Triển vọng từ mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái

Tận dụng lợi thế đất đồi rừng, gần 5 năm nay, anh Phạm Văn Sỹ, ở xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành (Phú Bình), phát triển trồng rừng, chăn nuôi kết hợp với du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là mô hình nông nghiệp phát triển theo hướng tích hợp đa sản phẩm, đa giá trị, nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, giảm chất thải và phát triển bền vững.

Một góc trong khu sinh thái "Thung lũng Thảo Nguyên" của gia đình anh Phạm Văn Sỹ, ở xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành (Phú Bình).

Một góc trong khu sinh thái "Thung lũng Thảo Nguyên" của gia đình anh Phạm Văn Sỹ, ở xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành (Phú Bình).

Anh Sỹ sinh ra và lớn lên ở Tân Thành - xã vùng núi khó khăn của huyện Phú Bình. Tuổi thơ gắn liền với những ngày theo bố mẹ lên đồi cuốc đất, trồng cây, nên ý tưởng trồng rừng, chăn nuôi kết hợp với du lịch sinh thái cộng đồng đồng nhen nhóm trong anh từ lâu. Song đến năm 2020, sau hơn chục năm làm nghề lái máy xúc, anh mới bắt tay thực hiện ý tưởng này trên diện tích 5ha đất đồi rừng của gia đình.

Từ dưới chân đồi, phóng tầm mắt quan sát xung quanh, chúng tôi thích thú khi thấy ngôi nhà của anh được bao bọc bởi màu xanh núi rừng. Bước qua cổng vào bên trong, chúng tôi thấy một thung lũng phủ đầy sắc hoa, cây trái, không khí mát mẻ, trong lành. Trong 5ha thì có 2ha anh Sỹ xây dựng làm khu sinh thái, với tên gọi "Thung lũng Thảo Nguyên", còn lại là trồng rừng kết hợp nuôi hàng nghìn con gà, gần 100 con ngựa, dê, cầy, gà tây…

Theo anh Sỹ, khi thu nhập của người dân ngày càng cao, nhiều người lại thích tìm đến với thiên nhiên để nghỉ dưỡng. Đặc biệt, với những cư dân đô thị, sống trong môi trường náo nhiệt, hối hả thì vài ngày nghỉ cuối tuần dành cho các chuyến dã ngoại, thư giãn bên rừng cây, dòng suối mát, không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên là điều vô cùng ý nghĩa.

Nắm bắt được nhu cầu ấy, anh đã tập trung đầu tư khai thác nơi xa xôi, hẻo lánh này thành điểm du lịch độc đáo, phục phụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách gần xa. Với tinh thần chịu khó, dám nghĩ dám làm, anh Sỹ là người tiên phong phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái ở xã Tân Thành.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại khu sinh thái "Thung lũng Thảo Nguyên" ở xóm Đồng Bốn, Tân Thành (Phú Bình).

Du khách tham quan, trải nghiệm tại khu sinh thái "Thung lũng Thảo Nguyên" ở xóm Đồng Bốn, Tân Thành (Phú Bình).

Riêng với khu sinh thái "Thung lũng Thảo Nguyên" được anh thiết kế, bố trí không gian thoáng đãng, đầu tư xây dựng nhiều hạng mục như phòng nghỉ, phòng ăn, không gian hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ; khu thể thao, bể bơi, ao cá. Không gian ở đây thêm sinh động hơn khi các bức tường được tô điểm bằng nhiều bức tranh vẽ, có thác nước nhân tạo, những chiếc cầu thơ mộng bên núi rừng. Xung quanh khu sinh thái, anh trồng nhiều cây ăn quả như mít, xoài, hồng xiêm, hoa, cây cảnh, tiểu cảnh, các loại cây rau màu, củ quả leo dàn…

Anh tin tưởng hướng đi này có nhiều triển vọng, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay, tạo ra vòng tròn khép kín, chăn nuôi, trồng trọt phục vụ khách du lịch. Nguồn phân từ chăn nuôi, cỏ dại, rác hữu cơ tận dụng làm phân bón cho cây. Thời gian qua, "Thung lũng Thảo Nguyên" đã đón nhiều đoàn khách, với nguồn thực phẩm được cung cấp tại chỗ từ việc chăn nuôi của gia đình anh Sỹ.

Tuy nhiên, anh Sỹ cũng chia sẻ về những khó khăn mà mô hình của mình đang gặp phải, khiến lượng khách còn ít. Đó là chưa thiết kế được các dòng sản phẩm du lịch, mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng, giải trí giản đơn giản; hệ thống đường giao thông chưa đồng bộ; khu chăn nuôi, trồng trọt chưa quy hoạch gọn gàng, chủ yếu chăn thả tự nhiên, dẫn tới việc tham quan, trải nghiệm của khách hạn chế…

Bởi vậy, thời gian tới, anh bày tỏ mong muốn được các cơ quan, đơn vị chuyên môn quan tâm, định hướng, hỗ trợ, nhất là về nguồn vốn; tập huấn kiến thức về phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, hướng đi bền vững; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động du lịch tại các cơ sở nông nghiệp; xây dựng các tour du lịch khép kín, nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của các hộ nông dân, quy trình sản xuất và mua sắm sản phẩm nông nghiệp.

Để từ đó, anh có thể liên kết với các đơn vị lữ hành, nhà trường thiết kết sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên, gắn với các di tích, bản sắc văn hóa riêng của địa phương, như cụm di tích đình - đền - chùa Cầu Muối…

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/trien-vong-tu-mo-hinh-nong-nghiepket-hopdu-lich-sinh-thai-8ef0c70/