Trí thức trẻ đề xuất 5 nhóm giải pháp ứng dụng AI để nâng cao năng suất lao động

SVO - Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, nhóm thảo luận số 1 do TS Lê Duy Tân - Giảng viên trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) đại diện đã mang đến nhiều đề xuất cụ thể xoay quanh chủ đề 'Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động và phát triển kinh tế - xã hội'.

>

Theo TS Lê Duy Tân, trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các chủ trương lớn về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học – công nghệ, việc ứng dụng AI không chỉ là xu thế, mà còn là đòi hỏi cấp thiết nhằm tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng dịch vụ công và xây dựng nền kinh tế tri thức.

Năm nhóm giải pháp chính được đề xuất:

Ứng dụng AI và công nghệ số trong sản xuất và dịch vụ: Nhóm đề xuất đẩy mạnh triển khai các nền tảng dữ liệu mở, hệ thống sản xuất tự động hóa, công nghệ cảm biến trong nông nghiệp, công nghiệp và logistics. Việc số hóa quy trình làm việc sẽ giúp tối ưu nguồn lực, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa – nơi tiếp cận công nghệ còn hạn chế.

Nhóm thảo luận số 1 đề xuất cụ thể xoay quanh chủ đề ‘Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động và phát triển kinh tế - xã hội’.

Đưa AI vào y tế, giáo dục và xây dựng: AI được kỳ vọng sẽ hỗ trợ chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm trong lĩnh vực y tế; tạo ra các mô hình học tập cá nhân hóa trong giáo dục; và áp dụng các công nghệ mô phỏng, giám sát công trình thông minh trong xây dựng. Những ứng dụng này giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả và mở rộng tiếp cận dịch vụ chất lượng cho người dân.

Phát triển nguồn nhân lực số: TS Lê Duy Tân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo thế hệ nhân lực công nghệ cao. Nhóm kiến nghị xây dựng chương trình giáo dục về AI từ bậc phổ thông đến đại học, tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút chuyên gia Việt kiều và hình thành hệ sinh thái nuôi dưỡng, sử dụng tài năng trẻ.

Nhóm thảo luận số 1 tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI.

Kết nối mạng lưới nghiên cứu trong và ngoài nước: Việc xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và địa phương trong nước với các đối tác quốc tế được xem là nền tảng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nhóm đề xuất thành lập các trung tâm công nghệ liên ngành và tổ chức chương trình thực tập, trao đổi học thuật quốc tế.

Hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ: Nhóm kiến nghị ban hành các chính sách thử nghiệm công nghệ (sandbox), ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, và thiết lập bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến AI. Đồng thời, cần đẩy mạnh mở dữ liệu công và cải thiện môi trường pháp lý để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Nhiều mô hình thực tiễn được giới thiệu

Tại phiên trình bày, TS Lê Duy Tân cũng giới thiệu một số mô hình ứng dụng cụ thể đang được triển khai như: Chương trình đào tạo AI Mobix dành cho thanh niên Việt Nam; hệ thống AI phát hiện tổn thương tiêu hóa từ hình ảnh nội soi; mô hình “túi tri thức số” phục vụ người dân vùng khó khăn; camera thông minh hỗ trợ đảm bảo an toàn đô thị; và nền tảng học trực tuyến cho các nhóm đối tượng đặc thù.

TS Lê Duy Tân - Giảng viên trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) đại diện nhóm thảo luận số 1.

Đại diện nhóm bày tỏ mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan xem xét thử nghiệm một số mô hình tại các địa phương đang thúc đẩy chuyển đổi số. TS Lê Duy Tân nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành của Nhà nước và sự chủ động của đội ngũ trí thức trẻ, các giải pháp công nghệ hoàn toàn có thể sớm được hiện thực hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tri-thuc-tre-de-xuat-5-nhom-giai-phap-ung-dung-ai-de-nang-cao-nang-suat-lao-dong-post1761952.tpo