Tránh rủi ro suy tim nhờ thay van động mạch chủ kịp thời cho bệnh nhân cao tuổi

Bà Nguyễn Thị Vân (68 tuổi, sống tại Hà Nội) xuất hiện tình trạng khó thở và mệt mỏi mỗi khi gắng sức. Nghĩ rằng bị bệnh liên quan đến đường hô hấp, bà đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và bất ngờ phát hiện bị… hẹp van động mạch chủ khít.

Hẹp van động mạch chủ sẽ làm cản trở lưu thông máu chứa oxy và dưỡng chất đến các cơ quan trong cơ thể. Đây là bệnh van tim thường gặp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hẹp van động mạch chủ được chia thành 3 mức độ: hẹp nhẹ, vừa và khít. Mức độ hẹp van tim càng tăng, rủi ro càng lớn. Ở trường hợp của bà Vân là hẹp van động mạch chủ khít nên sẽ cần phải can thiệp thay van càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy tim.

Vào đầu tháng 6/2023, bà Vân đã được thay van động mạch chủ thành công qua da với sự thực hiện của BS.CKI Nguyễn Đức Hưng - Phó khoa Tim mạch BVĐK Tâm Anh Hà Nội và cộng sự. Trong lần tái khám gần nhất, bà cho biết các triệu chứng khó chịu như khó thở, mệt mỏi, thở bằng miệng khi ngủ đã giảm dần và biến mất. Van tim mới thay hiện đã ổn định và sức khỏe cũng được phục hồi tốt dần lên.

 Ê-kíp bác sĩ tim mạch BVĐK Tâm Anh Hà Nội đang thực hiện ca can thiệp thay van động mạch chủ qua da cho bệnh nhân 68 tuổi. Ảnh: BVCC

Ê-kíp bác sĩ tim mạch BVĐK Tâm Anh Hà Nội đang thực hiện ca can thiệp thay van động mạch chủ qua da cho bệnh nhân 68 tuổi. Ảnh: BVCC

Nói về thay van động mạch chủ qua da, bác sĩ Hưng nhấn mạnh đây là kỹ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu nhưng khâu chuẩn bị phải kỹ lưỡng để đánh giá toàn bộ ca bệnh. Trước khi can thiệp, người bệnh được chụp cắt lớp vi tính hệ mạch máu và buồng tim để lựa chọn kích cỡ van. Van động mạch chủ của bà Vân bị vôi hóa nhiều nên van mới cần ép sát toàn bộ lá van vào thành mạch để cho kết quả tối ưu mà không có biến chứng xảy ra.

Dưới sự quan sát bằng hệ thống robot chụp mạch Artis Pheno trong phòng can thiệp hybrid hiện đại, mạch máu sẽ hiện rõ nhờ công nghệ xóa nền, giúp bác sĩ xác định và đưa van đến vị trí chính xác. Van nhân tạo được đẩy ra khỏi ống thông bung ra và hoạt động thay van tim đã hỏng.

 Đặt van động mạch chủ nhân tạo Sapien 3. Ảnh: BVCC

Đặt van động mạch chủ nhân tạo Sapien 3. Ảnh: BVCC

Khác với phương pháp truyền thống là phẫu thuật tim hở, thay van động mạch chủ qua da sẽ hạn chế tối đa xâm lấn. Bệnh nhân không cần phải cưa xương ức bởi như vậy có thể ảnh hưởng đến hô hấp và để lại sẹo sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, phẫu thuật tim hở cần thời gian và phục hồi lâu hơn. Đặc biệt, bệnh nhân sau thay van sẽ cần phải dùng thuốc chống đông, ăn uống kiêng khem kỹ càng. Ngược lại, với phương pháp thay van động mạch chủ qua da, bệnh nhân không cần gây mê toàn thân nên giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Phương pháp này chỉ can thiệp qua một ống thông siêu nhỏ giúp bệnh nhân giảm tình trạng mất máu, giảm đau, chỉ khoảng 2 - 3 ngày là ra viện và tốc độ phục hồi sức khỏe nhanh so với mổ mở.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, phương pháp thay van động mạch chủ qua da đã được áp dụng trong nhiều năm qua. Ở Việt Nam, kỹ thuật này mới được thực hiện tại một số bệnh viện lớn bởi sự phức tạp, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và sự phối hợp từ nhiều chuyên khoa khác nhau như phẫu thuật, nhịp học, nội khoa, hồi sức,... Tuy nhiên, kết quả điều trị trên bệnh nhân sau khi áp dụng rất khả quan, tốc độ phục hồi nhanh hơn so với các phương pháp trước đây. Đây hứa hẹn sẽ là kỹ thuật sẽ thay thế dần các phương pháp mổ mở truyền thống.

Hạnh Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tranh-rui-ro-suy-tim-nho-thay-van-dong-mach-chu-kip-thoi-cho-benh-nhan-cao-tuoi-post251734.html