Triển khai Chiến lược cải cách thuế phải thống nhất, xuyên suốt và có hệ thống

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đặt ra trong thời gian rất dài, nên việc xây dựng kế hoạch hành động phải được triển khai thống nhất, xuyên suốt và có hệ thống, nhằm đạt cao nhất mục tiêu đề ra.

Xây dựng ngành Thuế hiện đại, hoạt động hiệu quả

Tại hội thảo Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 chiều 23/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho rằng, hội thảo là dịp lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, các nhà quản lý, chuyên gia, do đó, Tổng cục Thuế sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, tập trung nghiên cứu để hoàn chỉnh kế hoạch hành động 5 năm, hàng năm nhằm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra tại Chiến lược.

Theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp của các vụ, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, sự tham gia góp ý của các bộ, ngành và của các tổ chức quốc tế, Tổng cục Thuế đã hoàn thiện trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 với mục tiêu chủ đạo và xuyên suốt là xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ; trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Triển khai Chiến lược cải cách thuế thống nhất, xuyên suốt và có hệ thống. Ảnh: Đức Minh.

Thời gian qua, song song với việc xây dựng Chiến lược, báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục duy trì, triển khai các dịch vụ khai, nộp, hoàn thuế điện tử đối với doanh nghiệp (đều đã đạt trên 99%), Tổng cục Thuế cũng đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Thuế như: triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố và trên toàn quốc từ tháng 4/2022 vừa qua.

Thông tin đến hội thảo, ông Cao Anh Tuấn vui mừng cho biết, sau 1 tháng triển khai, đến sáng 23/5/2022 đã đạt 79,4% số các doanh nghiệp tại 57 tỉnh còn lại triển khai hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng Etax Mobile; cổng thông tin điện tử để nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế; nghiên cứu triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về hóa đơn điện tử, các công cụ khai thác, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử để phân tích rủi ro phục vụ công tác quản lý thuế, …, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu quản lý thuế trên nền tảng điện tử như đã đề ra trong chiến lược.

Theo ông Cao Anh Tuấn, công tác cải cách tổ chức bộ máy cũng được Tổng cục Thuế chú trọng triển khai thực hiện như: đã trình Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổ chức lại, nâng cấp 3 đơn vị từ cấp vụ thành cấp cục gồm: Cục Thuế doanh nghiệp lớn; Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế; Cục Kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế tại trung ương.

Đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh mô hình, tổ chức bộ máy cấp chi cục thuế theo hướng, đối với các chi cục thuế có quy mô lớn, quản lý số thu trên 5.000 tỷ đồng (không gồm thu từ dầu thô và thu từ đất); quản lý trên 10.000 doanh nghiệp, thì sẽ tổ chức bộ máy theo các phòng (thay cho các đội thuế) và thực hiện thêm chức năng thanh tra tại chi cục thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế tại cấp chi cục thuế.

Kiên định mục tiêu trên chặng đường dài

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Thuế cũng thẳng thắn nhận định, thời gian thực hiện chiến lược còn cả một chặng đường dài gần 9 năm tới, trong bối cảnh tình hình kinh tế, dịch bệnh và địa chính trị trên thế giới liên tục có nhiều biến động khó lường, tác động đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Thuế hàng năm, tác động không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại chiến lược.

Do đó, việc xây dựng kế hoạch hành động triển khai chiến lược phải hiệu quả, thiết thực, phù hợp thực tiễn mới có thể đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại chiến lược.

Theo đó, đối với chiến lược thuộc trách nhiệm của Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng đề nghị Ban cải cách và hiện đại hóa tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo bộ, ý kiến tham gia, góp ý của các vụ, đơn vị tại hội thảo để nghiên cứu, hoàn chỉnh Kế hoạch hành động triển khai chiến lược đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; hoàn chỉnh Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 và các Đề án triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Ngoài ra, cần tham mưu với Tổng cục phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ để trình Bộ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến lược cấp Bộ. Đồng thời tham mưu lãnh đạo Tổng cục thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến lược tại cấp Tổng cục Thuế và cấp cục thuế, đảm bảo việc tổ chức triển khai Chiến lược được thống nhất, xuyên suốt, có hệ thống.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cũng đề nghị các đơn vị chủ động hoàn chỉnh 13 đề án thành phần; chủ động xây dựng kế hoạch hành động tại đơn vị mình để triển khai thực hiện. “Đặc biệt cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra tại Chiến lược, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để xây dựng kế hoạch, lộ trình 5 năm, hàng năm để thực hiện góp phần hoàn thành các mục tiêu tại Chiến lược”- người đứng đầu ngành Thuế nhấn mạnh./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trien-khai-chien-luoc-cai-cach-thue-phai-thong-nhat-xuyen-suot-va-co-he-thong-105657.html