Trí thức trẻ Việt tại Pháp: 'Tôi là ai, tôi làm việc ở đâu và tôi phải làm gì?'
SVO - Từ một sinh viên nghèo vừa học vừa làm trên đất Pháp, GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên đã trở thành người Việt đầu tiên trúng tuyển vào hệ thống giảng viên công lập quốc gia Pháp. Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, anh chia sẻ hành trình tìm lại bản sắc, khẳng định vị trí và khát vọng đóng góp cho quê hương.
>
“Tôi là ai? Tôi làm việc ở đâu? Tôi phải làm gì?”, Ba câu hỏi giản dị ấy lại trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài chia sẻ đầy cảm xúc và chiều sâu của GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên, tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, diễn ra ở Hà Nội, từ ngày 19 - 21/7.
Tôi là ai? Tôi làm việc ở đâu? Tôi phải làm gì?”
GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên
Đó không chỉ là câu hỏi cá nhân, mà còn là hành trình chung của rất nhiều người Việt trẻ đang học tập, làm việc nơi đất khách: Đi tìm bản thân, đối thoại với nguồn cội, và hướng về cống hiến.
Từ cậu sinh viên vừa học vừa làm…
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở một thị xã nhỏ tại miền Trung (Việt Nam), Nguyễn Nhật Nguyên sang Pháp du học từ rất sớm. Để tự trang trải cuộc sống, anh từng phải làm nhiều công việc tay chân như rửa chén, bưng bê trong nhà hàng, ban ngày là sinh viên đại học, ban đêm là lao động.

GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
“Lúc đó, tôi luôn cảm thấy mình bị kẹt giữa hai thế giới: Một bên là văn hóa phương Tây hiện đại, một bên là văn hóa Á Đông truyền thống. Tôi không biết mình thuộc về đâu”, GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên chia sẻ.
Chính những xung đột cá nhân sâu sắc ấy đã thôi thúc anh đi vào con đường nghiên cứu văn hóa. Trong luận văn Thạc sĩ, anh đề xuất khái niệm “Chiến lược là nét văn hóa”, cách mà người trẻ Việt Nam linh hoạt chuyển đổi giữa các hệ giá trị truyền thống và hiện đại để thích nghi với xã hội đang thay đổi nhanh chóng.
“Ban ngày, họ sống như công dân toàn cầu. Nhưng khi về nhà, họ lại hành xử theo chuẩn mực truyền thống. Không phải là mâu thuẫn, mà là sự song song. Họ phải làm vậy để tồn tại”, GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên giải thích.
... đến Giáo sư người Việt đầu tiên trúng tuyển hệ thống giảng viên Quốc gia Pháp
Làm nghiên cứu về văn hóa Việt tại Pháp không phải là lựa chọn phổ biến và đôi khi còn bị xem nhẹ. “Có người bảo tôi: Nghiên cứu về Việt Nam thì không đủ tầm để gọi là ‘khoa học’, thị trường lại quá nhỏ để ‘làm học thuật’”, GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên kể.

Nguyễn Nhật Nguyên là một trong 13 người được phong Giáo sư cấp Quốc gia ngành Khoa học quản lý ở Pháp. Ảnh: NVCC
Nhưng anh không lùi bước. Dựa trên các lý thuyết quốc tế và thực tiễn Việt Nam, anh đưa ra một lập luận đầy tính phản biện: “Người Việt Nam phải là người kể câu chuyện Việt Nam. Không ai hiểu và truyền tải giá trị Việt Nam tốt hơn chính chúng ta”.
Luận điểm đó giúp anh giành giải Nghiên cứu xuất sắc tại Pháp và trở thành người Việt Nam đầu tiên trúng tuyển kỳ thi tuyển giảng viên công lập cấp Quốc gia một cuộc thi đầy thử thách, chủ yếu dành cho ứng viên bản địa.
“Đó là cách tôi trả lời câu hỏi: ‘Tôi làm việc ở đâu?’. Tôi làm việc ở Pháp, nhưng tôi nghiên cứu và giảng dạy để giới thiệu Việt Nam một cách khoa học và đúng đắn nhất”, GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên nói.
Không im lặng, nhưng phản biện bằng học thuật
Trong quá trình làm việc tại Pháp, từng có người khuyên anh: “Nếu muốn tồn tại trong hệ thống hành chính Pháp, tốt nhất nên im lặng như một người châu Á”.
Nhưng anh không chọn im lặng. “Tôi phản biện, nhưng không bằng lời to tiếng lớn. Tôi lên tiếng bằng bài giảng, bằng nghiên cứu, bằng hội thảo. Đó là cách tôi đấu tranh”, anh chia sẻ.

‘Tôi là ai, tôi làm việc ở đâu và tôi phải làm gì?’.
Là giảng viên đại học ở Pháp, anh dành nhiều thời gian để giảng dạy về văn hóa Việt Nam cho sinh viên quốc tế. Trong đó, anh đặc biệt chú trọng việc phá vỡ các định kiến sai lệch. Ví dụ, nhiều sinh viên tin rằng Việt Nam là một xã hội bảo thủ, trọng nam khinh nữ.
“Tôi phân tích và chứng minh ngược lại: Việt Nam là một trong những xã hội coi trọng nữ giới nhất ở châu Á. Tiếng nói của người phụ nữ rất lớn trong gia đình và xã hội. Tôi muốn sinh viên hiểu rằng, Việt Nam không phải là bản sao của bất kỳ mô hình nào, mà có giá trị riêng, bản sắc riêng”, GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên nhấn mạnh.
"Không quên mình là ai"
Khi được hỏi về điều quan trọng nhất với một trí thức Việt Nam ở nước ngoài, GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên trả lời ngắn gọn: “Không quên mình là ai”.
“Chúng ta có thể sống, học tập và làm việc ở bất cứ đâu, nhưng đừng đánh mất gốc rễ. Hội nhập không có nghĩa là hòa tan. Trí thức trẻ cần tạo ra tri thức không chỉ để hiểu, mà để hành động có ý nghĩa”, GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên nhắn nhủ.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI.
Tại Diễn đàn, GS. TS Nguyễn Nhật Nguyên bày tỏ mong muốn được kết nối nhiều hơn với cộng đồng trí thức trẻ Việt toàn cầu: “Tôi đã chọn con đường khoa học để đưa văn hóa Việt ra thế giới. Nhưng hành trình ấy sẽ mạnh mẽ hơn khi có sự đồng hành. Tôi tin, mỗi người trẻ Việt ở nước ngoài đều có thể là một nhịp cầu tri thức, một đại sứ văn hóa”.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI do T.Ư Đoàn tổ chức, quy tụ hơn 200 trí thức trẻ Việt trong và ngoài nước. Năm nay, Diễn đàn tập trung vào chủ đề “Phát triển đất nước bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, hướng tới kết nối và phát huy nguồn lực trí thức toàn cầu phục vụ công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam.