Trao thuyền cho vùng lũ - Sự kết nối yêu thương

Những ngày đầu tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to, kéo dài nhiều ngày gây ra lũ lụt trên diện rộng, làm thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Đối diện với đợt lũ lụt lịch sử, một trong những nhu cầu bức bách đang đặt ra là ở những vùng ngập lụt nặng cần được trang bị thuyền loại nhỏ để cứu hộ, cứu nạn người dân mỗi khi địa bàn bị chia cắt. Nắm bắt nhanh nhạy tình hình thực tế, chia sẻ sâu sắc với nhu cầu thiết yếu của người dân, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị đã sốt sắng vào cuộc, kêu gọi, vận động và tự mình đóng góp với mục đích cần đạt tới là mỗi thôn vùng ngập lũ của tỉnh sẽ được tặng một chiếc thuyền ngay trong năm 2020…

 Mẫu thuyền mũi dài tặng cho đồng bào vùng lũ đồng bằng -Ảnh: P.V

Mẫu thuyền mũi dài tặng cho đồng bào vùng lũ đồng bằng -Ảnh: P.V

Đến được nhưng không… vào được!

Những ngày đầu tháng 10/2020 rồi sẽ đi vào lịch sử miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng như là một cột mốc ghi dấu sự tàn phá khốc liệt nhất của thiên tai trong vòng mấy thập niên trở lại đây. Đặc biệt, trong 2 ngày 17 và 18/10, Quảng Trị lại hứng chịu một đợt mưa với cường suất đặc biệt lớn, làm ngập lụt nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh, khiến hơn 80/124 xã, phường, thị trấn với hơn 54.000 hộ, gần 200.000 người bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ, ngập lụt, nhiều nơi trở thành “túi nước”, bị ngập và cô lập hoàn toàn.

Trò chuyện với chúng tôi sau những dịp đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt trở về, anh Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị cho biết, có một thực tế là khi nước ngập sâu, biết nhiều người dân cần được ứng cứu nhưng địa phương lại chưa được trang bị phương tiện cứu hộ dù có sẵn lực lượng tại chỗ nên chưa đáp ứng kịp thời. Trong khi đó, lực lượng, phương tiện cứu hộ của huyện, của tỉnh và lực lượng vũ trang chủ yếu tập trung ứng trực ở địa bàn ngập lụt xung yếu, bị cô lập nên nếu di chuyển phải mất nhiều thời gian mới tiếp cận, bao quát được những điểm mà người dân cần kíp di dời. Nếu trên địa bàn từng thôn có sẵn phương tiện ứng cứu tại chỗ, cụ thể là thuyền chèo tay, thuyền gắn máy cỡ nhỏ để người dân tự cứu nhau thì mọi chuyện sẽ an toàn, kịp thời, thuận lợi hơn…

Anh Hồ Xuân Hiếu chia sẻ: Ngày 13/10 và suốt 3 ngày 18, 19, 20/10/2020, khi nước lũ lên nhanh, chúng tôi tập trung cứu trợ trên địa bàn thành phố Đông Hà, Triệu Phong, rồi sau đó ra Vĩnh Linh. Tận mắt nhìn thấy các thùng bánh mỳ, thùng cơm nóng hổi đã được tập kết trên những chỗ cao trong lúc người dân tại các làng xóm ngập lụt phải nhịn đói, nhịn khát do không thể đưa vào được vì không có thuyền, lòng chúng tôi như có lửa đốt. Khi đi cứu trợ những nơi ngập sâu, đoàn đi bằng ca nô, bề ngang tương đối lớn nên chỉ vào được sân vườn, trong lúc người cần nhận hàng cứu trợ, người cần di dời thì ở trong nhà, khoảng cách xa, không tiếp cận được. Nếu người dân bơi lội ra tận ca nô để nhận hàng cứu trợ thì sẽ bất tiện và nguy hiểm. Lúc đó mọi người cùng có suy nghĩ, trăn trở giống nhau: Giá như mỗi thôn có một chiếc thuyền để tự cứu nhau, phân phát thức ăn, nước uống thì hay biết mấy. Trăn trở này được các anh, chị trong Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị thảo luận sôi nổi, sau đó thống nhất, bắt đầu từ ngày 25/10/2020 phát động phong trào “Tặng thuyền cho bà con vùng lũ Quảng Trị” với mong muốn mỗi thôn vùng ngập lũ của tỉnh sẽ được tặng một chiếc thuyền trong năm 2020.

Biến trăn trở thành hiện thực

Tiếp tục câu chuyện, anh Hiếu cho biết bằng trực quan cũng có thể thấy nhà ở vùng nông thôn Quảng Trị thường có cửa chính rộng khoảng 1,6 mét. Nếu có thuyền bề ngang nhỏ hơn 1,6 mét thì khi ngập lụt có thể đi vào trong nhà được. Một điểm cần lưu ý nữa là phải thiết kế thuyền dạng đáy phẳng để giữ được sự ổn định trong quá trình di chuyển và ai cũng có thể điều khiển được dễ dàng. Đầu mũi thuyền dành một chỗ khoảng 1m2, tương đối bằng phẳng để tiện cho việc đi lên, xuống, cứu hộ thuận lợi. Thuyền làm bằng vật liệu composite độ bền lên tới 20 năm. Nếu nước vào trong thuyền thì thuyền cũng không chìm. Nếu không may lật thuyền thì chiếc thuyền sẽ biến thành phao cứu sinh rất tiện dụng. Độ dài của thuyền chỉ chừng 5,6 mét nhưng bề ngang chưa đầy 1m nên lực cản giữa thuyền và nước thấp, khi chèo, thuyền cơ động khá nhanh.

 Mẫu thuyền mũi cong tặng cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng lũ ở miền núi -Ảnh: P.V

Mẫu thuyền mũi cong tặng cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng lũ ở miền núi -Ảnh: P.V

Để biến những trăn trở, ý tưởng thành hiện thực, anh Hiếu đi ô tô qua suốt dãi đất miền Trung có nơi đang bị ách tắc vì mưa lũ, mất hai ngày hai đêm để vào tận Nhà máy đóng thuyền composite KGC Kiên Giang đặt hàng. Vào đến nơi, anh đã chọn hai mẫu thuyền, một cho vùng đồng bằng và một cho vùng miền núi. Đối với thuyền cho vùng đồng bằng thì bề ngang phải nhỏ hơn 1m để có thể vào đến tận trong nhà khi nước ngập, đáy phẳng để tạo sự ổn định. Đối với thuyền vùng miền núi thì thiết kế cong hai đầu, thành thuyền cao hơn, bề dài ngắn hơn để thích ứng với dòng chảy mạnh của sông suối, có độ dốc cao. Đáng mừng là Nhà máy đóng thuyền composite KGC Kiên Giang đã hỗ trợ tích cực, tăng ca, đẩy nhanh tiến độ kịp đáp ứng nhu cầu sản xuất 424 chiếc thuyền cho Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị không tính tiền lãi. Giá mỗi chiếc thuyền giao tại Quảng Trị là 6 triệu đồng. Một số lô thuyền đầu tiên về Quảng Trị đã kịp tham gia ứng phó với cơn bão số 11,12,13.

Thật cảm động và rất bất ngờ, sau khi phát động phong trào “Tặng thuyền cho bà con vùng lũ Quảng Trị” Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước. Ban đầu phải kể đến Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ 380 triệu đồng và 2 chiếc ca nô lớn, kế đến là gia đình anh Long, anh Lương Trường (ở Nhật Bản), anh Dũng (ở Lào), đặc biệt có nhiều anh chị ủng hộ đến 2 lần như chị Diễm Thúy (TP. Hồ Chí Minh), chị Liên (Công ty Ân Điển, Đà Nẵng), Hội Nông ngư cơ phía Nam, chị Hải (Đông Hà)… Hay như gia đình ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh đã nhiều lần ủng hộ tiền, vật chất cho miền Trung rồi mà vẫn hào phóng tặng 10 chiếc thuyền có gắn máy cho huyện Hải Lăng. Đến ngày 11/12/2020, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị đã nhận được 2.326.600.000 đồng và 5 chiếc thuyền, đạt được mốc 429 chiếc thuyền các loại để tặng cho mỗi thôn một chiếc (có một số thôn ở vùng miền núi, vùng sát cửa biển nước thường hay chảy xiết chưa tặng trong đợt này), hội đang tiếp tục đưa thuyền về cho bà con...

Mong có một giải đua thuyền mang tên “Nghĩa tình vượt lũ”

Anh Hồ Xuân Hiếu cho biết: “Cho đến nay, chương trình cơ bản đã hoàn thành, thuyền đã về với người dân vùng thấp lũ nhưng công việc của chúng tôi chưa dừng lại ở đây. Đối với những đơn vị, cá nhân hảo tâm đóng góp kinh phí để đóng thuyền, chúng tôi tặng Bằng ghi nhận tấm lòng vàng, trong đó ghi rõ số thuyền của đơn vị, cá nhân đã tặng hiện ở địa phương nào đang sử dụng, kèm theo số điện thoại của trưởng thôn để tiện theo dõi, giám sát. Mỗi thuyền đều có hồ sơ cụ thể, kể cả tên, địa chỉ, số điện thoại người quản lý, người điều khiển phương tiện. Chúng tôi cũng đang xúc tiến việc viết phần mềm quản lý thuyền cứu hộ, hướng tới sự tiện ích là khi có lũ lụt, cần cứu hộ, người dân chỉ cần kích vào phần mềm, sẽ biết được có thuyền nào gần nhất, kèm theo số điện thoại để liên lạc”...

Trong mạch câu chuyện về thuyền cứu hộ, chúng tôi cùng chia sẻ về ý tưởng hằng năm vào độ xuân về, tết đến, nếu điều kiện cho phép, sẽ nghiên cứu tổ chức một giải đua thuyền mang tên “Nghĩa tình vượt lũ” chẳng hạn. Đây không chỉ là việc thể hiện sức mạnh và ý chí tập thể để giành chiến thắng trong một giải thể thao, mà còn là dịp đánh giá công tác duy tu, bảo dưỡng phương tiện, khả năng cơ động, làm chủ phương tiện để ứng cứu hộ, cứu nạn, phát huy hiệu quả phương tiện trong phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai tại cơ sở.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154445