ có những cá nhân tinh hoa vượt trội tầm thế giới. Ở cấp độ phổ thông, trường chuyên là cấp độ sớm hơn mà thôi. Đã là dân chuyên thì đã có năng lực phù hợp nên việc học tập luôn có thành tích tốt và áp lực học tập không phải là quá ngưỡng. Những học sinh năng lực hạn chế do phụ huynh quyết tâm "đẩy" vào chuyên thì giống như phải "kiễng" để hoàn thành chương trình tất nhiên sẽ không chịu đựng nổi.

Góc nhìn dễ hiểu hơn nếu lấy thí dụ đào tạo cầu thủ. Việc tuyển chọn vận động viên bắt đầu từ các học sinh nhi đồng có năng khiếu, có thể hình phù hợp. Quá trình học tập tại các trung tâm, học viện thể thao sẽ sàng lọc, để còn lại không nhiều những vận động viên đỉnh cao. Những người này không chỉ đem về thành tích cho thể thao Việt Nam, là niềm tự hào của đấng sinh thành mà còn mang lại một cuộc sống sung túc cho đại gia đình và giúp đỡ họ hàng.

Vấn đề chỉ là đánh đổi. Học chuyên tất nhiên không thể đầu tư dàn trải, được hưởng thụ mọi sân chơi mà phải chuyên tâm, nỗ lực bỏ ra trí não và mồ hôi. Ở đây không có khái niệm "Học mà chơi" kiểu đại trà. Ai đánh giá được bản thân và lựa chọn phù hợp thì thành công. Cuộc sống có nhiều lựa chọn và phải lựa chọn một cách thông thái chứ không cần tranh cãi bỏ hay không bỏ trường chuyên.

Một cơn sốt tranh cãi ỏm tỏi nữa là "Giọng Vinh chuẩn hơn Hà Nội". Một người phàn nàn rằng: "bạn bè người miền Bắc của tôi hầu như không phân biệt ch/tr, s/x… phát âm hươu thành "hiêu", rượu thành "riệu"... thì bạn bè miền Nam cũng "không thua kém" khi hoa/qua đều thành "goa", con thành "coong", bàn (bạc) thành bàng…

Vậy thế nào là chuẩn không phải chỉnh? Trước tiên cần phân biệt rõ chính tả và chính âm. Tiếng nói có trước, chữ viết có sau. Chính tả là viết đúng theo quy ước. Những quy ước này được xây dựng, sửa đổi theo thời gian chứ không phải bất biến. Bây giờ đọc lại các văn bản Quốc ngữ từ thời nhà sáng tạo quốc ngữ như Francisco de Pina hay Alexandre de Rhodes thì sẽ thấy kinh ngạc vì sự khác nhau với chính tả thời nay.

Các nhà sáng tạo quốc ngữ ban đầu thâm nhập vào miền Trung, sau đó vào miền Nam nên các thu hoạch, ký âm của họ mang dấu vết miền Trung rất rõ. Thí dụ các phụ âm R, Tr, S… Sau đó các quy ước đó lan tỏa cả ba miền nên tất cả học sinh đều tuân thủ các quy ước này mặc dù cách ghi chưa phản ánh đúng âm thanh của họ. Thí dụ đọc âm chữ Lan của người âm thanh vang lên của người Nam là Lang chứ không phải Lan. Chữ ghi âm không thể ghi được toàn bộ âm thanh là chuyện bình thường.

Vậy chính âm không nhất thiết song hành cùng chính tả. Cùng một chữ "rượu", miền Nam đọc là "rựu", còn miền Bắc thì là "diệu." Chính âm mỗi vùng hình thành từ nhiều đời nên không thể áp đặt chuẩn của vùng khác lên vùng này được. Chỉ vì tranh cãi mà có cô tên Châu cứ phải ra sức cắt nghĩa em là châu ngọc chứ không phải trâu cày. Thứ tiếng nào cũng có ưu thế trong một bối cảnh nhất định. Tùy tình huống mà sử dụng. Cô sinh viên Khánh Vy rất nổi tiếng trên mạng xã hội khi có thể nói đủ giọng các tỉnh của Việt Nam mà người địa phương tưởng như cô là đồng hương.

Không có vùng nào chuẩn hơn vùng nào. Tuy nhiên, khi đài phát thanh dùng âm thanh Hà Nội thì là quy ước phổ thông. Quy ước này cho thấy sự tiện lợi của một dòng chính âm khi chuyển tải thông tin.

Giọng Hà Nội từ xưa không có R, TR, S. Thực tế họ nói tất cả R thành D, TR thành CH, S thành X. Bức tranh thì họ nói là bức chanh. Tuy nhiên, khi viết vẫn phải đúng chính tả, bởi chính tả là một cách tách nghĩa của các từ cùng âm.

Hiện tượng đáng lo là người Hà Nội hiện nay đang thay đổi chính âm so với chuẩn phát thanh. Hiện tượng thêm âm I vào trước một số nguyên âm khiến âm thanh bị nhão. Thí dụ: mèo, dẻo sẽ là mìeo, dỉeo… Phụ âm CH có xu hướng nặng hóa thành TR. Thêm nữa là uốn cong các thanh bằng tạo ra âm thanh không còn ngay ngắn. Các MC, giọng đọc lời bình thường biến dạng, mất dấu thanh điệu.

Nên "buông" cho thói quen phát âm tự điều chỉnh hay cần sự lên tiếng của các nhà nghiên cứu âm thanh vùng miền để giữ gìn bản sắc âm thanh riêng có. Xin mời các chuyên gia lên tiếng!

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/tranh-luan-i699742/