Trị 'lạm thu' – hãy bắt đầu từ cái tâm của thầy hiệu trưởng!

Nếu Ban giám hiệu, hiệu trưởng xuất phát từ cái tâm, từ tinh thần trách nhiệm quán triệt rõ, công khai, minh bạch thì sẽ không bao giờ xảy ra việc 'lạm thu'.

Trước khi bước vào năm học mới, ngành giáo dục đã ra các văn bản để “cảnh báo” tình trạng lạm thu. Nhiều nơi, phụ huynh đã dũng cảm tố lạm thu. Sau đó, báo chí vào cuộc mạnh mẽ khiến nhiều trường đã phải ê chề trả lại tiền cho phụ huynh, có hiệu trưởng đã bị xử lí kỉ luật. Nhưng rồi lạm thu vẫn tái diễn, thậm chí còn tệ hơn nhiều…

Trường THCS thị trấn Bo (Kim Bôi) thực hiện nghiêm túc việc công khai các khoản thu, chi. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Trường THCS thị trấn Bo (Kim Bôi) thực hiện nghiêm túc việc công khai các khoản thu, chi. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Ảnh hưởng xấu tới môi trường giáo dục

Chị bạn tôi làm hiệu trưởng một trường THCS tại một quận nội thành Hà Nội chia sẻ rằng, trường chị cho phép thu quỹ phụ huynh nhưng không quá 200.000 đồng/học sinh/học kỳ.

Tôi ngạc nhiên vì số quỹ ít ỏi đó, thì chị cho hay: “Nguyên tắc của trường chị là thu để đủ chi, không giáo viên chủ nhiệm nào được phép thu quá lên. Chị cũng cấm trích quỹ trường để thăm hỏi thầy cô ốm đau, để tặng hoa thầy cô dịp lễ, tết. Những gì thu được đều để phục vụ phong trào chung của nhà trường. Thế nên cả kỳ họp phụ huynh vừa rồi, phụ huynh rất đồng thuận, không có ai thắc mắc gì về tiền trường lớp cả”.

Tại trường này, mỗi tháng phía nhà trường chỉ thu đúng những gì được phép thu như: Tiền học 2 buổi/ngày, tiền chăm sóc bán trú, tiền đoàn đội, tiền bảo hiểm y tế, tiền đồng phục, tiền nước uống. “Có ít thì “liệu cơm gắp mắm, nhưng được cái thanh thản. Có những em khó khăn, được nhà trường hỗ trợ còn không phải đóng đồng nào”.

Nói thế rồi chị bạn tôi thở dài: “Thấy báo chí nêu trường này trường nọ thu các khoản lên đến cả trăm triệu đồng, thật sự mình rất xấu hổ, làm như thế hay ho gì đâu. Đã xác định muốn làm kinh tế thì đừng vào giáo dục”…

Nói một cách công bằng còn rất nhiều trường học như trường chị bạn tôi chỉ thu đủ chi một cách khiêm tốn. Những hiệu trưởng này trước nhất họ đã thấm nhuần, nắm chắc quy chế thu – chi của ngành giáo dục, để thực hiện nghiêm túc nhất. Đó là Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; là những quy định riêng của ngành giáo dục địa phương nhằm siết lại tình trạng lạm thu.

Ngay đầu năm học, nhiều địa phương theo cách riêng của mình đều có văn bản chỉ đạo kịp thời, như Hà Nội đã “khoanh vùng” 7 mục cấm Ban đại diện cha mẹ học sinh được thu. Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi, tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

UBND TP. Hải Phòng đã quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập. Các trường chỉ được phép thu các khoản trong danh mục.

Ngoài ra, một loạt các địa phương như Ninh Bình, Nam Định, Quảng Trị, Tiền Giang đều có quy định cụ thể để ngăn chặn “lạm thu”…

Thế nhưng “lạm thu” như chiếc “vòi bạch tuộc” vẫn luồn lách vào nhiều trường, gây bức xúc dư luận. Đó là trường mẫu giáo mầm non 1, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng yêu cầu có lớp phải đóng tới 1,8 triệu đồng/học sinh.

Cũng tại Hải Phòng, Trường THPT Lê Chân xây dựng kế hoạch vận động tài trợ để xây trạm biến áp 250KVA, tổng trị giá 998 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường thông báo tới các giáo viên chủ nhiệm để vận động thu tiền phụ huynh có con em vừa đăng ký làm thủ tục nhập học vào lớp 10 (hiện nhà trường đã phải trả lại toàn bộ số tiền vận động phụ huynh đóng góp xây dựng trạm biến áp).

Phụ huynh có con học tại Trường THPT dân lập Văn Lang (Hà Nội) phản ánh việc nhà trường yêu cầu học sinh nộp 1,5 triệu đồng/tháng tiền học phí và thêm 4,5 triệu đồng/học kì cho các khoản thu.

Tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều trường bị “tố” lạm thu như: Bảng dự tính thu chi hỗ trợ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) là hơn 270 triệu đồng, lớp 9/10 là hơn 165 triệu đồng.

Bảng dự trù kinh phí hoạt động năm học 2022-2023 của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận 7, TP Hồ Chí Minh gây bức xúc khi dự kiến chuyển khoản cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu 54 triệu đồng/năm…

Những vụ việc trên đã làm ảnh hưởng xấu tới môi trường giáo dục.

Cần nhất cái tâm của người hiệu trưởng

Vấn đề đặt ra là, công cụ pháp lý chúng ta có đủ, hầu hết các địa phương đều chủ trương chống lạm thu, nhưng lạm thu vẫn tái diễn. Khi chúng tôi đặt vấn đề này với một số chuyên gia giáo dục, họ đều cho rằng, trước tiên lỗi là do hiệu trưởng.

Hiệu trưởng chỉ cần tuân thủ đúng những quy định của ngành giáo dục thì chắc chắn không xảy ra lạm thu. Hiệu trưởng không cho phép lạm thu, thì không cha mẹ nào dám thu quá quy định. Ở đây là câu chuyện “lạm quyền”, là cái tâm của hiệu trưởng.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng từng kiến nghị, để xảy ra điều này, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, chứ không phải Ban đại diện cha mẹ học sinh hay giáo viên phải chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò giám sát, xử lý nghiêm hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu…

Nhắc đến trách nhiệm của hiệu trưởng trong câu chuyện “lạm thu”, chị bạn mà tôi đề cập ở đầu bài viết cho rằng, ở nhiều trường, hiệu trưởng như “vua” và rất biết cách “lách luật” để thu được một khoản tiền lớn của cha mẹ học sinh dưới danh nghĩa “tự nguyện”.

“Nếu không có lợi ích cá nhân ở đây, tôi dám chắc lạm thu sẽ không còn đất để tồn tại”, chị bạn tôi – hiệu trưởng một trường THCS bày tỏ.

Theo Thông tư 55 của Bộ GD- ĐT thì Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm phối hợp với trường để giáo dục học sinh, giúp các em phát triển năng lực và phẩm chất…Nhưng thực tế, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh ở một số trường đang bị biến tướng.

Nhiều phụ huynh cho biết, cả học kỳ họ chỉ thấy ban đại diện cha mẹ học sinh đi “ngoại giao” với hiệu trưởng, với giáo viên chủ nhiệm, thỉnh thoảng tổ chức cho các con ăn một vài bữa “fast food”, hầu như họ không có một hoạt động gì đáng kể giúp con em học tập tốt hơn. Thêm vào đó, cách thu quỹ theo kiểu "cào bằng", như “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng đã khiến cho nhiều người mất niềm tin về ban đại diện cha mẹ học sinh.

Vậy gỉai pháp nào để hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm thu?

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nhiều cha mẹ học sinh đề xuất, ngành giáo dục, các địa phương phải tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các nhà trường, trong đó có thu – chi đầu năm học.

Khi phát hiện ra lạm thu, phải kiên quyết xử lý hiệu trưởng để làm gương, thông tin rộng rãi tới công luận, như vậy mới đủ sức răn đe. Đồng thời, phải là minh bạch, công khai các khoản thu để công tác xã hội hóa thực sự vì lợi ích của học sinh, chứ không thể biến các khoản thu chỉ để phục vụ lợi ích cá nhân của hiệu trưởng, ban giám hiệu... Nhưng trên hết, tất cả phải bắt đầu từ “cái tâm của thầy hiệu trưởng”, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tạo môi trường giáo dục thân thiện, tích cực…

Nếu ban giám hiệu xuất phát từ cái tâm, từ tinh thần trách nhiệm quán triệt rõ, công khai, minh bạch thì sẽ không bao giờ xảy ra việc lạm thu.

Phương Thu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/tri-lam-thu--hay-bat-dau-tu-cai-tam-cua-thay-hieu-truong--i303404/