Triệu Phong thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững

Bám sát Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 của UBND huyện Triệu Phong, các phòng, ban, địa phương trên địa bàn huyện đưa ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, địa phương đã lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án liên quan đến phát triển kinh tế- xã hội để đạt kết quả cao nhất.

 Các xã ven biển huyện Triệu Phong đẩy mạnh nuôi tôm công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao

Các xã ven biển huyện Triệu Phong đẩy mạnh nuôi tôm công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao

Theo đó, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hội, đoàn thể huyện kí kết chương trình phối hợp công tác giảm nghèo giai đoạn 2017- 2020, tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình giảm nghèo bền vững sát với tình hình thực tế của mỗi địa phương. UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hằng năm, UBND huyện xây dựng, triển khai kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và lấy kết quả đó làm căn cứ thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, Phòng LĐ-TB&XH triển khai, hướng dẫn các xã, thị trấn về việc học nghề và bố trí việc làm của các công ty, đơn vị đến tư vấn, tuyển dụng lao động, đồng thời tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng như phối hợp với các công ty XKLĐ tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn về lĩnh vực này đến với người dân; tổ chức tốt phiên giao dịch việc làm tại cụm xã. Nhờ đó, chỉ tính riêng trong năm 2018, huyện Triệu Phong tạo việc làm mới cho 1.705 lao động, trong đó lao động trong tỉnh 663 người, lao động ngoại tỉnh 680 người, XKLĐ ra nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc 296 người, đi làm việc ở Lào 66 người. 6 tháng đầu năm 2019, huyện Triệu Phong tạo việc làm mới cho 800 lao động, trong đó lao động trong tỉnh 305 người, lao động ngoại tỉnh 325 người, XKLĐ 132 người, đi làm việc ở Lào 38 người.

Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai, hướng dẫn các chính sách về vốn vay XKLĐ để người dân vay đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng cũng như thông tin đầy đủ về cung cầu lao động ở thị trường lao động nước ngoài. Thông báo cho các xã, thị trấn, cơ quan liên quan về việc không giao dịch kết nối tuyên truyền tư vấn XKLĐ đối với 60 doanh nghiệp đã bị Bộ LĐ-TB&XH thu hồi giấy phép hoạt động…

Cùng với việc XKLĐ, năm 2018 Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên huyện, đơn vị chức năng, cơ sở dạy nghề và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyển sinh và đào tạo 53 lớp, 1.596 học viên với các nghề liên quan đến nông nghiệp, phi nông nghiệp. 6 tháng đầu năm 2019, Phòng LĐ-TB&XH tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đợt 1 là 10 lớp, 223 học viên, đợt 2 là 3 lớp, 105 học viên. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dạy nghề, người học nghề và việc làm sau đào tạo được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Phòng còn phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát, cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn rà soát danh sách hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo có nhu cầu vay vốn giúp họ vay vốn để phát triển sản xuất. Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức nói chuyện chuyên đề về công tác giảm nghèo bền vững ở nhiều địa phương trong huyện. Tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra theo theo Quyết định số 1646 ngày 21/9/2018 để kiểm tra, đánh giá công tác giảm nghèo tại nhiều xã nhằm kịp thời đưa ra giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả hơn…

Công tác bảo trợ xã hội, chi trả chế độ cho người có công với cách mạng được huyện Triệu Phong quan tâm thực hiện. 6 tháng đầu năm 2019, Phòng LĐTB&XH chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách; phối hợp với Bưu điện huyện chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách, tính đến ngày 30/6/2019 chi cho 3.460 đối tượng với tổng số tiền hơn 29 tỉ đồng. Thụ lí, giải quyết các loại hồ sơ người có công gồm 61 hồ sơ các loại. Bên cạnh đó, tham mưu UBND huyện phân bổ kinh phí và triển khai thực hiện tốt hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2018, huyện đã hỗ trợ cho người có công cách mạng 492 nhà ở với số tiền hơn 11,4 tỉ đồng (xây mới 81 nhà, 40 triệu đồng/nhà; sửa chữa 411 nhà, 20 triệu đồng/nhà), 6 tháng đầu năm 2019 được 7 nhà với số tiền 140 triệu đồng; lập danh sách điều dưỡng năm 2019 gồm 1.484 đối tượng, kinh phí hơn 1,4 tỉ đồng…

Bằng các giải pháp và cách làm cụ thể, huyện Triệu Phong đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở địa phương. Đầu năm 2018 toàn huyện có 2.083 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 8,60%, có 1.948 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 8,04% thì đến cuối năm 2018, toàn huyện còn 1.649 hộ nghèo, chiếm 6,62%, 1.584 hộ cận nghèo, chiếm 6,36%.

Từ nay đến cuối năm 2019, huyện Triệu Phong tiếp tục tạo việc làm mới cho 950 lao động, tổ chức đào tạo nghề cho 13 lớp với 328 học viên. Phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức chi trả hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động các xã bị ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển năm 2016. Đẩy mạnh có hiệu quả chương trình giảm nghèo, phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 1,5% trở lên, phấn đấu đến cuối năm 2019 cơ bản không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công.

NV

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141424