Trẻ em Việt Nam luôn được quan tâm, giáo dục phát triển toàn diện

Phát triển giáo dục và đào tạo tại Việt Nam được xác định là quốc sách hàng đầu, đồng thời là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách 'Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc'.

Quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em là một trong những quyền cơ bản, quan trọng được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Quyền này đảm bảo rằng tất cả trẻ em không phân biệt màu da, giới tính, độ tuổi, dân tộc, khuyết tật, hoàn cảnh kinh tế,... đều có cơ hội được tiếp cận giáo dục như nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu đơn thuần quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng là mỗi trẻ em đều có quyền được đến trường thì chưa đủ. Quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng bao gồm chất lượng giảng dạy, môi trường học tập, điều kiện học tập,...

Mặc dù là quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia thừa nhận và bảo đảm thực hiện nhưng trên thực tế vẫn cho thấy sự tiếp cận giáo dục giữa các nhóm đối tượng trẻ em với nhau chưa tương đồng. Nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định về đời sống, không chỉ ảnh hưởng tới cơ hội đến trường mà còn tác động đến chất lượng giáo dục.

Nghiên cứu này hướng tới việc cung cấp những góc nhìn đa chiều, toàn diện về quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng cho nhóm đối tượng này.

Đặng Khánh Linh - Tác giả bài viết - Học sinh lớp 12 Trường Phổ Thông Liên Cấp Olympia

Đặng Khánh Linh - Tác giả bài viết - Học sinh lớp 12 Trường Phổ Thông Liên Cấp Olympia

Phần mở đầu

Giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp trẻ em phát triển kỹ năng sống, tư duy phản biện và khả năng thích ứng với môi trường xã hội. Dù quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng là quyền con người cơ bản tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều trẻ em trên thế giới chưa được hưởng quyền này, không thể đến trường vì phải lao động để hỗ trợ gia đình, nhiều trẻ em gái không thể đến trường vì định kiến giới, nhiều trẻ em bị cản trở vì hoàn cảnh kinh tế gia đình,... Có hàng triệu trẻ em trên thế giới không có cơ hội được tiếp cận giáo dục bình đẳng vì vô vàn những lý do khác nhau, xảy ra nhiều ở các quốc gia và khu vực chậm phát triển.

Ngoài ra, nhóm trẻ em yếu thế hay còn gọi là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em bị bỏ rơi,... thường đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong cơ hội thụ hưởng quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng. Việc đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng giữa các nhóm trẻ em luôn là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc, quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em không chỉ là việc mọi trẻ em đều có cơ hội được tiếp thu kiến thức mà đó còn là con đường dẫn đến sự trao quyền và đảm bảo thực hiện các quyền con người khác. Khi quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng được thúc đẩy và đảm bảo thực hiện nhóm trẻ em gái có cơ hội được thu hẹp khoảng cách giới, nhóm trẻ em nghèo có cơ hội thoát khỏi đói nghèo, nhóm trẻ em khuyết tật có cơ hội hoàn nhập xã hội,... Quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của trẻ em và xã hội một cách toàn diện, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết và gắn kết giữa các quốc gia trên toàn cầu. Với ý nghĩa đó, quyền được tiếp cận giáo dục là một trong những quyền con người cơ bản, và là một trong những công cụ đảm bảo các quyền con người khác.

1. Khung lý thuyết

Theo Điều 1 Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (CRC) năm 1989 thì “trẻ em là người dưới 18 tuổi trừ trường hợp pháp luật (của quốc gia thành viên) áp dụng với trẻ em có quy định tuổi trưởng thành sớm hơn”. Bởi vì có vị thế xã hội thấp cũng như chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và không có khả năng tự bảo vệ nên trẻ em được coi là nhóm dễ bị tổn thương. Mặc dù đã được thừa nhận là đối tượng nhóm yếu thế nhưng trên thực tế ngay trong nhóm trẻ em nói chung còn bao gồm những đối tượng có xuất phát điểm thấp hơn, gặp những rào cản, thách thức đặc biệt về thể chất hoặc các yếu tố khác (gia đình, xã hội, văn hóa,..), có thể kể đến như trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em di cư, tị nạn,… Đây là những nhóm trẻ có nguy cơ chịu thiệt thòi, nhất là quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng.

Mọi trẻ em không phân biệt giới tính, sắc tộc, chủng tộc, thành phần xuất thân, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng đều là chủ thể quyền và đều có cơ hội được hưởng tất cả các quyền được ghi nhận trong Công ước về Quyền trẻ em. Nhận thức được quyền và cơ hội của mình phụ thuộc vào việc nhận được một nền giáo dục tốt bởi vì những người có học vấn, có nhiều kiến thức về quyền công dân và quan tâm đến việc quản lý và tương lai của đất nước hơn những người ít học.

Tầm quan trọng của giáo dục đối với cá nhân và xã hội là một vấn đề không cần phải bàn cãi. Giáo dục là chìa khóa để trẻ em - chủ thể quyền có thể nhận thức được quyền cơ bản của mình nói riêng và quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng nói chung. Do đó, quyền tiếp cận giáo dục được coi là mắt xích quan trọng và tác động hai chiều đối với chủ thể quyền.

Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế (1948) khẳng định: “Mọi người đều có quyền được hưởng giáo dục”. Trẻ em cũng không phải ngoại lệ. Tiếp theo đó, tại khoản 1 Điều 28 của Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em năm 1990 (UNCRC) đã khẳng định: “Các quốc gia thành viên công nhận quyền của trẻ em được học hành và nhằm đạt được việc thực hiện dần dần quyền này trên cơ sở có cơ hội bình đẳng…”. Có thể thấy rằng, việc đặt ra các quy định về quyền tiếp cận giáo dục nhằm xác định chủ thể quyền là tất cả trẻ em không có bất cứ sự phân biệt nào về đối tượng thụ hưởng quyền.

Bên cạnh đó, quy định đặt ra yêu cầu các quốc gia bảo đảm cho trẻ em có quyền được tiếp cận giáo dục trên cơ sở bình đẳng về cơ hội. Công ước UNESCO năm 1960 Chống phân biệt đối xử trong giáo dục định nghĩa giáo dục bình đẳng là giáo dục không có bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào. Thuật ngữ phân biệt đối xử được sử dụng trong công ước bao gồm bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hoặc ưu tiên nào dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, điều kiện kinh tế hoặc nơi sinh, có mục đích hoặc tác động là vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu sự bình đẳng trong đối xử trong giáo dục. Do đó, từ tuyên bố này, có thể đưa ra giả thuyết rằng mọi trẻ em có quyền tiếp cận bình đẳng với giáo dục bất kể giới tính, giai cấp xã hội, chủng tộc, khuynh hướng tình dục, nhóm dân tộc, thách thức về thể chất và các hình thức đa dạng xã hội khác của họ.

Hầu hết các thảo luận về bình đẳng trong giáo dục tập trung vào cách làm thế nào để bình đẳng hóa khả năng tiếp cận và tham gia ở các cấp độ giáo dục chính quy khác nhau cho các nhóm xã hội khác nhau (Lynch, 2000) [1]. Theo Froomkin, sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục của trẻ thuộc các nhóm kinh tế xã hội khác nhau. Mặc dù thảo luận về quyền bình đẳng tiếp cận trong giáo dục chỉ gắn liền với cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng nhưng trên thực tế, định nghĩa này chỉ thể hiện một khía cạnh của khái niệm quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng. Campbell và Klein (1982) đã chỉ trích những người chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh bình đẳng tiếp cận giáo dục và tuyên bố rằng khái niệm này không thể bị giới hạn trong việc tiếp cận giáo dục và các cơ hội giáo dục. Quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng là một quá trình bắt đầu từ khi một cá nhân được sinh ra và không dừng lại trong suốt quá trình học tập của cá nhân đó.

Kathleen Lynch tiếp cận “bình đẳng” dựa trên quan điểm “bình đẳng về điều kiện". Hiểu một cách đơn giản định nghĩa bình đẳng về điều kiện là niềm tin rằng mọi người nên bình đẳng nhất có thể xét về các điều kiện trung tâm cuộc sống của họ. Bình đẳng về điều kiện không phải là cố gắng làm cho sự bình đẳng trở nên công bằng hơn hoặc trao cho mọi người cơ hội bình đẳng hơn, mà là đảm bảo mọi người đều có triển vọng gần như ngang bằng nhau về một cuộc sống tốt đẹp. Như vậy, quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng là tất cả trẻ em đều có cơ hội ngang bằng nhau trong việc tiếp cận và thụ hưởng quyền này.

Phần lớn đều lầm tưởng rằng “bình đẳng" đồng nghĩa với “giống nhau", tuy nhiên đó là hai khái niệm không đồng nhất, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Bình đẳng có nghĩa là mọi người đều có cơ hội như nhau để tiếp cận và thụ hưởng các quyền lợi, nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người đều phải được đối xử và tiếp cận theo cách giống nhau. Trong quyền tiếp cận giáo dục, bình đẳng có nghĩa là tất cả trẻ em, bất kể màu da, giới tính, dân tộc, tôn giáo, khuyết tật hay hoàn cảnh kinh tế, đều có cơ hội tiếp cận với một nền giáo dục chất lượng. Tuy nhiên, để đạt được điều này, không phải tất cả trẻ em đều cần được cung cấp cùng một loại hình giáo dục hay cùng một phương thức giảng dạy. Mỗi trẻ em có những nhu cầu học tập khác nhau, và việc cung cấp hỗ trợ và điều kiện phù hợp với từng cá nhân sẽ giúp đảm bảo rằng mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của mình. Ví dụ, một trẻ em khuyết tật có thể cần các thiết bị trợ giúp hoặc các chương trình giáo dục đặc biệt để học tập hiệu quả. Một trẻ em từ một gia đình có thu nhập thấp có thể cần sự hỗ trợ tài chính để có thể đến trường và tham gia các hoạt động học tập. Một trẻ em dân tộc thiểu số có thể cần sự hỗ trợ về ngôn ngữ để có thể theo kịp chương trình học.

Theo tác giả, “bình đẳng” có nét tương đồng với “ngang bằng”. Xét về bản chất mỗi đứa trẻ đều có xuất phát điểm, hoàn cảnh, và chịu những tác động khác nhau trong quá trình thụ hưởng quyền. Bất bình đẳng trong việc sinh con; cơ hội ở quốc gia hoặc nơi sinh ra, tình trạng giáo dục của gia đình, trình độ kinh tế xã hội, cấu trúc văn hóa xã hội của môi trường nơi trẻ lớn lên, độ tuổi được giáo dục, trang thiết bị của các trường mà họ theo học, năng lực của giáo viên và nhiều lý do khác ảnh hưởng đến cơ hội của các cá nhân được nhận nền giáo dục bình đẳng. Ví dụ một đứa trẻ sinh ra ở khu ổ chuột tại Brazil sẽ không có cơ hội thụ hưởng quyền tiếp cận giáo dục như một đứa trẻ sinh ra tại một thủ đô Paris.

Ở Hoa Kỳ năm 1966, James Colman, được Lin (2018 trích dẫn), đã lưu ý nhiều thông tin về sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em, dựa trên nơi ở, và tầng lớp xã hội gia đình. Khi có những bất bình đẳng (tự nhiên) phát sinh từ cách con người được sinh ra, các quốc gia và cơ quan pháp luật sẽ nỗ lực làm cho những người vốn không bình đẳng về mặt pháp lý được bình đẳng về mặt pháp lý. Khi những bất bình đẳng tự nhiên được kết hợp với những bất bình đẳng xã hội, điều mà Rousseau (1950) cũng đã đề cập trong Lý thuyết khế ước xã hội của mình, không thể nói đến sự bình đẳng về cơ hội trong giáo dục của học sinh. Vì vậy, rõ ràng là không thể đạt được sự bình đẳng hoàn toàn về cơ hội trong giáo dục. Do vậy, để tạo được sự “bình đẳng" về quyền tiếp cận giáo dục cần phải tạo ra những cơ hội tiếp cận “ngang bằng” thông qua chủ thể có trách nhiệm là Nhà nước, gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội,... trong việc tôn trọng các điểm riêng biệt và các nhu cầu đặc biệt của các nhóm trẻ em, đồng thời hỗ trợ nhằm thu hẹp khoảng cách về giáo dục.

Có thể thấy rằng, quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng được tiếp cận dưới nhiều góc độ. Tựu chung lại, quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng là mọi trẻ em không phân biệt màu da, giới tính, dân tộc, tôn giáo, khuyết tật hay hoàn cảnh kinh tế,...đều có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng. Như vậy tất cả trẻ em bao gồm trẻ em khuyết tật, trẻ em tị nạn, trẻ em bị bỏ rơi,... đều là chủ thể của quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng. Từ đó cũng đặt ra yêu cầu cho các chủ thể có trách nhiệm đặc biệt Nhà nước trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em. Bên cạnh đó đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm đảm bảo của các chủ thể có liên quan khác bao gồm nhà trường, gia đình, cộng đồng,…đều có nghĩa vụ đảm bảo quyền này bởi đơn giản quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em có thể bị xâm phạm ở bất cứ môi trường nào, dưới nhiều hình thức và bối cảnh khác nhau.

Đặng Khánh Linh tham gia chương trình Her'Story tặng quà cho các em nhỏ tại tỉnh Hòa Bình.

Đặng Khánh Linh tham gia chương trình Her'Story tặng quà cho các em nhỏ tại tỉnh Hòa Bình.

2. Khung pháp luật

Với tư cách là một quốc gia thành viên tích cực tham gia và thực hiện Công ước quyền trẻ em, Việt Nam luôn coi “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Từ phương châm này, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền được giáo dục của trẻ em.

Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Điều 14 đã quy định “Trẻ em được quyền săn sóc, giáo dưỡng” và Điều 15 quy định “... nền sơ học cưỡng bách và không học phí... Học sinh nghèo được Chính phủ giúp...”. Những nguyên tắc hiến định mang đậm tinh thần vì trẻ em này tiếp tục được khẳng định và phát triển qua các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, và đặc biệt tại Điều 39 Hiến pháp năm 2013, quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập".

Từ các quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam đã thể chế hóa quyền của trẻ em thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, tạo thành một hệ thống pháp luật về quyền trẻ em nói chung và quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em nói riêng. Hiện nay, các quy định điều chỉnh quyền học tập của trẻ em được cụ thể hóa tại Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, và Luật Giáo dục năm 2019. Các quy định của pháp luật Việt Nam hướng tới sự đảm bảo phát triển toàn diện cho trẻ em.

Điều 16 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.” Thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục cũng là một trong những mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Việt Nam. Điều này được khẳng định qua các chính sách ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt đối với trẻ em ở những khu vực này.

Luật Giáo dục năm 2019 quy định “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân", nhấn mạnh mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hay hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Pháp luật Việt Nam đồng nhất với các quy định quốc tế rằng mọi trẻ em nói riêng và mọi người nói chung đều có quyền tiếp cận giáo dục mà không chịu bất cứ sự phân biệt đối xử nào. Điều 13 của Luật này nêu rõ Nhà nước có trách nhiệm thực hiện công bằng, bình đẳng trong giáo dục, tạo ra một nền giáo dục chất lượng thông qua môi trường giáo dục an toàn, đảm bảo giáo dục hòa nhập, và tạo điều kiện thuận lợi để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình. Đặc biệt, pháp luật Việt Nam cũng chú trọng thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục cho các nhóm trẻ em yếu thế như trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người học là người khuyết tật, và các hộ nghèo và cận nghèo.

Để bảo đảm quyền bình đẳng và cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật, Việt Nam đã tham gia Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật (UNCRPD). Đồng thời, Luật Người khuyết tật năm 2010 và Luật Trẻ em năm 2016 đều có những quy định nhằm bảo đảm sự chăm sóc và phúc lợi cho người khuyết tật, đảm bảo quyền bình đẳng và cơ hội giáo dục đầy đủ cho mọi công dân.

Pháp luật Việt Nam cũng quy định rõ việc nghiêm cấm hành vi cản trở việc học tập của trẻ em. Các văn bản pháp luật luôn chú ý đến việc quy định các chính sách bảo vệ quyền này, đặc biệt là trách nhiệm và nghĩa vụ của gia đình, nhà trường, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội. Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu rõ nghĩa vụ của cha mẹ với con cái. Điều 99 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.”

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, và giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, các trường hợp sau được miễn học phí: trẻ em thuộc đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, và nhiều đối tượng khác.

Bên cạnh đó, tại Nghị định 81 đã quy định nhiều đối tượng trẻ em được hưởng chính sách miễn giảm học phí từ 50-70%. Đặc biệt, Điều 17 của Nghị định này còn quy định khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.

Đặng Khánh Linh cùng các thành viên chương trình Her'Story mang niềm vui đến với các bé gái tại tỉnh Hòa Bình.

Đặng Khánh Linh cùng các thành viên chương trình Her'Story mang niềm vui đến với các bé gái tại tỉnh Hòa Bình.

3. Kết quả và một số vấn đề cần tiếp tục thúc đẩy

3.1. Một số kết quả nổi bật

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng cho trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ. Các thành tựu này không chỉ thể hiện qua các chính sách, văn bản pháp luật mà còn qua các chương trình, dự án cụ thể nhằm cải thiện điều kiện học tập cho trẻ em ở các vùng miền.

Một trong những thành tựu nổi bật là việc phổ cập giáo dục tiểu học đạt 100% từ lớp 1 đến lớp 5. Việc miễn giảm học phí cho các học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, và các nhóm đối tượng yếu thế khác đã giúp nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục học tập mà không bị gián đoạn. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ chi phí học tập, cung cấp sách giáo khoa miễn phí, và trợ cấp xã hội đã giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các gia đình nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em được tiếp cận giáo dục bình đẳng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, và vùng dân tộc thiểu số. Các trường nội trú dân tộc, trường bán trú và các chương trình học bổng đã tạo cơ hội cho trẻ em ở các vùng khó khăn được học tập trong môi trường tốt hơn. Các dự án xây dựng và cải tạo trường học, cung cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại đã cải thiện đáng kể điều kiện học tập và giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các khu vực này. Tính đến năm 2020, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đã đạt đến 90%; tỷ lệ trường học kiên cố tăng từ 77,1% (năm 2015) lên 91,3% (năm 2019); tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi ở các cấp học đều tăng...[2]

Đặc biệt, quyền học tập của trẻ em khuyết tật cũng được quan tâm đặc biệt. Các chương trình giáo dục hòa nhập đã giúp trẻ em khuyết tật được học tập cùng các bạn đồng trang lứa trong môi trường giáo dục bình thường, tạo điều kiện để các em phát triển kỹ năng xã hội và tiếp cận cơ hội giáo dục bình đẳng. Việt Nam nỗ lực trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục đối với trẻ em khuyết tật thông qua hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh ở trên 20 tỉnh, thành phố, đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật. Các cơ sở này triển khai giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp học phổ thông. Số trẻ khuyết tật được đi học ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua. Số liệu Điều tra quốc gia về người khuyết tật cũng cho thấy, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật khoảng 88,7%, trung học phổ thông là 33,6%.[3]

Đối với nhóm trẻ em gái, Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy giáo dục giới tính và bảo vệ quyền của trẻ em gái. Các chương trình giáo dục giới tính trong trường học và các chiến dịch nâng cao nhận thức về quyền của trẻ em gái đã góp phần giảm thiểu tình trạng bỏ học sớm, tảo hôn và bạo lực giới. Điều này không chỉ giúp cải thiện tình trạng học tập của trẻ em gái mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục bình đẳng giới.

3.2. Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai tốt hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu và điều chỉnh tốt hơn, phù hợp với thực tế:

Thứ nhất, đã có chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ít người (Nghị định 57/2017/NĐ-CP), tập trung vào hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn (vùng III). Tuy nhiên, cần thúc đẩy hỗ trợ trẻ em ở vùng I và II bởi thực tế là nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số gặp khó khăn về đời sống kinh tế nên ảnh hưởng tới vấn đề học tập của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó là sự thay đổi chương trình sách giáo khoa cùng với chất lượng giáo viên cũng gặp trở ngại.

Thứ hai, hầu hết chính sách giáo dục và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh dân tộc thiểu số hiện hành đều trung tính về giới, để tránh những vấn đề định kiến về giới thì cần có những quy định cụ thể để thúc đẩy cơ hội thụ hưởng quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em gái. Cụ thể, Luật Giáo dục (2019) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) đã quy định những biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp cho người dân tộc thiểu số, tuy nhiên hầu hết các quy định này đều "trung tính giới". Luật Bình đẳng giới (2006) có quy định về đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên cần tiếp tục quan tâm những vấn đề giới đặc thù trong lĩnh vực dân tộc thiểu số.

Thứ ba, chính sách về giáo dục hòa nhập và đa dạng văn hóa cần tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh, cụ thể hơn nữa trong chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Ngôn ngữ là rào cản mà nhiều trẻ em dân tộc thiểu số gặp phải khi tiếp cận giáo dục. Các em học theo chương trình chuẩn theo đó ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng Việt và một ngoại ngữ tự chọn, phần lớn là tiếng Anh. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp thuận lợi cho việc tiếp cận giáo dục hòa nhập của các em.

Bên cạnh đó giáo viên cần phải thực sự hiểu biết về văn hóa bản địa, tập tục tập quán của người dân tộc thiểu số thì sẽ không có khoảng cách về mặt văn hóa, tập tục với người dân bản địa và các em học sinh.

Thứ tư, bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp luật và dưới luật về quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em thì hoạt động thực thi pháp luật, áp dụng vào thực tiễn rất quan trọng. Do đó, việc đánh giá chất lượng thực thi pháp luật với từng khu vực với từng nhóm đối tượng trẻ em là rất cần thiết. Ở các vùng nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa, việc triển khai các chính sách hỗ trợ giáo dục còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng, cũng là nguyên nhân khiến cho tiếp cận giáo dục chưa theo kịp so với các khu vực thành phố, đô thị.

3.3. Những vấn đề cần lưu ý

Nâng cao trách nhiệm

Quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng là quyền cơ bản, tuy nhiên cần phải được thúc đẩy và đảm bảo thực hiện bởi các chủ thể có trách nhiệm từ nhiều phía là các cơ quan Nhà nước, gia đình, nhà trường và cộng đồng. Để quyền giáo dục thực sự có ý nghĩa và hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan, từ chính sách đến thực tiễn. Điều này bao gồm việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giảng dạy và đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận giáo dục một cách công bằng.

Cơ sở vật chất

Về cơ sở giáo dục, nhiều khu vực vùng núi cao, biên giới và hải đảo còn gặp khó khăn về trường học và phòng học, thiết bị, tài liệu... đủ tiêu chuẩn giảng dạy và học tập như các trường ở khu vực thành phố. Đặc biệt về các trang thiết bị, dụng cụ học tập phục vụ cho chương trình giáo dục hòa nhập của nhóm trẻ em khuyết tật còn rất hạn chế và khan hiếm ở các khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa. Điều kiện hỗ trợ cho học sinh khuyết tật của các trường phổ thông còn rất hạn chế, chỉ 42,9% trong tổng 508 cán bộ quản lý được hỏi cho rằng nhà trường có điều kiện về trang thiết bị học tập [4].

Học sinh khuyết tật được hỗ trợ chi phí học tập, học phí, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ giáo dục hòa nhập, còn các điều kiện đặc thù như xe lăn, phương tiện hỗ trợ di chuyển, thiết bị nghe nhìn chỉ khoảng 3% [5]. Đối với các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập thuộc khu vực nhà nước và tư nhân hiện còn rất mỏng về số lượng và phân bố chưa đồng đều, chỉ tập trung ở một số khu vực đô thị trong khi nhu cầu giáo dục đặc biệt đối với trẻ khuyết tật ngày càng lớn, số lượng trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt gia tăng trong bối cảnh đô thị hóa, hiện đại hóa ở nhiều địa phương.

Về cơ sở hạ tầng, ở vùng sâu, vùng xa phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến trường do chưa có phương tiện giao thông thuận lợi. Các cung đường miền núi xa xôi, hiểm trở, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm; nhiều nơi còn thiếu hạ tầng giao thông cơ bản như cầu, đường khiến cho việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn [6].

Về kinh tế, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không đủ khả năng chi trả các khoản phí liên quan đến giáo dục như học phí, sách vở, đồng phục, và chi phí đi lại. Điều này đặc biệt đúng đối với các hộ gia đình ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê, năm 2019, số hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm 22,3%, hộ cận nghèo chiếm 13,2% [7]. Thu nhập thấp, kinh tế khó khăn là một rào cản cho giáo dục phát triển, có những nơi trẻ em tham gia làm việc để có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình, ảnh hưởng tới học tập. Do kinh tế khó khăn và thiếu cơ hội việc làm cho người lớn, họ phải tham gia lực lượng lao động từ rất sớm, thường là làm nông nghiệp hoặc lao động chân tay, điều này cũng có thể cản trở thụ hưởng quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng.

Văn hóa

Một trong những thách thức lớn nhất đối với quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em là các rào cản văn hóa, ở một số nơi vùng sâu vùng xa còn có chuyện trọng nam khinh nữ và vấn đề bình đẳng giới. Trong những năm gần đây vấn đề này đã được các cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn, mức độ cải thiện cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn vấn đề bình đẳng giới.

Đặng Khánh Linh xuất sắc vượt qua hàng nghìn thí sinh từ 46 quốc gia để giành Huy chương Vàng hạng mục Viết luận tại Vòng Chung kết World Scholar's Cúp năm 2022.

Đặng Khánh Linh xuất sắc vượt qua hàng nghìn thí sinh từ 46 quốc gia để giành Huy chương Vàng hạng mục Viết luận tại Vòng Chung kết World Scholar's Cúp năm 2022.

4. Một số kiến nghị

Trên cơ sở những ưu điểm và tồn tại nêu trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy tốt hơn quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em:

Một là, các chính sách pháp luật cần chú trọng hơn đến đối tượng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cần xác định rõ và phân loại rõ từng đối tượng trẻ em. Đồng thời nhận định nhu cầu của từng đối tượng để xây dựng và thực thi các biện pháp thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục phù hợp nhằm hướng đến mục tiêu tất cả mọi trẻ em đều được hưởng quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng.

Hai là, các quy định của pháp luật cần được hướng dẫn thi hành một cách nhanh chóng và thống nhất, tránh chồng chéo, khó áp dụng; tiếp tục hướng đến quyền học tập của trẻ em, tránh tình trạng coi trẻ em là các chủ thể thụ động và chỉ chú ý đến các quyền mà người lớn dành cho trẻ em, chưa thật sự chú trọng tới các quyền do chính trẻ em thực hiện. Mặt khác, các quy định của pháp luật cần phải được cụ thể, tránh tình trạng chung chung, dẫn tới khó áp dụng vào thực tế làm giảm hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Ba là, để quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi, quyền tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của người khuyết tật, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quan tâm, chú trọng hơn nữa việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số trong cơ sở giáo dục.

Bốn là, tiếp tục thiết lập các chính sách và thực hiện cải cách để đảm bảo chất lượng giáo dục cho tất cả mọi người. Các chính sách này đặt ra các tiêu chuẩn, khuôn khổ và hướng dẫn cho chương trình giảng dạy, đánh giá và trình độ giáo viên. Cơ quan quản lý cần nghiên cứu, xem xét quan điểm của nhiều bên liên quan, chẳng hạn như các nhà giáo dục, phụ huynh và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục... nỗ lực tạo ra các chính sách phù hợp với nhu cầu đang thay đổi của xã hội.

Năm là, chính sách pháp luật cần phải có những điều chỉnh để mở rộng đối tượng thụ hưởng quyền tiếp cận giáo dục. Chẳng hạn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chính sách pháp luật cần giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhập học. Chính sách pháp luật về giáo dục cần được cải thiện để đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Kết luận

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của giáo dục đối với cá nhân và xã hội, rõ ràng là quyền tiếp cận giáo dục không thể được phân phối theo thị trường. Quyền tiếp cận giáo dục cần phải dành cho tất cả trẻ em, ngay cả những trẻ có cha mẹ quá nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Sự công bằng trong giáo dục là nền tảng quan trọng cho một xã hội phát triển, trong đó mọi người thuộc mọi thành phần đều được tham gia.

Ở nhiều nơi thế giới, những trở ngại về kinh tế và chính trị có thể cản trở thanh thiếu niên có được nền giáo dục đầy đủ. Các vấn đề về cấu trúc như đói nghèo, phân biệt đối xử hoặc chiến tranh có thể khiến mọi người khó đến trường và tiếp cận các tài liệu học tập mà họ cần. Bởi vậy các chủ thể có trách nhiệm cần xây dựng và thực thi các biện pháp nhằm thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi trẻ em.

Bài viết sử dụng một số tài liệu tham khảo:

1.UNESCO (2020), What you need to know about the Right to Education (Những điều cần biết về quyền được giáo dục). https://www.unesco.org/en/articles/what-you-need-know-about-right-education

2-3.Thanh Giang (2022), Thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên: https://tuyengiao.phuyen.gov.vn/khoa-giao/thuc-day-quyen-tiep-can-giao-duc-4388.html

4-5.Nguyễn Thị Dung (2023), Đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em khuyết tật, Đồng hành Việt online. https://donghanhviet.vn/dam-bao-quyen-tiep-can-giao-duc-cua-tre-khuyet-tat/

6-7.Quang Thành và Đức Thành (2023), Thực trạng và kiến nghị trong việc bảo đảm quyền học tập của trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Xây dựng Đảng. https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/thuc-trang-va-kien-nghi-trong-viec-bao-dam-quyen-hoc-tap-cua-tre-em-dan-toc-thieu-so-o-viet-nam-18975

Đặng Khánh Linh - Trường Phổ Thông Liên Cấp Olympia

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/tre-em-viet-nam-luon-duoc-quan-tam-giao-duc-phat-trien-toan-dien-d5292.html