Trẩy hội cụ Nguyễn: Hành trình về miền đất anh hùng

Nguyễn Trung Trực - người anh hùng dân tộc nổi tiếng với câu nói: 'Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây' đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Miền Tây nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Hằng năm, vào những ngày cuối tháng 8 Âm lịch, tại tỉnh Kiên Giang, hàng ngàn du khách thập phương tề tựu về dự lễ tưởng niệm ngày hy sinh của ông và cùng tham gia vào những hoạt động văn hóa đặc sắc, trải nghiệm không khí trang trọng và thiêng liêng của một vùng đất anh hùng.

Du khách thập phương "trẩy hội" cụ Nguyễn

Du khách thập phương "trẩy hội" cụ Nguyễn

Đến hẹn lại lên, năm nay, từ ngày 28/9/2024 đến ngày 30/9/2024, nhằm ngày 26-28/8 Âm lịch, lễ hội tưởng niệm 156 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh lại được tổ chức để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của ông. Lễ hội diễn ra tại đền thờ Nguyễn Trung Trực, tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố Rạch Giá - nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp kháng chiến của ông. Được về dự, tham gia lễ hội là niềm vui, niềm hạnh phúc của bao người dân miền Tây thỏa niềm ước vọng, chờ mong để dâng hương tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc với lòng thành kính sâu thẳm trong tim.

Trong ba ngày lễ, hàng loạt các hoạt động văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, tín ngưỡng được tổ chức, mang đến không khí sôi động và thiêng liêng. Đây là dịp để người dân và du khách từ khắp nơi cùng nhau tề tựu, dâng hương tưởng niệm và đồng thời cũng là dịp để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Càng về gần ngày lễ hội, du khách thập phương khắp nơi “trẩy” về càng đông. Đường Nguyễn Công Trứ chật như nêm. Người lớn, trẻ em, già, trẻ, trai gái len lỏi, chen chúc nhau tiến về đền với gương mặt rạng rỡ, háo hức vào đình thắp hương tưởng nhớ cụ Nguyễn.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách được Ban Tổ chức đình Nguyễn Trung Trực bố trí chỗ ngủ miễn. Trên đường Tự Do, phường Vĩnh Thanh bố trí hai trại võng với tổng số 1.200 võng do hai đơn vị, nhà hảo tâm tài trợ, tăng 200 võng so dịp lễ hội năm trước. Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực lắp đặt 13 quạt điện tại khu vực hai trại võng để phục vụ người dân và du khách…

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tập thể cũng đã đăng ký tổ chức nấu cơm chay, đổ bánh xèo, bún chay, cung cấp nước uống, phát thuốc miễn phí. Để có bữa cơm chay ấm lòng du khách thập phương, rất nhiều tập thể, cá nhân đã chung sức, chung lòng cúng dường cụ Nguyễn những nhu yếu phẩm phục vụ lễ hội.

Ban Bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực đã tiếp nhận trên 110 tấn gạo, trên 6,5 tấn nếp, trên 11 tấn đậu nành, trên 200 tấn rau, củ, quả... các loại. Những nhu yếu phẩm đó được rất nhiều người dân ở trong và ngoài tỉnh Kiên Giang tạm gác việc nhà để tụ về đây làm công quả phục vụ bếp ăn trong suốt thời gian diễn ra lễ hội cụ Nguyễn.

Đây là điểm nhấn độc đáo của lễ hội Nguyễn Trung Trực mà ít tỉnh, thành nào trên đất nước ta có được. Nó đã nét đẹp văn hóa của lễ hội mà bất cứ người dân nào ở miền Tây Nam Bộ cũng đều tự hào. Họ đến với lễ hội cụ Nguyễn với lòng thành kính, được Ban Tổ chức đình cụ Nguyễn và những người phụ vụ cơm ăn, nước uống đón tiếp chu đáo, ân cần, lịch thiệp và vui vẻ đã để lại trong lòng du khách muôn nơi nhiều ấn tượng tốt đẹp, để rồi họ tự hứa với lòng mùa lễ hội sau lại rủ nhau cùng “trẩy hội”.

Phần lễ của lễ hội Nguyễn Trung Trực bởi luôn được tổ chức trong không khí trang nghiêm và long trọng. Phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm: Lễ thắp hương bia ghi dấu địa điểm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp hành hình năm 1868; lễ dâng hương tại công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực. Các nghi lễ cổ truyền như thượng đại kỳ, phần hương, tế đàn cả, hậu phối... được tổ chức tại đình Nguyễn Trung Trực và lễ dâng hương tại công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực.

Lễ rước kiệu là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của lễ hội. Kiệu rước tượng trưng cho sự tôn kính đối với Nguyễn Trung Trực và thường được tiến hành bởi những người đại diện có uy tín trong cộng đồng. Ngoài ra, lễ dâng hương cũng thu hút đông đảo sự tham gia của quan khách và người dân.

Trong không gian khói hương nghi ngút, mỗi người đều tự mình dâng lên những lời cầu nguyện, bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với vị anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.

Nếu phần lễ mang đến không gian trang nghiêm và thiêng liêng thì phần hội lại tràn ngập những hoạt động văn hóa, nghệ thuật và trò chơi dân gian sôi động. Đây là dịp để người dân Kiên Giang nói riêng và du khách nói chung hòa mình vào các hoạt động vui tươi, cùng nhau ôn lại lịch sử và truyền thống.

Các hoạt động nổi bật trong phần hội bao gồm: Diễn xướng tái hiện lịch sử với những màn biểu diễn tái hiện lại các trận đánh lừng lẫy của Nguyễn Trung Trực, đặc biệt là trận đánh đốt tàu Pháp tại vàm Nhật Tảo. Đây là một trong những hoạt động nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về sự hy sinh và lòng yêu nước của các vị anh hùng.

Ngoài ra còn có các hoạt động chính như: Sân khấu không gian đờn ca tài tử Nam bộ; Giải Kiên Giang Wanderlust Marathon năm 2024; Triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII (Đồng bằng sông Cửu Long) lần thứ 29 năm 2014; Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Trưng bày Ảnh nghệ thuật “Kiên Giang - Đất nước - Con người”; trưng bày, giới thiệu quảng bá du lịch, sản phẩm thương hiệu doanh nghiệp; hoạt động hội chợ, biểu diễn lân sư rồng, diễu hành xe hoa, hội thi chim hót, trưng bày sinh vật cảnh; hàng loạt gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm đặc trưng của vùng đất Kiên Giang như hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ, các món ăn đặc sản cũng được bày bán. Đây là cơ hội để du khách có thể thưởng thức và khám phá văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng đất này.

Cơm đình cụ Nguyễn - ai đến rồi sẽ ghi nhớ mãi mãi

Cơm đình cụ Nguyễn - ai đến rồi sẽ ghi nhớ mãi mãi

Đền thờ Nguyễn Trung Trực là một trong những di tích lịch sử và văn hóa quan trọng nhất của tỉnh Kiên Giang được xây dựng từ năm 1869, ngay sau khi vị anh hùng dân tộc bị hành hình. Đền thờ đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được nét cổ kính và trang nghiêm.

Khi đến thăm đền thờ, du khách sẽ được nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực, cảm nhận không gian linh thiêng với mùi hương thơm phảng phất và tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng tại đây. Đặc biệt, trong những ngày lễ hội, đền thờ càng trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố lễ nghi trang trọng và các hoạt động vui chơi, giải trí. Du khách có thể vừa thắp hương tưởng niệm, vừa tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đầy màu sắc chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho mỗi người tham gia. Một trong những điểm hấp dẫn nhất của lễ hội là cơ hội thưởng thức ẩm thực địa phương. Kiên Giang nổi tiếng với các món hải sản tươi ngon và phong phú. Du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc sản như cá lóc nướng trui, gỏi cá trích, bánh xèo hải sản, bún kèn... trong không gian náo nhiệt của lễ hội.

Ngoài ra, các gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ và quà lưu niệm cũng là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn mang về những kỷ vật độc đáo của miền đất Kiên Giang.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực không chỉ là một dịp để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc mà còn là cơ hội để người dân và du khách ôn lại lịch sử, truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, về sự hy sinh to lớn của những người đi trước.

Hơn thế nữa, lễ hội còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Kiên Giang. Đối với họ, Nguyễn Trung Trực không chỉ là một vị anh hùng lịch sử mà còn là một vị thần linh thiêng, bảo vệ và phù hộ cho vùng đất này. Chính vì vậy, việc tổ chức lễ hội không chỉ nhằm tôn vinh người anh hùng mà còn thể hiện niềm tin, sự kính trọng đối với người đã khuất.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của đời sống hiện đại, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết. Lễ hội Nguyễn Trung Trực là một minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của tỉnh Kiên Giang trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Thông qua lễ hội, những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của dân tộc được truyền tải đến thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế. Đây không chỉ là một dịp để người dân tưởng nhớ về quá khứ mà còn là cơ hội để thế hệ sau học hỏi và tiếp nối truyền thống đấu tranh bất khuất của ông cha.

“Trẩy hội cụ Nguyễn” không chỉ là một sự kiện văn hóa - tâm linh của riêng tỉnh Kiên Giang mà còn là dịp để người dân cả nước và du khách quốc tế cùng nhau tưởng nhớ và tri ân một trong những vị anh hùng vĩ đại của dân tộc. Lễ hội Nguyễn Trung Trực, với những hoạt động đa dạng và ý nghĩa, không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn giúp gắn kết cộng đồng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Đây chính là giá trị lớn lao mà lễ hội mang lại, vượt lên trên cả những nghi thức thông thường, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Kiên Giang và cả nước.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tray-hoi-cu-nguyen-hanh-trinh-ve-mien-dat-anh-hung-a26875.html