Trí thức trẻ có thể đóng góp cho đất nước mà không cần trở về thường trú
SVO - Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI tiếp tục là nơi quy tụ những ý tưởng, sáng kiến và tâm huyết của trí thức trẻ khắp năm châu. Tại phiên thảo luận về Phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới, ThS Lê Nguyễn Minh Phương – giảng viên tại ĐH Global Cyber (Hàn Quốc) nhấn mạnh: 'Trí thức trẻ hoàn toàn có thể đóng góp cho quê hương mà không cần trở về Việt Nam thường trú'.
>
Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI diễn ra tại Hà Nội, báo cáo của ThS Lê Nguyễn Minh Phương (ĐH Global Cyber) với chủ đề “Vai trò của trí thức trẻ trong chuyển đổi số giáo dục và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đại biểu. ThS Phương là một trong những gương mặt tiêu biểu đại diện cho thế hệ trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và giảng dạy ở nước ngoài nhưng luôn đau đáu với sự phát triển của đất nước.

ThS Lê Nguyễn Minh Phương (ĐH Global Cyber). Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Chia sẻ tại diễn đàn, ThS Lê Nguyễn Minh Phương cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ số phát triển mạnh mẽ, khoảng cách địa lý không còn là rào cản quá lớn. “Chúng ta hoàn toàn có thể đóng góp từ xa. Không cần trở về Việt Nam một cách thường xuyên hay thường trú, trí thức trẻ vẫn có thể đồng hành với đất nước bằng nhiều cách thức linh hoạt, sáng tạo”, TS Phương nhấn mạnh.
Từ thực tiễn giảng dạy tại một trường đại học trực tuyến hàng đầu tại Hàn Quốc, ThS Phương chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình học tập số hóa hiệu quả, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong giáo dục đại học. Theo chị, những công cụ này không chỉ giúp mở rộng cơ hội học tập, cá nhân hóa trải nghiệm người học mà còn góp phần bảo tồn và truyền bá bản sắc văn hóa dân tộc thông qua nền tảng kỹ thuật số.
“Một bài giảng về văn hóa dân gian, một lớp học về ngôn ngữ hay lịch sử Việt Nam có thể đến với hàng ngàn người học khắp thế giới chỉ qua một nền tảng học tập trực tuyến. Việc số hóa không làm nhạt đi bản sắc, mà trái lại, nếu biết cách làm, sẽ giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa giá trị văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế”, ThS Lê Nguyễn Minh Phương nói.

ThS Lê Nguyễn Minh Phương – giảng viên tại ĐH Global Cyber (Hàn Quốc) tại phiên thảo luận về Phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục trong kỷ nguyên mới.
Cũng theo chị, việc đóng góp cho đất nước hiện nay không nhất thiết phải bó gọn trong mô hình làm việc truyền thống. Với mạng lưới internet toàn cầu, một trí thức trẻ ở châu Âu hay châu Mỹ vẫn có thể tham gia giảng dạy, cố vấn chuyên môn, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ hay kết nối nguồn lực cho Việt Nam. Điều quan trọng là phải có một cơ chế khuyến khích linh hoạt, đồng thời xây dựng được niềm tin, sự trân trọng từ trong nước đối với những đóng góp từ xa ấy.
ThS Lê Nguyễn Minh Phương đề xuất, Nhà nước nên đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái số mở, trong đó trí thức trẻ có thể dễ dàng truy cập, tham gia và đóng góp vào các dự án giáo dục, nghiên cứu, truyền thông văn hóa... Dữ liệu mở, nền tảng mở, công nghệ mở sẽ là chìa khóa để khơi thông dòng chảy chất xám từ kiều bào, nhất là thế hệ trí thức trẻ.

ThS Lê Nguyễn Minh Phương.
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng ghi nhận những ý kiến đồng tình về việc cần thay đổi tư duy trong tiếp cận nguồn lực trí thức Việt Nam ở nước ngoài. “Không thể chỉ trông chờ vào việc mời họ về nước làm việc toàn thời gian. Phải chấp nhận và phát huy vai trò của họ trong tư cách là công dân toàn cầu có kết nối mạnh mẽ với quê hương”, ThS Phương nhấn mạnh.
Nữ Thạc sĩ bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ trí thức trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Họ là những người được đào tạo bài bản, tiếp cận công nghệ mới sớm và có tư duy cởi mở, sẵn sàng chia sẻ vì lợi ích chung của đất nước. “Chúng tôi không trở về một cách vật lý, nhưng luôn hướng về Tổ quốc bằng cả trái tim và trí tuệ”, ThS Lê Nguyễn Minh Phương khẳng định.