Triển vọng dư cung kéo giá dầu đi xuống
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 97 xu (1,4%) xuống 71,12 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,10 USD (1,6%) xuống 67,20 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 6/12, khép lại một tuần đi xuống, khi các nhà phân tích dự báo tình trạng dư cung vào năm 2025 do nhu cầu yếu, bất chấp quyết định trì hoãn tăng sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 97 xu (1,4%) xuống 71,12 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,10 USD (1,6%) xuống 67,20 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 2,5%, trong khi giá dầu WTI giảm 1,2%.
Ngày 5/12, OPEC+ đã quyết định lùi thời điểm bắt đầu tăng sản lượng dầu thêm ba tháng, đến tháng 4/2025, và kéo dài thời gian dỡ bỏ hoàn toàn việc cắt giảm [sản lượng] thêm một năm, đến cuối năm 2026.
Theo ông Bob Yawger, cán bộ quản lý cấp cao tại Mizuho ở New York, nhu cầu dầu toàn cầu yếu và khả năng OPEC+ tăng sản lượng ngay khi giá tăng đã gây áp lực lên hoạt động giao dịch.
OPEC+, chiếm khoảng 50% sản lượng dầu của thế giới, đã lên kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ việc cắt giảm từ tháng 10/2024, nhưng nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu – yếu và sản lượng tăng ở những nơi khác đã buộc OPEC+ phải nhiều lần trì hoãn kế hoạch này.
Ngân hàng Bank of America dự báo tình trạng dư cung dầu ngày càng tăng sẽ đẩy giá dầu Brent xuống mức trung bình 65 USD/thùng vào năm 2025. Trong khi đó, HSBC hiện dự báo dư cung dầu trên thị trường ở mức 200.000 thùng/ngày.
Giá dầu Brent chủ yếu dao động trong khoảng hẹp từ 70-75 USD/thùng trong tháng qua, khi các nhà đầu tư cân nhắc các tín hiệu nhu cầu yếu ở Trung Quốc và rủi ro địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
Một yếu tố khác gây áp lực lên giá dầu là số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng lần đầu tiên sau tám tuần, theo báo cáo của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đã tăng 5 giàn lên 482 giàn trong tuần này, mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2024, trong khi số giàn khoan khí đốt tăng 2 giàn lên 102 giàn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2024.
Những thống kê trái chiều về thị trường việc làm của Mỹ (cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong tuyển dụng nhưng tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhẹ) đã kéo dài đà giảm của giá dầu.
Nhìn lại tuần qua, giá dầu biến động nhẹ, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố đan xen, trong đó có triển vọng nhu cầu từ Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, quyết định của
OPEC+ về sản lượng và diễn biến của đồng USD.
Tâm lý thị trường tương đối thận trọng. Nhu cầu yếu và triển vọng dư cung tiếp tục là rào cản đối với đà tăng của giá dầu.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trien-vong-du-cung-keo-gia-dau-di-xuong/355952.html