Trên những nẻo đường quê hương: Những cái tên nghe chẳng thơ đâu

Chúng ta đang nghe ca khúc 'Thành phố Hoa phượng đỏ' là tác phẩm mà từ lâu đã được mệnh danh là 'Hải Phòng ca'. Bài hát thân thương này ôm chứa rất nhiều ý nghĩa với một địa phương có bề dày văn hóa. Tuy nhiên, trong khuôn khổ chương trình Trên những nẻo đường quê hương, chúng tôi chỉ xin trải nghiệm qua một số địa danh tiêu biểu nhất. Và hôm nay, Hương Quỳnh sẽ đi theo âm hưởng câu hát cũ, để tìm lại ký ức về từng nơi chốn đã được khái quát thành 'Những cái tên nghe chẳng thơ đâu'...

Những ai đã từng sống và gắn bó với Hải Phòng đều cảm thấy quen thuộc với ca từ thân thương trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Lương Vĩnh, phổ thơ Hải Như. Ở thành phố này, các cơ sở công nghiệp tập trung đông đảo giới thợ thuyền cần lao cũng chính là nơi những người Cộng sản lỗi lạc đã từng thâm nhập sâu sát ngày đêm, thực sự "sống cùng" với người lao động, để giác ngộ nhận thức và phát triển lực lượng cho giai cấp công nhân, lập nên những Chi bộ Cộng sản đầu tiên và lãnh đạo phong trào Cách mạng trên thành phố Cảng. Một địa danh tiêu biểu trong số đó chính là Nhà máy Xi măng Hải Phòng, mà cách đây 125 năm vốn là Nhà máy Xi măng đầu tiên tại Đông Dương.

Trong quá trình đô thị hóa, các bộ phận sản xuất đã từng bước di dời ra ngoại thành, để giảm thiểu ô nhiễm cho nội đô. Ngày nay, mảnh đất này không chỉ lưu lại một biểu tượng văn hóa công nghiệp đáng tự hào, mà còn ôm chứa ký ức của biết bao người Hải Phòng đã từng trưởng thành trong màu áo công nhân. Và ông Nguyễn Mộng Long chính là một đơn cử trong số đó. Sau một thời gian nghỉ ngơi hưu trí, ông Long trở lại, ký hợp đồng làm việc với Bảo tàng Xi măng Việt Nam. Công việc hàng ngày của ông là gặp gỡ, chuyện trò, giới thiệu cho khách tham quan về một địa danh đã trở thành “thương hiệu”, sẽ còn sống mãi cùng lịch sử phát triển của thành phố Cảng.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Thiện Đoan

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tren-nhung-neo-duong-que-huong-nhung-cai-ten-nghe-chang-tho-dau-243965.htm